Cuối tuần qua, ông Gotabaya Rajapaksa hứa sẽ từ chức để dọn đường cho “sự chuyển giao quyền lực trong hoà bình”. Lời hứa được đưa ra sau khi hàng chục ngàn người biểu tình tiếp tục xuống đường, bao vây và xông vào tư dinh của nhà lãnh đạo.
Là tổng thống, ông Rajapaksa được miễn trừ việc bắt giữ.
Sáng sớm nay, ông Rajapaksa cùng vợ và một vệ sĩ đi trên chuyến bay quân sự Antonov-32 cất cánh từ sân bay quốc tế của Sri Lanka sang nước láng giềng Maldives, nguồn tin từ cơ quan xuất nhập cảnh tiết lộ.
Sau khi hạ cánh xuống Maldives, họ được cảnh sát hộ tống đến một địa điểm không được tiết lộ, một quản lý sân bay ở Male cho biết.
Thủ tục xuất cảnh của nhà lãnh đạo 73 tuổi từng được gọi là “kẻ huỷ diệt” bị chậm hơn 24 giờ vì bị nhân viên xuất nhập cảnh tại sân bay gây khó dễ.
Ông Rajapaksa muốn sang Dubai trên một chuyến bay thương mại, nhưng nhân viên tại sân bay quốc tế Bandaranaike đóng quầy dịch vụ VIP và khăng khăng yêu cầu tất cả hành khách phải đi qua quầy bình thường.
Nhà lãnh đạo này không muốn làm thủ tục ở quầy bình thường vì sợ người dân phản ứng, hệ quả là ông bị lỡ 4 chuyến bay trong ngày 12/7 sang UAE.
Chuyến bay quân sự sang nước láng giềng gần nhất là Ấn Độ không được bảo đảm ngay, khiến ông Rajapaksa có lúc đã phải chạy sang một căn cứ hải quân để định ra đi bằng đường biển.
Basil, em trai của ông Rajapaksa, người đã từ chức bộ trưởng tài chính hồi tháng 4, cũng đã lỡ chuyến bay sang Dubai vào sáng 12/7 vì bị nhân viên sân bay làm khó.
Có cả quốc tịch Mỹ, ông Basil muốn sử dụng dịch vụ đặc biệt dành cho khách doanh nhân, nhưng các nhân viên xuất nhập cảnh và sân bay cho biết họ đã dừng dịch vụ này.
Một quản lý sân bay cho biết một số hành khách phản đối cho ông Basil lên cùng chuyến bay với họ, khiến tình hình trở nên căng thẳng và cựu quan chức này vội vã rời khỏi sân bay.
Các nguồn tin chính thức cho biết một vali đầy tài liệu đã bị bỏ lại trong dinh thự cùng với 17,85 triệu rupee (khoảng 50.000USD). Số tài liệu này đã được nộp lên toà án Colombo.
Chưa có thông báo chính thức nào từ văn phòng tổng thống về tình trạng của ông Rajapaksa, nhưng ông vẫn là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.
Ông Rajapaksa bị cáo buộc quản lý yếu kém nền kinh tế đến mức cạn kiệt ngoại hối để nhập khẩu hàng hoá cơ bản nhất, gây ra tình trạng khủng hoảng chưa từng thấy trong lịch sử từ khi độc lập của đảo quốc 22 triệu dân.
Nếu ông Rajapaksa từ chức, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe sẽ tự động trở thành quyền tổng thống cho đến khi quốc hội bầu tổng thống mới.
Tuy nhiên, ông Wickremesinghe cũng khẳng định sẵn sàng từ chức nếu có đồng thuận về thành lập một chính phủ thống nhất.
Sajith Premadasa, lãnh đạo đảng đối lập chính Samagi Jana Balawegaya, khẳng định sẵn sàng thế chỗ.
Premadasa là con trai của cựu tổng thống Ranasinghe Premadasa, người bị ám sát trong một vụ đánh bom tự sát của phiến quân Tamil vào tháng 5/1993.
Tháng 4 vừa qua, Sri Lanka vỡ nợ khoản vay nước ngoài 51 tỷ USD và đang đàm phán với IMF về một gói cứu trợ.