Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia ba diễn đàn lớn nhất thế giới trong tháng 11 vừa qua, gồm Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ), Hội nghị Khí đốt ở Tehran (Iran) và Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp), cho thấy chỉ trong vòng một năm, nhà lãnh đạo Nga đã chuyển từ trạng thái bị cô lập, xa lánh sang thế thượng phong, trở thành một chính khách không thể thiếu tại những diễn đàn quốc tế quan trọng.
Sự chuyển đổi này được ghi nhận, bắt đầu từ bài phát biểu của Tổng thống Putin hồi cuối tháng 9/2015, trong phiên họp thứ 70 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, nơi ông đã kêu gọi hình thành một liên minh quốc tế rộng lớn chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Bài phát biểu của ông cũng nhắc đến liên minh quân sự giữa Liên Xô và phương Tây trong những năm tháng hào hùng chống phát xít Đức trước kia.
Tuy nhiên, phương Tây cũng không hẳn đặc biệt quan tâm đến một thỏa thuận chính thức với Nga, mà nguyên nhân chủ yếu là do họ vẫn tỏ vẻ bất bình trong vấn đề Ukraine. Ngay cả sau khi xảy ra các cuộc tấn công khủng bố ở Washington, Paris và một số thủ đô châu Âu thì tình thế cũng không thực sự đổi khác. Rõ ràng, phương Tây chưa hề muốn mối quan hệ với Nga được lật sang trang mới, cùng gác lại cuộc khủng hoảng Ukraine để tập trung mọi nỗ lực hợp tác chống IS.
Trong khi đó tại Syria, Nga đã thể hiện sức mạnh với các trang thiết bị vũ khí tấn công tối tân, từ máy bay ném bom cho đến bắn tên lửa hành trình từ biển Caspian... Những đòn đánh này trên thực tế còn nhằm mục đích hỗ trợ các lực lượng mặt đất, bao gồm quân đội chính phủ, lực lượng của Iran cũng như binh lính phong trào Hezbollah ở Liban. Tuy nhiên, việc can thiệp vào Syria cũng tiết lộ những lỗ hổng quân sự của Nga. Mặc dù tìm mọi cách đổ lỗi cho kỹ thuật, song cuối cùng Điện Kremlin cũng buộc phải thừa nhận rằng chiếc Boeing A - 321 của Hãng hàng không giá rẻ Kogalymavia với hành trình bay từ Sharm el - Shaikh (Ai Cập) tới St. Petersburg (Nga) chính là nạn nhân của IS trong một vụ tấn công khủng bố đẫm máu. Trên thực tế, người ta thấy quá rõ mối liên quan giữa việc Nga đưa máy bay tấn công tới Trung Đông để nhận về những nguy cơ khủng bố.
Bù lại, Moskva ít nhiều đã đạt được mục tiêu đề ra ban đầu của mình là hỗ trợ bảo vệ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al - Assad; giúp nhà lãnh đạo Syria tăng cường kiểm soát đối với toàn bộ đất nước, chuyển đổi thế trận ở Syria vốn không còn nằm trong sự kiểm soát của ông Assad, thậm chí Mỹ, Saudi Arabia và phương Tây còn đang chờ đợi sự ra đi của ông Assad khi tình hình thực tế lúc đó cho thấy ông Assad không có tương lai chính trị.
Trong bối cảnh đó, với gần 2.500 lần máy bay xuất kích, mục tiêu của Nga ở Syria sẽ thật khó thay đổi. Hồi cuối tháng 11/2015, chiến dịch không kích của Nga tập trung tại khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, mà theo quan điểm của Nga là nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu dầu mỏ của IS thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Đến ngày 24/11, sau vụ máy bay ném bom Su - 24 của Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, tình hình lại càng trở nên căng thẳng và quyết tâm của Nga nhằm triệt tiêu nguồn lực kinh tế của IS dường như càng được thúc đẩy hơn bao giờ hết.
Trong cuộc đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin đang cố gắng để được thừa nhận rằng Nga là một nạn nhân, cũng như nỗ lực nhằm hợp pháp hóa vị trí của mình tại Trung Đông. Tuy nhiên, nhìn vào thế trận tại Syria, các chuyên gia cho rằng sẽ thật khó giải quyết dứt điểm cuộc chiến tại đây nếu như các lực lượng mặt đất không được đưa vào thực địa. Thế nhưng, nếu thực hiện bước đi này, không ít chuyên gia lại tỏ ý lo ngại rằng tại chiến trường Syria, Nga và Mỹ sẽ lặp lại các sai lầm như đã từng mắc phải ở Iraq và Afghanistan, nơi sự chiếm đóng quân sự đã tạo ra một vòng xoáy đổ máu và cực đoan. Liệu ông Putin có bị vướng "bẫy" Trung Đông hay không? Câu hỏi đó sẽ được trả lời cùng với thời gian.