Tổng Bí thư: Muốn tiến lên phải xây dựng khối đại đoàn kết vững chắc

TPO - Nhiều thành tựu về kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh có sự đóng góp của  to lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay đại biểu. - Ảnh: Hòa Hội

Sáng 4/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu tại Hội nghị lần thứ sáu Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá VIII diễn ra tại Cần Thơ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, năm 2016 nước ta đạt được kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực như GDP tăng 6,21%, dự trữ ngoại hối đạt 41 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục với 15,8 tỉ USD; lần đầu tiên có 110.000 doanh nghiệp thành lập mới. 

Lần đầu tiên số lượng khách du lịch nước ngoài đạt con số 10 triệu lượt, khách du lịch trong nước 62 triệu lượt; tổng doanh thu từ du lịch đạt gần 20 tỉ USD. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện. Văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ. Tỉ lệ hộ nghèo giảm. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người đạt 2.215 USD. 

Tập trung ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn; quyết liệt xử lý sự cố môi trường biển. Chú trọng hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Hoạt động đối ngoại diễn ra nhộn nhịp và đạt nhiều kết quả tích cực. 

“Trong thành tựu ấy, có sự đóng góp to lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” –Tổng Bí thư ghi nhận.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu một số vấn đề trọng tâm về nhiệm vụ của Mặt trận trong thời gian tới.

Coi trọng xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, kỷ cương

Tổng Bí thư chỉ ra, một trong những nhiệm vụ bao trùm, quan trọng hàng đầu của Mặt trận Tổ quốc trong năm 2017 và những năm tới là tiếp tục xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng và hành động, phấn đấu thực hiện có kết quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng tới mục tiêu chung là giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Chủ tịch Ủy ban Trng ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân bắt tay chào đại biểu.

“Thực tiễn đã cho phép chúng ta rút ra một bài học sâu sắc mang tính quy luật là: Bất cứ công việc gì, dù lớn hay nhỏ, muốn thực hiện thành công, nhất thiết phải có sự đoàn kết, có sự đồng tâm hiệp lực, nội bộ nhất trí, xã hội đồng thuận; cách mạng muốn tiến lên càng phải xây dựng được khối đại đoàn kết vững chắc. 

Lúc này, chúng ta tiến hành đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, song cũng có không ít khó khăn, thách thức, lại có sự chống phá quyết liệt dưới nhiều hình thức của các thế lực thù địch.

Vì vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta càng phải tăng cường sự đồng tâm, đoàn kết, nhất trí, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc hướng vào mục tiêu chung theo tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng”-Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư yêu cầu, Mặt trận Tổ quốc cần tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong việc vận động, tổ chức thực hiện sâu rộng và có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục làm tốt các cuộc vận động 

"Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và các phong trào thi đua yêu nước, khuyến khích mọi người, mọi thành phần kinh tế tích cực đóng góp trí tuệ, tiền của, công sức để phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng cho bản thân, cho gia đình, đồng thời nêu cao tính cộng đồng và truyền thống nhân ái, tham gia xoá đói, giảm nghèo, chăm lo cho người có công với nước, làm việc thiện, giúp đỡ những hộ nghèo, những gia đình và cá nhân có hoàn cảnh khó khăn, giúp nhau nâng cao chất lượng cuộc sống.

 Vận động nhân dân thực hành tiết kiệm, tạo thêm nguồn lực đầu tư cho các công trình xây dựng, mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt chủ trương tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. 

Tổng Bí thư yêu cầu: “Tôi đề nghị Mặt trận Tổ quốc phối hợp chặt chẽ với các ngành và các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện thật tốt chủ trương của Đảng ta về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam; giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, xoá bỏ những thói quen, hủ tục lạc hậu; xây dựng, bồi đắp những giá trị văn hoá mới, tiên tiến, hiện đại, phù hợp với bản sắc dân tộc. 

Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng xã hội học tập, gia đình văn hoá, nếp sống văn minh, làm cho lối sống có văn hoá thấm sâu vào từng khu dân cư, từng hộ gia đình, từng người dân, nhất là thanh thiếu niên và được thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc. 

