“Tôi đang nói về những đảm bảo an ninh. Về vấn đề liên quan đến các vùng lãnh thổ và các nước cộng hoà chưa được bất kỳ ai công nhận ngoài Nga…, chúng ta có thể thảo luận để tìm ra phương án thoả hiệp về cách mà họ sẽ tồn tại. Điều quan trọng đối với tôi là người dân ở các vùng lãnh thổ đó - những người muốn trở thành một phần của Ukraine - sẽ sống như thế nào”, ông Zelensky nói trong cuộc phỏng vấn với ABC News.
Dù tuyên bố "không chuẩn bị cho các tối hậu thư", nhưng Tổng thống Zelensky cho biết ông vẫn sẵn sàng đàm phán với Tổng thống Nga Putin.
“Về vấn đề Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tôi đã hạ giọng từ lâu sau khi chúng tôi hiểu rằng NATO không sẵn sàng tiếp nhận Ukraine. Liên minh này sợ những điều gây tranh cãi và sợ đối đầu với Nga. Chúng tôi không bao giờ muốn trở thành một quốc gia quỳ gối cầu xin thứ gì đó, và tôi cũng không muốn trở thành một tổng thống như thế”, ông Zelensky nói.
Ngày 24/2, Nga đã phát động một chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine.
Bốn ngày sau đó, hai bên lần đầu tiên ngồi vào bàn đàm phán ở Belarus. Sau đó, vòng đàm phán thứ 2 và thứ 3 lần lượt diễn ra vào ngày 3/3 và 7/3, nhưng không mang lại đột phá.
Điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 4/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông đặt kỳ vọng vào lập trường hợp lý và mang tính xây dựng của phía Ukraine trong các cuộc đàm phán tương lai với Nga.
Tổng thống Putin nhắc lại rằng Nga sẵn sàng đối thoại với Ukraine và tất cả những ai muốn hoà bình ở Ukraine, nhưng với điều kiện phải đáp ứng các đề nghị của Mátxcơva.
Những đề nghị này bao gồm việc Ukraine phải giữ lập trường trung lập và duy trì trạng thái phi hạt nhân; phi quân sự hoá - phi phát xít hoá đất nước; công nhận Crimea là một phần của Nga; công nhận chủ quyền của “Cộng hoà Nhân dân Donetsk” và “Cộng hoà Nhân dân Lugansk” trong biên giới hành chính của các khu vực Donetsk và Lugansk.