Tôn vinh 'Hậu phương người lính'

TPO - Chiến tranh đã lùi xa nhưng hàng ngàn bà mẹ, vợ liệt sỹ vẫn đang viết tiếp những trang sử hào hùng trong thời bình. Mỗi mẹ, mỗi chị một hoàn cảnh nhưng tất cả đều toát lên nghị thực phi thường.

Cùng cả nước hướng về ngày kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2017), một trong những việc làm thiết thực của báo Phụ nữ Thủ đô ngay từ đầu năm 2017 là phát động cuộc thi viết “Hậu phương người lính” trên ấn phẩm Tuần báo Phụ nữ Thủ đô Tuần san Đời sống gia đình.

Cuộc thi mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tri ân sự đóng góp to lớn và hy sinh thầm lặng của các thế hệ cha anh trong cuộc khác chiến chống thực dân và đế quốc, đặc biệt là những người phụ nữ.

Sau một thời gian phát động, báo Phụ nữ Thủ đô đã nhận hàng nghìn bài viết, biết đến hàng ngàn cuộc đời và những hoàn cảnh gây xúc động.

Trong đó, có bài viết mang nội dung là lời kể của người con gái, cháu gái về những năm tháng đằng đẵng chờ chồng của bà, của mẹ; là lời kể của những người em chồng cảm phục trước sự chờ đợi, hy sinh cả cuộc đời của người chị dâu để một lòng thờ chồng – người chiến sĩ đã xả thân vì Tổ quốc.

Chung cuộc, BGK cuộc thi đã chọn ra 16 bài thi xuất sắc để trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích, 5 giải Chuyên đề.

Tác giả Nguyễn Thị Thu Hiền – một nữ cán bộ trẻ làm việc tại khu di tích nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) đã dành nhiều thời gian nghiên cứu chuyên sâu về các vị tướng tài ba của dân tộc.

Trong bài viết dự thi “Vợ lính thời chiến và cuộc sống thời bình” (đạt giải Nhì), tác giả Thu Hiền đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tài thao lược của các tướng lĩnh, cảm phục sự hy sinh lớn lao của người vợ tướng.

Có rất nhiều tấm gương người vợ các vị tướng lĩnh được tôn vinh trong cuộc thi này, như bà Nguyễn Thị Kỳ - vợ của Đại tướng Văn Tiến Dũng; bà Bùi Thục Chi – vợ của Thượng tướng Nguyễn Hữu An; bà Ngô Duy Liên – vợ của Trung tướng Lê Hiến Mai; bà Đỗ Xuân Hồng – vợ của Trung tướng Tiêu Văn Mẫn...

Tác giả Vũ Lan Chi (áo vàng) đạt giải Nhất cuộc thi với tác phẩm "'Nội tướng' sắt son của Đại tướng Văn Tiến Dũng".

Tác giả Nguyễn Minh Nguyệt ở Tây Hồ viêt về nữ y tá Phan Hồng Mai – một người con gái Hà thành đã tình nguyện làm vợ, chăm sóc một thương binh nặng hạng 1/4, là nhà văn, nhà báo chiến trường Sơn Tùng. Bà Hồng Mai đã dành hết gia tài của mình đưa chồng đi khắp mọi miền đất nước để cùng ông thực hiện tâm nguyện: sưu tầm tư liệu để viết sách về Bác Hồ, trong đó có tác phẩm nổi tiếng “Búp sen xanh”... Tác phẩm “Hậu phương vững chắc của tác giả Búp sen xanh” của tác giả Minh Nguyệt đạt giải chuyên đề “Bài viết hay về người vợ”.

Trên mặt trận mới hôm nay, những người mẹ, người vợ, người con của các chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo đang viết tiếp trang sử đẹp của thế hệ các bà, các mẹ đi trước, tiếp tục là hậu phương vững chắc để người chiến sỹ vững vàng tay súng, bảo vệ biển trời Tổ quốc.

Tác phẩm “Cô giáo Hoa san hô” (đạt giải Ba) của tác giả Hoàng Anh là một trong những tác phẩm xuất sắc ca ngợi nghị lực của vợ chiến sỹ đảo Trường Sa. Cô giáo Mai Hoa – giáo viên dạy Ngữ văn trường THCS Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội tần tảo thay chồng nuôi dạy 2 con, chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo (ung thư máu) mà vẫn luôn nở nụ cười với các em học sinh trong mỗi giờ lên lớp... để chồng chắc tay súng nơi đầu sóng.