Chia sẻ với đạo diễn người Mỹ Oliver Stone trong “The Putin Interviews”, một series thực tế về nhà lãnh đạo nước Nga dự kiến ra mắt vào cuối tháng này, ông Putin tiết lộ, từng đề xuất ý tưởng Nga gia nhập NATO với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton.
“Tôi nhớ một trong những cuộc họp cuối cùng với cựu Tổng thống Clinton tại Moscow. Trong cuộc họp, tôi đã nói: “Chúng ta nên xem xét ý tưởng để Nga gia nhập NATO”. Ông Clinton trả lời: “Tại sao không?”, ông Putin nhớ lại.
Theo ông Putin, tuy ông Clinton trả lời như vậy, những phái đoàn của Mỹ tỏ ra rất lo lắng.
Được biết, ông Putin đưa ra đề nghị trên trong chuyến thăm chính thức cuối cùng của ông Clinton tới Nga vào mùa hè năm 2000, thời điểm ông Putin lên nắm quyền chưa đầy một năm.
Theo Sputnik, lúc đó, mối quan hệ Nga – Mỹ và Nga – NATO tốt hơn nhiều so với hiện nay.
Nhà lãnh đạo nước Nga nhận định, “NATO chỉ là công cụ cho chính sách đối ngoại của Mỹ” và Washington “không có đồng minh, nhưng có các chư hầu”.
“Khi một quốc gia trở thành thành viên của NATO, rất khó để chống lại áp lực từ Mỹ. Điều này bao gồm các quyết định như triển khai các hệ thống vũ khí tấn công, căn cứ quân sự và lá chắn chống tên lửa của Mỹ để gây áp lực lên phản ứng của Nga”, ông Putin nói.
Tiết lộ của ông Putin với ông Stone không phải là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Liên Xô và Nga đề xuất gia nhập NATO.
Năm 1990, cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Sergeyevich Gorbachyov từng đưa ra đề nghị tương tự, nhưng bị cựu Ngoại trưởng Mỹ James Baker bác bỏ. Trước đó, vào những năm 1950, chỉ vài năm sau khi thành lập NATO, các nhà lãnh đạo Liên Xô đã gợi ý để Liên bang Xô viết trở thành thành viên của tổ chức này trong nỗ lực để duy trì hòa bình ở châu Âu.
Bình luận về đề nghị của chủ nhân Điện Kremlin, Igor Ivanov, một nhà ngoại giao kỳ cựu từng là Ngoại trưởng Nga giai đoạn 1998 – 2004, cho biết, mặc dù Moscow không tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán chính thức nào về việc gia nhập NATO, các nhà lãnh đạo Nga có thể từng tổ chức các cuộc thảo luận về việc trở thành thành viên của liên minh.
Dù vậy, theo ông Ivanov, đề xuất này khó khả thi bởi, NATO sẽ không thay đổi bản chất là “khối quân sự hung hăng nhắm vào phía đông”.
Trong khi, Sergei Ordzhonikidze, từng là phó Bộ trưởng Ngoại giao giai đoạn 1999 – 2002, nhận định, ông Putin đưa ra đề xuất như vậy là thể hiện nỗ lực của tân Tổng thống Nga (thời điểm đó) để đánh giá những ý định thực sự của NATO với Nga.
Trên RIA Novosti, Fyodor Lukyanov, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội đồng chính sách đối ngoại và quốc phòng – tổ chức phi chính phủ có tầm ảnh hưởng tại Nga, đánh giá, nếu Nga gia nhập NATO, bản chất của tổ chức này sẽ thay đổi.
Theo ông Lukyanov, việc Nga gia nhập liên minh sẽ tạo ra trung tâm mới có sức ảnh hưởng bên trong tổ chức với sức mạnh tương đương Mỹ, và đây là điều mà Washington khó có thể chấp nhận được.
Ông Lukyanov nhấn mạnh, động thái của ông Putin nhằm thể hiện sự nghiêm túc của Moscow trong việc đưa quan hệ Nga – Mỹ lên tầm cao mới.