Toyota Hilux 2016: Bước chuyển mình mạnh mẽ

Toyota Hilux 2016 sở hữu những nâng cấp đột phá, thay đổi cả diện mạo cũng như khả năng hoạt động của mẫu xe bán tải này, hứa hẹn cuộc đua hấp dẫn trong năm 2017.  

Thị trường xe bán tải vẫn tiếp tục nóng trong cả năm 2016 và hứa hẹn sẽ tiếp tục hấp dẫn trong năm 2017. Toyota đang rất cố gắng tạo nên điểm nhấn của mình trong phân khúc này, với việc tiếp tục nâng cấp chiếc Hilux để đủ sức cạnh tranh với các đối thủ cũng liên tục đổi mới. Lần nâng cấp này cải tiến đáng chú ý nhất ở mặt động cơ và qua đó cũng thay đổi phần nào diện mạo của Toyota Hilux.

Thiết kế

Điểm khác biệt đầu tiên và cũng là lớn nhất để nhận biết Hilux 2016 với những người tiền nhiệm là, “lỗ mũi” trên nắp capo đã được loại bỏ. Đây là bộ phận làm mát khí nạp của Hilux, được loại bỏ trên nắp capo và đặt xuống phía mũi xe, tạo khả năng làm mát tốt hơn.

Việc thay đổi này giúp cho ngoại hình của Hilux bớt ngầu hơn, hiền lành hơn. Đối với dân chơi bán tải thường thích độ thêm các đồ chơi để làm đẹp cho chiếc xe hay tăng khả năng offroad, thì 1 chiếc xe như Hilux được gọi là dễ độ, ưu điểm của riêng dòng xe này.

Ngoài sự khác biệt ở “lỗ mũi”, thiết kế tổng thể của Hilux 2016 không thay đổi nhiều. Đầu xe vươn cao mạnh mẽ, hơi thuôn về phía trước. Gầm xe cao vô địch trong phân khúc, thiết kế cân đối tạo nên dáng vẻ mạnh mẽ và khả năng offroad hiệu quả.

Bên trong xe, Hilux 2016 giữ nguyên phong cách thiết kế của người tiền nhiệm. Không gian đủ rộng rãi cho các vị trí ngồi, tuy nhiên nếu chạy đường dài thì hàng ghế sau sẽ tạo cảm giác gò bó khó chịu, điều thường xuyên gặp phải trên những chiếc xe bán tải. Hilux 2016 được nâng cấp hệ thống DVD với màn hình cảm ứng 7 inch, nên khu vực này có đôi chút khác biệt, sang trọng hơn và hiện đại hơn đôi chút.

Xe vẫn sở hữu khởi động nút bấm Start/Stop, ghế lái chỉnh điện, vô lăng chỉnh 4 hướng đa chức năng, có cửa gió điều hòa cho hàng ghế sau. Nhìn chung thiết kế của Hilux 2016 thay đổi lớn nhất ở phần đầu xe với việc chuyển bộ phận làm mát khí nạp từ nắp capo xuống mũi xe, còn lại là những tinh chỉnh nhỏ.

Thiết kế này vẫn hợp lý ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên nó cần nâng cấp mạnh mẽ hơn trong bối cảnh các đối thủ trong phân khúc quan tâm mạnh mẽ đến việc thay đổi ngoại hình. Xe bán tải giờ đây không chỉ là xe công trường nữa, mà còn phải đáp ứng nhu cầu chạy phố, đi chơi, tương tự những chiếc SUV, vì vậy ngoại hình ngày càng trở nên quan trọng.

Động cơ

Đây là phần thay đổi cốt lõi, biến Hilux 2016 thành 1 mẫu xe có thể nói là khác hoàn toàn so với người tiền nhiệm. Động cơ 3.0L có phần cũ kỹ được thay thế bằng động cơ 2.8L mới hơn, còn động cơ 2.5L được thay bằng động cơ 2.4L. Dù hạ dung tích, động cơ mới vẫn giúp chiếc xe tăng thêm cả về công suất lẫn mô men xoắn.

Cụ thể động cơ 2.4L có công suất 147 mã lực tại vòng tua 3.400 vòng/phút, tăng 5 mã lực so với động cơ 2.5L trước. Động cơ 2.8L có công suất 174 mã lực tại vòng tua 3.400 vòng/phút, tăng 13 mã lực so với động cơ 3.0L trước đó.

Mô men xoắn của động cơ mới cũng được cải tiến rất đáng kể so với động cơ cũ. Động cơ 2.4L có mô men xoắn cực đại đạt 400 Nm tại vòng tua 1.600-2.000 vòng/phút, so với 343 Nm tại vòng tua 1.600-2.800 vòng/phút của động cơ 2.5 cũ. Còn ở động cơ 2.8L, mô men xoắn là 450 Nm tại vòng tua 1.600/2.400 vòng/phút so với con số 360 Nm tại vòng tua 1.600-3.000 vòng/phút của động cơ 3.0 cũ.

