Tổng thống Biden gọi việc gửi đạn chùm cho Ukraine là 'quyết định khó khăn'

TPO - Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với CNN hôm 7/7 rằng việc cung cấp bom đạn chùm cho Ukraine là một “quyết định khó khăn”, nhưng ông buộc phải làm vậy vì Kiev cần đạn dược trong cuộc phản công.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: CNN

Nhà Trắng hôm thứ Sáu thông báo Tổng thống Joe Biden đã phê chuẩn việc chuyển giao các loại đạn thông thường cải tiến có mục đích kép (DPICM) cho Ukraine. Trước đó Mỹ từng phản đối việc đưa loại đạn dược này vào cuộc xung đột.

“Đó là một quyết định rất khó khăn đối với tôi. Tôi đã thảo luận về việc này với các đồng minh, với những quan chức trên Đồi Capitol”, ông Biden nói. “Người Ukraine sắp hết đạn.”

Loại đạn chùm mà Mỹ gửi tới Ukraine sẽ tương thích với lựu pháo 155mm do Mỹ cung cấp, một loại pháo chủ chốt đã cho phép Ukraine giành lại một số vùng lãnh thổ trong năm ngoái.

Tổng thống Biden nói với CNN rằng đạn chùm đang được Washington gửi đi như một "giai đoạn chuyển tiếp" cho đến khi Mỹ có thể sản xuất thêm pháo 155mm.

“Đây là cuộc chiến liên quan đến đạn dược. Và họ sắp hết đạn, chúng tôi thì còn ít”, ông Biden nói. “Và vì vậy, cuối cùng tôi đã chấp thuận lời đề nghị của Bộ Quốc phòng để tạm thời cho phép chuyển giao những loại đạn này cho Ukraine trong giai đoạn chuyển tiếp, khi chúng tôi sản xuất thêm đạn 155 mm.”

Bom chùm bị cấm sản xuất/sử dụng/dự trữ ở hơn 100 quốc gia, vì khi phát nổ, chúng tung ra nhiều quả bom nhỏ trên một khu vực rộng lớn. Và những quả bom chưa nổ có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng cho dân thường trong nhiều năm sau khi chiến tranh kết thúc. Mỹ không tham gia lệnh cấm, chỉ cấm xuất khẩu loại đạn này với tỷ lệ lép hơn 1%. Tuy nhiên, hạn chế có thể được dỡ bỏ bằng quyết định miễn trừ của tổng thống.

“Chúng tôi không ký kết công ước cấm, nhưng phải mất một thời gian để họ thuyết phục tôi ra quyết định đó”, ông Biden nói. “Vấn đề chính là hoặc họ có vũ khí để ngăn chặn người Nga ngay bây giờ, hoặc họ không có. Và tôi nghĩ họ cần chúng.”

Quyết định cung cấp bom đạn chùm được đưa ra vào một thời điểm quan trọng trong cuộc chiến, khi người Ukraine phải vật lộn để giành được lợi thế trong cuộc phản công chống lại Nga.

Ông Biden sẽ tới châu Âu vào Chủ nhật cho chuyến công du kéo dài một tuần, bao gồm cả việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva. Trước chuyến đi, ông Biden nói với phóng viên CNN rằng xung đột ở Ukraine cần phải kết thúc trước khi liên minh có thể xem xét thêm Kiev vào hàng ngũ của mình.

Ông Biden nói rằng mặc dù còn quá sớm để nói về tư cách thành viên NATO của Ukraine, nhưng Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục cung cấp cho Tổng thống Volodymyr Zelensky và lực lượng của ông sự đảm bảo an ninh và vũ khí mà họ cần.

“Tôi không nghĩ rằng có sự nhất trí trong NATO về việc có nên đưa Ukraine vào liên minh hay không ở thời điểm này, giữa một cuộc chiến”, ông Biden nói. Tư cách thành viên NATO có nghĩa là khối sẽ cam kết bảo vệ lãnh thổ của các nước thành viên. “Nếu xung đột đang diễn ra, thì tất cả chúng tôi sẽ bị kéo vào cuộc chiến.”

Tổng thống Mỹ mô tả việc gia nhập NATO là "một quá trình cần thời gian", liên quan đến các cải cách như dân chủ hóa. Ông Biden nói rằng Mỹ cần đưa ra một “con đường hợp lý” để Ukraine đủ điều kiện trở thành thành viên.

“Và một trong những điều tôi đã chỉ ra là, Mỹ sẽ sẵn sàng cung cấp đảm bảo an ninh giống như những gì mà chúng tôi cung cấp cho Israel: cung cấp vũ khí họ cần, khả năng tự bảo vệ mình”, ông Biden nói.

“Mô hình Israel” lần đầu tiên được tờ New York Times đề cập vào tháng trước, mô tả đây là một cam kết có thời hạn nhằm duy trì dòng vũ khí phương Tây tới Ukraine. Theo ước tính của quân đội Nga, Mỹ và các đồng minh đã cung cấp cho Kiev hơn 100 tỷ đô la vũ khí, đạn dược và thiết bị chỉ riêng trong năm 2022.

Theo CNN, RT