Ngày 4/5, Tổng LĐLĐ Việt Nam chính thức phản hồi liên quan tới bài báo đăng trên Tiền Phong (số ra ngày 26 - 27/4) về lùm xùm tại Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh (Lý Sơn) gồm việc tàu cá được đóng từ tiền quyên góp và giao nghiệp đoàn quản lý, khai thác để tham gia giữ biển đảo bị đưa sang tỉnh khác cho thuê; việc quản lý tài chính của nghiệp đoàn thiếu minh bạch, khiến nhiều ngư dân rời bỏ nghiệp đoàn.
Đại diện Tổng LĐ cho biết, cơ quan này đã nhận được đơn đề nghị kiểm tra của ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải (Lý Sơn), sau đó giao LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra, báo cáo. Tổng LĐ cũng có văn bản thông báo tiếp nhận và chuyển đơn gửi ông Chinh tháng 12/2021. “Theo báo cáo của LĐLĐ Quảng Ngãi, tàu vỏ thép được giao cho Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh khai thác được đóng từ tiền ủng hộ của Ngân hàng Agribank.
Trong 2 năm gần đây tàu khai thác không mấy hiệu quả, nên ngư dân được giao tàu đã liên kết với ngư dân ở tỉnh Bình Định để tiếp tục khai thác. Dù LĐLĐ địa phương đã báo cáo nhưng Tổng LĐ sẽ sớm lập đoàn trực tiếp tới Lý Sơn kiểm tra, xác minh việc sử dụng tàu, cũng như quản lý tài chính, tài sản của nghiệp đoàn; việc ngư dân rời nghiệp đoàn do chuyển đổi nghề hay vì lý do khác. Tổng LĐ không bao che, nghiêm túc xử lý các sai phạm nếu có. Khi có kết quả kiểm tra, Tổng LĐLĐ sẽ thông tin chính thức với báo Tiền Phong”, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam nói.
Trong báo cáo gửi Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Trần Quang Tòa, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau phản ánh của báo Tiền Phong, cơ quan này đã làm việc với Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh và người thuê tàu. Theo kết quả xác minh, tàu cá vỏ thép số hiệu QNg 96317 TS được giao cho Nghiệp đoàn Nghề cá An Vĩnh khai thác từ tháng 12/2015. Khi tiếp nhận tàu, nghiệp đoàn đã họp đoàn viên mời đăng ký nhận tàu khai thác, nhưng không ai nhận do không phù hợp với khai thác tại địa phương. Sau đó, nghiệp đoàn giao tàu cho ông Nguyễn Ngọc Khánh - Ủy viên Ban chấp hành nghiệp đoàn thuê, giá thuê từ 150-200 triệu đồng/năm. Số tiền này đưa vào quỹ nghiệp đoàn, sau khi trừ chi phí hoạt động, tiền còn lại chia cho các đoàn viên.
Tuy nhiên, hoạt động của tàu cá vỏ thép trên gặp nhiều khó khăn, tiêu hao nhiên liệu rất lớn; việc bảo quản hải sản trên tàu còn bất cập, nên hiệu quả kinh tế không cao. Ngoài ra, tàu này lớn, trong khi các cảng cá của Quảng Ngãi nhỏ, thị trường tiêu thụ nhỏ, nên ông Khánh đưa sang neo tại cảng cá ở Ninh Thuận (thay vì neo ở Lý Sơn).
Về quá trình thuê tàu, ông Nguyễn Ngọc Khánh (người thuê tàu) cho hay, giai đoạn 2016-2019, tàu làm ăn hiệu quả nên trả tiền thuê cho nghiệp đoàn đầy đủ. Từ năm 2020 tới nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19, tàu hoạt động khó khăn, chi phí tăng cao, nhiều bạn thuyền bỏ nghề. Do đó, ông phải liên kết với một ngư dân khác ở huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) để tiếp tục khai thác tàu. Tàu khai thác không hiệu quả nhưng ông vẫn nộp tiền thuê đầy đủ và bảo dưỡng định kỳ.
“Tôi là người đứng ra thuê tàu từ năm 2016 tới nay, không ai ngoài tôi. Tôi đang liên kết với ông Phạm Minh Thiên (Phù Cát, Bình Định - PV) để khai thác tàu, nếu việc liên kết có dấu hiệu vi phạm tôi không liên kết nữa, sẽ đưa tàu về trả nghiệp đoàn. Hiện người Lý Sơn không có ai đi biển cùng, một mình tôi không thể đảm nhiệm con tàu”, ông Khánh giải trình.
Ngư dân đổi nghề nên rời nghiệp đoàn
Nghiệp đoàn Nghề cá An Vĩnh thành lập năm 2012 với 180 đoàn viên trên 22 phương tiện. Năm 2016, nghiệp đoàn có số lượng đoàn viên nhiều nhất, với 545 người. Tuy nhiên, tới năm 2021 chỉ còn lại 180 đoàn viên.
Lý giải về việc đoàn viên rời nghiệp đoàn, LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi cho hay: Đoàn viên giảm do nhiều ngư dân chuyển đổi nghề, không còn đi biển, nên rút khỏi nghiệp đoàn. Bên cạnh đó, cán bộ nghiệp đoàn còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, đoàn viên chưa hưởng lợi nhiều từ nghiệp đoàn nên chưa tích cực tham gia. “Về quản lý tài chính của nghiệp đoàn, LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra, xác minh các thông tin báo Tiền Phong nêu. Nếu phát hiện sai phạm, sẽ xử lý nghiêm, hoặc đề nghị cơ quan chức năng xử lý theo quy định”, ông Trần Quang Tòa, Chủ tịch LĐLĐ Quảng Ngãi khẳng định.