Coi trọng xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, kỷ cương, giữ gìn trật tự công cộng, vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Kiên quyết phê phán, lên án những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội, lối sống lai căng, bắt chước nước ngoài không chọn lọc; đấu tranh với những hành vi phi văn hoá, phản văn hoá”.

Thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu, Mặt trận Tổ quốc cần tiếp tục vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, củng cố hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với các tổ chức đảng và cơ quan chính quyền, bao gồm cả việc giám sát các cán bộ, đảng viên, các đại biểu dân cử, các công chức, viên chức, cơ quan nhà nước các cấp; tích cực tham gia chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, làm cho tổ chức đảng và bộ máy chính quyền các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là của dân và vì dân.

Chủ động góp ý kiến với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách, làm người phản biện sắc sảo, chân tình giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn. Thực hiện tốt, có hiệu quả Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. 

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sâu sát với dân, hướng về cơ sở, thật thiết thực, hiệu quả, tránh hành chính hoá. Các phong trào cần chú ý đáp ứng đúng những nguyện vọng và lợi ích chính đáng của dân, giải quyết những vấn đề thiết thực, sát sườn của dân; đoàn kết, tập hợp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia xây dựng, giám sát, bảo vệ Đảng và Nhà nước; tham gia quản lý xã hội, góp phần tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. 

Coi trọng việc nhân rộng các điển hình tốt, phê phán những việc làm xấu, khắc phục tính hình thức. Muốn thế, phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trước hết là những cán bộ hoạt động chuyên trách ở các cấp; chú trọng việc phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên bằng các quy chế, chương trình, kế hoạch cụ thể để thực sự tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ chung. Công tác vận động quần chúng là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, nhưng Mặt trận giữ vai trò nòng cốt.

Phải có hành động cụ thể, thực tế trong việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống

Về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư nói: “Chúng ta đều biết, Nghị quyết Trung ương 4 vừa rồi có ý nghĩa rất quan trọng và đang nhận được sự ủng hộ, thống nhất rất cao, sự quan tâm rất lớn của toàn Đảng, toàn dân. 

Vấn đề quan trọng bây giờ là phải thực hiện, phải biến quyết tâm thành hành động, nói phải đi đôi với làm”. Tổng Bí thư cho biết, sau khi có Nghị quyết, dường như cả guồng máy, cả hệ thống chính trị đang vào cuộc. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở đang khẩn trương xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện Nghị quyết với tinh thần trách nhiệm rất cao. Đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ và kỳ vọng Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII sẽ được thực hiện đến nơi, đến chốn, tạo chuyển biến rõ rệt trên thực tế. 

Tôi đề nghị mỗi cán bộ, công chức, viên chức; đảng viên, đoàn viên, hội viên và các đơn vị thuộc cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và cơ quan các tổ chức thành viên phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết đối với sự tồn vong của Đảng, của dân tộc, thấy hết trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân, để từ đó triển khai thực hiện cho có hiệu quả; không chỉ cam kết mà phải có hành động cụ thể, thực tế trong việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, chống suy thoái, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". 

Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội phải phát huy vai trò giám sát của mình, của nhân dân, báo chí và công luận; xây dựng và thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ảnh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Mặt trận cần phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch. Mặt trận phải là nơi để người dân có thể phản ảnh, tố giác tội phạm, tham nhũng, tố giác cán bộ có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân.

Tổng bí thư cũng chỉ ra, công tác mặt trận cũng còn những hạn chế, bất cập. Phương thức vận động, tập hợp xây dựng khối đoàn kết toàn dân vẫn chưa theo kịp yêu cầu mới; các cuộc vận động, phong trào thi đua có nơi còn hình thức, chưa hiệu quả; vai trò đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận còn hạn chế. Năng lực cán bộ và điều kiện hoạt động của Mặt trận các cấp còn bất cập; đổi mới cơ chế hoạt động còn gặp nhiều khó khăn; chưa khắc phục được tình trạng hành chính hoá.