Ngoài động cơ, Hilux mới còn được trang bị hộp số mới, số sàn 6 cấp hoặc số tự động 6 cấp, đi kèm 2 chế độ lái là ECO hoặc POWER. Ngoài phiên bản 2.4E dẫn động 1 cầu, 2 mẫu xe còn lại sở hữu động cơ 2.8L đều sở hữu dẫn động 2 cầu.

Hoạt động

Sự thay đổi về động cơ tạo nên sự khác biệt rất lớn về khả năng hoạt động. Phiên bản được mang ra trải nghiệm là chiếc Toyota Hilux 2016 2.8G AT, phiên bản cao cấp nhất, với số tự động 6 cấp, dẫn động 2 cầu, 7 túi khí, màn hình cảm ứng 7 inch và camera lùi. Trang bị điện tử trên phiên bản cao cấp này có thêm Hệ thống kiểm soát lực kéo chủ động A-TRC giúp kiểm soát lực kéo ở  tất cả các bánh xe trong mọi tình huống, hởi hành ngang dốc HAC và cảnh báo phanh khẩn cấp EBS, cân bằng điện tử VSC, cùng với những công nghệ khác có mặt ở các phiên bản thấp hơn như ABS, EBD, BA.

Nhìn chung công nghệ trên Hilux 2.8G AT đủ dùng, không vượt trội so với những đối thủ, nhưng phục vụ hiệu quả cho khả năng hoạt động, tính năng an toàn của mẫu xe này.

Chiếc xe có vị trí ngồi cao, tầm nhìn rộng rãi, vô-lăng và ghế lái đều có thể điều chỉnh cho phù hợp với thể hình người lái khác nhau. Tay lái khá thân thiện, dễ điều khiển, nhẹ nhàng khi chạy phố và đầm chắc khi chạy trên đường cao tốc. Hệ thống trợ lực hoạt động tốt khiến việc offroad tương đối nhẹ nhàng, đồng thời vẫn tạo cảm giác thật tay nên việc cầm lái tạo cảm giác thú vị.

Trong thành phố, Hilux 2016 có vẻ “dịu dàng” hơn phiên bản trước, không tạo nên cảm giác “chồm chồm” nữa mà thân thiện hơn và người lái điều khiển xe khá nhẹ nhàng. Tất nhiên thể hình to lớn của 1 chiếc xe bán tải khiến Hilux xoay trở trong thành phố không mấy dễ chịu, đặc biệt khi đường đông đúc.

Trên đường cao tốc, Hilux 2016 thể hiện phong độ đáng ngưỡng mộ, khác biệt tương đối nhiều so với người tiền nhiệm. Động cơ mới khiến xe hoạt động êm ái, vòng tua thấp đáng ngạc nhiên, xe lướt đi chắc chắn và không tạo cảm giác chòng chành, dù gầm xe có khoảng sáng cao nhất phân khúc. Với vòng tua thấp, Hilux mới tiết kiệm hơn nhiều so với phiên bản trước và cũng gây sức ép lên các đối thủ cùng phân khúc.

Xe tăng tốc ở mức khá, không vượt trội đáng kể so với những đối thủ, dù có phần nhanh nhẹn hơn người tiền nhiệm. Các công nghệ hỗ trợ khiến xe tạo cảm giác an toàn khi vào cua, bám đường tốt và ít chòng chành dù gầm cao.

Về khả năng offroad, trong bài thử tại Đồng Mô với những hố bập bênh, hố sâu hay đi nghiêng, Hilux 2016 nguyên bản tỏ ra khá lì lợm và vượt qua chướng ngại vật tương đối tự tin. Gầm xe cao, động cơ cùng hộp số mới hoạt động tốt nên dù là số tự động, không có nhiều khó khăn để chiếc xe vượt qua địa hình khó. Tất nhiên với những địa hình offroad khó khăn hơn, kỹ năng người lái mới là thứ quyết định, nhưng những gì chiếc Hilux nguyên bản làm được cũng khiến nhiều tay lái offroad chuyên nghiệp quan tâm và chú ý.

Các công nghệ hỗ trợ như kiểm soát lực kéo chủ động, khởi hành ngang dốc hay gài cầu điện tử. Mặt khác, Hilux 2016 vẫn thiếu đi công nghệ hỗ trợ đổ đèo, vì vậy với những con dốc sâu, người lái cần chuyển sang chế độ cầu chậm và kết hợp sử dụng phanh.

Nhìn chung với mức giá 870 triệu cho phiên bản Hilux 2.8G AT, 806 triệu cho bản 2.8G MT và 697 triệu cho bản 2.4E MT, Hilux đã tạo sức cạnh tranh lớn hơn cho các đối thủ trong phân khúc xe bán tải. Những nâng cấp vượt trội về hộp số và động cơ cho phiên bản mới khiến cho Hilux 2016 trở nên khác biệt rất lớn so với phiên bản trước đó. Thị trường xe bán tải tại Việt Nam giờ đây ngày càng có nhiều lựa chọn tốt hơn cho những người đam mê “xê dịch”.