“Cảm ơn báo Tiền Phong đã mở diễn đàn quan trọng này để mọi người có cái nhìn tổng thể về tình trạng tội phạm trẻ đang có chiều hướng gia tăng. Mong rằng, qua diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý, sẽ mổ xẻ và đưa ra các căn nguyên dẫn đến phạm tội của người trẻ; cũng như việc tìm ra các giải pháp để ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm gia tăng. Cuộc sống ai cũng muốn được no ấm, vui vẻ, hạnh phúc. Muốn vậy, mọi người phải biết quan tâm, yêu thương nhau, sống nhân văn để xã hội ngày càng văn minh, đất nước ngày càng thịnh vượng. Có như vậy, cái thiện mới lấn át được cái ác”, (Bá Anh).
“Thời gian gần đây, xảy ra nhiều vụ thảm sát dã man mà đối tượng phạm tội là thanh thiếu niên, nạn nhân là người yêu hoặc gồm cả gia đình người yêu, gây sự hoang mang, lo sợ cho mình cũng như nhiều người khác. Mình thấy nhiều thanh niên đang chọn hướng đi tiêu cực để giải quyết những vấn đề, mâu thuẫn khó gỡ trong cuộc sống. Chém giết hoặc gây thương tích vĩnh viễn (tạt axit) cho người làm tổn thương mình (bị người yêu bỏ, gia đình ngăn cấm...) như một hình thức mới giúp giải toả cao nhất “bức xúc”. Bản thân mình thấy, để dẫn đến suy nghĩ và hành động giết người mà thủ phạm đã từng có tình cảm thì chắc hẳn trong lòng hung thủ đã dồn nén, chịu nhiều uất ức. Đến khi không thể kìm chế được nữa thì phần “con” trỗi dậy mà trở thành sát thủ máu lạnh”, (Yến Anh).
“Mình phản đối kiểu tình yêu dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như ở Bình Phước. Đây là hậu quả của tình yêu mù quáng không có sự giáo dục của gia đình cũng như không có sự định hướng rõ ràng của những đôi yêu nhau. Tuy nhiên, theo mình, đây cũng là tình huống mang tính chất cá biệt chứ không mang màu sắc phổ biến cho xã hội hiện nay”, (Minh Vương).
“Tội phạm ngày càng gia tăng là do sự bất ổn từ gia đình - tế bào của xã hội. Con người ngày nay quá cô đơn, ít được chia sẻ. Họ bị nhiều áp lực và dễ thất vọng, khiến quá trình phạm tội diễn ra bột phát và nhanh hơn, manh động hơn”, (Khánh Lâm).
“Tôi nghĩ gia đình là một phần, nhà trường và xã hội đóng góp một phần nữa. Một đứa trẻ 3 tuổi như con tôi đi học ở trường tư, các cô chỉ cho xem ti vi có chuyên đề (phòng cháy, nấu ăn…) với sự hướng dẫn và giải thích chi tiết của cô giáo; về nhà được gia đình cho xem phim hoạt hình cùng sự giải thích của bố mẹ (hoặc người xem cùng) thì bé rất ngoan, rất hiểu chuyện. Nhưng khi chuyển sang trường công 2 tháng, cô giáo cho xem hoạt hình như người nhện, Batman, Ironman, Superman mà không có giải thích gì, xem tự do, bé về nhà như một thằng... khùng. Bắt chước siêu nhân đủ thứ, cầm cả ghế đập đồ, đập ông bà, bố mẹ. Hỏi ra thì bé trả lời: “Con làm như siêu nhân. Cô cho xem trên lớp”. Điều đó khiến mình thực sự stress và phải chuyển con về trường tư cũ dù không tiện đường sá như trước. Nếu nói do gia đình hoàn toàn là không chính xác”, (một độc giả tên Hà).