Để xử lý lục bình ngăn dòng chảy các kênh, rạch trên địa bàn, TP HCM đã xây dựng đề án "cắt, vớt cỏ rong, lục bình" với mục tiêu trong năm 2015 hệ thống kênh rạch trên địa bàn sẽ không còn bị loại thực vật này ngăn dòng chảy.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm vừa giao Sở Tài Nguyên - Môi trường phối hợp với các sở, ngành và quận huyện liên quan nghiên cứu, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật và ban hành quy trình kỹ thuật vớt lục bình, rong cỏ và rác thải tại các sông và kênh, rạch. Trước mắt, ưu tiên thực hiện các yêu cầu này đối với máy cắt, vớt lục bình.
Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị được giao hoàn thiện phương án cụ thể thực hiện việc vớt lục bình trên thượng nguồn sông Sài Gòn để trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt. Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì đề xuất đầu tư thêm máy cắt, vớt lục bình để sớm giải quyết tình trạng lục bình ngăn dòng chảy tại các tuyến sông, kênh, rạch. Mục tiêu trong năm 2015, sẽ xử lý xong cơ bản loại thực vật này.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, thành phố có khoảng 2.000 km kênh rạch đóng vai trò quan trọng trong việc thoát nước. Thế nhưng, hiện có 170 kênh rạch với gần 700 km bị lục bình, cỏ dại phát triển ngăn cản dòng chảy, gia tăng ô nhiễm khu vực nội thành và tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Để khơi thông dòng chảy, giảm ô nhiễm, Sở Tài Nguyên - Môi trường đã giao Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị trục vớt lục bình phía thượng nguồn, phần còn lại giao các quận, huyện. Tuy nhiên, phương pháp vớt loại thực vật này vẫn làm theo kiểu chèo xuồng ra vớt rồi vận chuyển lục bình bằng đường bộ đi xử lý theo diện rác sinh hoạt. Việc xử lý theo kiểu thủ công vừa không mang lại hiệu quả cao lại khiến mỗi năm TP HCM phải bỏ ra hơn 2,7 tỷ đồng.
Giữa năm 2013, sau chuyến thực địa tại huyện Bình Chánh, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân đã thống nhất chủ trương thử nghiệm hệ thống máy cắt, vớt do ĐH Công nghiệp nghiên cứu chế tạo tại một số kênh rạch của quận Bình Thạnh, đồng thời giao cho Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn phối hợp với trường nghiên cứu cải tiến thêm chức năng của máy, giao Trung tâm Công nghệ sinh học tổ chức chuyển giao công nghệ xử lý ủ hoai, sản xuất nguyên vật liệu phân bón hữu cơ, vi sinh từ cây lục bình… Tuy nhiên, đến nay lục bình vẫn đang là một vấn nạn mà thành phố chưa thể xử lý triệt để.