Tổng thống Nga Putin với niềm đam mê lịch sử và khảo cổ

Tháng 8 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin đã tham gia vào chuyến thám hiểm của Hội Địa lý Nga (RGS) tại Crimea. Đây không phải là lần đầu tiên ông tham dự các hoạt động khoa học của RGS. năm 2013, ông V. Putin trực tiếp khảo sát xác chiếc thuyền buồm cổ Oleg bị đắm ở vịnh Phần Lan.

Tháng 8/2011, ông cũng đã lặn xuống vịnh Taman để thám hiểm một phần thành phố cổ Phanagoria bị chìm sâu dưới nước. Theo Tổng thống V. Putin, đây là nỗ lực nhằm khuyến khích người dân quan tâm tới lịch sử nước Nga.

Lặn xuống đáy Biển Đen

Ngày 18/8/2015, Tổng thống Putin đã tham gia vào một cuộc thám hiểm nghiên cứu con tàu cổ bị đắm ở Biển Đen. Ngồi trong tàu lặn Sea Explorer của Công ty U-BOAT WORX Hà Lan, ông quan sát xác con tàu của thế kỷ XI bị chìm ở gần lối vào vịnh Balaklava của Sevastopol. Cuộc thám hiểm này nằm trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm lần thứ 170 ngày thành lập RGS.

Trước đó, vào tháng 5/2015, các thành viên Câu lạc bộ lặn Rostov đã phát hiện được con tàu đắm này ở độ sâu 83m cách không xa Sevastopol. Việc khảo sát bước đầu của các nhà khoa học cho thấy, đây là con tàu lớn của Đế quốc Byzantine, chiều dài của nó lên đến 125m, trên tàu và xung quanh nó có hàng trăm chiếc vò hai quai, nhiều chiếc vẫn còn nguyên vẹn, rất có thể, con tàu này chở dầu và rượu vang. Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân con tàu bị đắm.

Theo khẳng định của các nhà nghiên cứu các công trình dưới nước, con tàu cổ khổng lồ này còn khá nguyên vẹn, không bị cướp bóc, thân tàu bằng gỗ chắc chắn thật sự là “báu vật” của Biển Đen.

V. Putin, D. Medvedev, S. Ivanov (từ hàng thứ 2 bên phải), S. Shoigu và bà V. Matviyenko (bên trái) thăm di tích lịch sử mới được khôi phục ở Sevastopol.

Trong khuôn khổ các dự án thám hiểm khoa học dưới nước được Bộ Quốc phòng Nga hỗ trợ, các nhà khảo cổ học đã lặn xuống vị trí con tàu đắm để dọn dẹp, chuẩn bị lắp đặt thiết bị chiếu sáng, làm các bức ảnh 3D và photomosaic của con tàu và đánh dấu vị trí dự định gắn tấm biển ghi các mốc thời gian của tàu. Tổng thống Putin là người quyết định việc chọn loại vật liệu làm các tấm biển này.

Đầu tháng 8 vừa qua, các chuyên gia của Bộ Quốc phòng Nga đã hỗ trợ và cùng các thợ lặn trực tiếp tới nơi con tàu đắm. Đảm bảo cho chuyến lặn xuống đáy Biển Đen lần này của Tổng thống Putin là các chuyên gia của Hạm đội Biển Đen và Tổng cục Nghiên cứu biển sâu thuộc Bộ Quốc phòng Nga.

Tổng thống Putin xem xét con tàu đắm từ chiếc tàu lặn có tầm nhìn tới 360 độ. Tàu chạy với tốc độ là 5,6 km/giờ, lặn sâu tới 300m, có thể lặn từ 8 đến 16 giờ. Tàu được thiết kế cho thủy thủ đoàn 3 người (2 nhà nghiên cứu và một người điều khiển). Do đó nhiều người dự đoán, Thủ tướng  Medvedev, người cũng có mặt ở Crimea vào thời điểm đó, có thể cùng lặn với Tổng thống Putin xuống đáy biển, nhưng thực tế không phải như vậy.

Tuy không có nhà lãnh đạo nào lặn xuống đáy biển cùng ông Putin, nhưng trên mặt Biển Đen lúc đó lại có một đội hình hùng hậu hỗ trợ Tổng thống Nga, trong đó có Thủ tướng Medvedev, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Valentina Matviyenko và người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Nga Sergei Ivanov. Họ cùng theo dõi hình ảnh chuyến thám hiểm của Tổng thống Putin được truyền về từ các camera.

Khi nhìn thấy những chiếc vò hai quai, bà Matviyenko nói: "Cần vớt những cái vò này lên!", còn ông Medvedev vui vẻ nói: "Không chỉ vớt lên, mà phải xem trong đó còn cái gì không? Có khi vẫn dùng được đấy!". Từ dưới tàu lặn, Tổng thống Putin góp thêm: "Liệu bên trong có còn cái gì không?".

Sau chuyến lặn biển kéo dài 40 phút và trò chuyện với các nhà làm phim về RGS từ chiếc tàu lặn, Tổng thống Putin quay về bờ. Trong bộ quần áo màu be có gắn biểu tượng của RGS, ông đã tiếp xúc với các nhà báo và đông đảo người dân Sevastopol.

Tổng thống Putin chia sẻ: "Công trình rất hấp dẫn, có niên đại khoảng thế kỷ X-XI, đó cũng chính là thời kỳ hình thành chế độ phong kiến nước Nga và phát triển các mối quan hệ với Đế quốc Byzantine và những nước khác. Rất khó có thể xem được toàn bộ con tàu, nó bị phủ một lớp bùn dày khoảng 40cm. Xung quanh còn rất nhiều vò hai quai…".

Tổng thống Putin nói thêm, chuyến thám hiểm là nỗ lực nhằm khuyến khích người dân quan tâm tới lịch sử nước Nga, tới quá trình hình thành chế độ nhà nước, đặc biệt là ở khu vực Crimea. Điều này rất quan trọng và cần thiết cho nước Nga.

Tổng thống V. Putin trong tàu lặn Sea Explorer ở biển đen, năm 2015.

Theo các nhà khoa học của RGS, cuộc thám hiểm nghiên cứu con tàu cổ bị đắm ở Biển Đen không phải là hoạt động khảo sát khoa học duy nhất của Hội Địa lý Nga tại Crimea. RGS hiện đang nghiên cứu hành trình của Con đường tơ lụa, các thành phố thời Trung cổ Feodosia và Sudak và khu bảo tồn thiên nhiên Crimea. Đây là những địa điểm được Tổng thống Putin quan tâm và có thể tham gia.

Một nơi khác cũng có thể thu hút sự quan tâm nghiên cứu của Tổng thống Nga, đó là Bảo tàng Quốc gia - khu rừng cấm Khersones Tavrichesky.

Tháng 12-2014, trong thông điệp liên bang, Tổng thống Putin tuyên bố, đối với nước Nga "Crimea, Korsun cổ, Khersones, Sevastopol có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng như Núi Đền (Temple Mount) ở Jerusalem đối với những người Hồi giáo và Do Thái giáo".

Cuối tháng 7 vừa qua, ông V. Putin còn tham gia vào các hoạt động kỷ niệm 1.000 năm ngày mất của Hoàng tử Vladimir. Có giả thuyết cho rằng Ngài đã được rửa tội ở ngay tại Korsun.

Câu lạc bộ tổng thống

Niềm đam mê lịch sử và khảo cổ học của ông Putin đã được biết đến từ lâu. Vào năm 2013, Tổng thống V. Putin được "tập huấn" cách sử dụng quần áo lặn để tham gia đoàn thám hiểm của RGS nghiên cứu chiếc thuyền buồm cổ bị đắm ở vùng đảo Gogland, vịnh Phần Lan.

Ông Putin còn mời hai tỉ phú Alisher Usmanov và Mikhail Prokhorov cùng tham gia. Trước mặt mọi người, Tổng thống Putin nói đùa: "Mikhail Prokhorov không lặn đâu, chỉ cần cúi xuống là tay của anh ấy chạm tới đáy rồi" (ý nói ông này quá cao - ông Prokhorov cao đến 2m).

Chiếc thuyền buồm Oleg bị chìm vào năm 1869 dưới đáy biển ở độ sâu 56m. Khi đó, Putin không dùng đến bộ quần áo lặn, mà sử dụng chiếc tàu lặn mini Sea Explorer 5 để tới vị trí chiếc thuyền cổ. Từ tàu lặn, ông nhìn thấy tên của con thuyền bị đắm và lỗ đạn pháo trên vỏ tàu. Điều đó cho thấy "tình trạng tốt đáng ngạc nhiên" của con tàu.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên ông Putin lặn xuống độ sâu lớn. Vào năm 2009, khi còn là Thủ tướng Nga, ông đã lặn xuống đáy hồ Baikal bằng tàu lặn Mir-1. Con tàu đưa ông xuống tới độ sâu 1.400m và di chuyển dọc theo đường đứt gãy Obrucheva. Khi trở về bờ, Giám đốc Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga Robert Nigmatulin thông báo về những dấu hiệu của khí hydrate đã phát hiện được trong lần thám hiểm này.

Khí hydrate là một chất kết tinh gồm phân tử nước và metan, thường được tìm thấy dưới lớp băng vĩnh cửu và tầng địa chất sâu dưới nước, nó giống như cục băng nhưng đốt cháy được (còn gọi là băng cháy), đây sẽ là nguồn nguyên liệu thay thế cho dầu lửa và than đá.

Ông V. Putin mang lên từ đáy vịnh Taman mảnh vỡ của những chiếc vò hai quai, năm 2011.

Ông Nigmatulin đề nghị Tổng thống Putin nhận một cục băng cháy được lấy lên từ đáy hồ Baikal vì trên thế giới, theo ông Nigmatulin, không có nhiều người làm được điều này.

Nhưng, gây được tiếng vang lớn hơn lại là một chuyến thám hiểm khác mà Tổng thống Putin tham gia. Vào tháng 8/2011, ông Putin (khi đó là Thủ tướng Nga) cũng đã lặn xuống đáy vịnh Taman để thám hiểm một phần thành phố cổ Phanagoria bị chìm sâu dưới nước. Bước lên bờ trong bộ quần áo lặn, ông cầm trên tay mảnh vỡ của những chiếc vò hai quai.

Theo người đứng đầu đoàn thám hiểm thành phố cổ Fanagoria Vladimir Kuznetsov, những mảnh vỡ mà ông V. Putin mang từ đáy vịnh Taman lên rất có giá trị vì trong thời cổ đại, có rất nhiều tàu buôn từng ghé vào vịnh này, các lái buôn đã dùng những chiếc vò này để chứa hàng hóa.

Năm 2015, RGS kỷ niệm 170 năm ngày thành lập, nhưng có thể coi năm 2009, khi ông Sergei Shoigu (Bộ trưởng Quốc phòng Nga hiện nay) là Chủ tịch RGS và ông Putin đứng đầu Hội đồng Bảo trợ của hội này, là năm mà RGS được sinh ra lần thứ hai. Bảo trợ vốn được xem là một truyền thống lâu đời của RGS.

Trong thời Đế quốc Nga, người bảo trợ chính của hội là nhà sản xuất thuốc lá Vasily Zhukov. Một trong những giải thưởng uy tín nhất của RGS thời đó đã được lấy tên của ông, giải thưởng Zhukov. Đứng đầu danh sách Mạnh thường quân là các nhà khai thác vàng Siberia, những người đã tài trợ cho một loạt dự án về thám hiểm và đào tạo cán bộ của hội.

Tại đại hội của RGS năm 2014, Tổng thống Putin đề nghị các nhà bảo trợ không chỉ đáp ứng tiền, mà còn phải trực tiếp đỡ đầu các dự án. Sau đó, các doanh nhân giàu có như Alexander Abramov và Andrey Bokarev đã bày tỏ mong muốn trợ giúp trực tiếp cho các đơn vị của RGS mới được tái lập ở Sevastopol và Simferopol.

Năm 2013, ông Putin thẳng thắn thừa nhận, nhiều chi nhánh khu vực của RGS không có trụ sở làm việc, ông kêu gọi Hội đồng Bảo trợ "tăng cường hoạt động để  bổ sung kinh phí" và nhà nước cũng cần phải giúp đỡ thêm. Theo ông Sergei Shoigu, với sự trợ giúp của chính phủ, RGS đã thành lập được Trung tâm Nghiên cứu dưới nước.

Hiện nay, các tỉ phú Mikhail Prokhorov, Vladimir Potanin, Alisher Usmanov là những nhà bảo trợ chính của cho RGS. Ngoài ra, các ông Vagit Alekperov, Viktor Vekselberg, Oleg Deripaska và nhiều người giàu khác trong nước là những người đóng hội phí cho Hội đồng Bảo trợ của RGS hàng năm.

Trong số các nhà bảo trợ còn có cả những người nước ngoài như Hoàng tử Albert II của Monaco và Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí Anh BP Robert Dudley. Vậy, vì sao những người giàu có này lại tích cực tham gia các hoạt động của Hội đồng Bảo trợ?

Điều dễ nhận thấy nhất, các thành viên của hội có nhiều cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với Tổng thống Nga, nên RGS vẫn thường được gọi là Câu lạc bộ Tổng thống.

Theo Theo An Ninh Thế Giới