Những nghệ nhân trẻ
Tại Ðội bài chòi thuộc Trung tâm Văn hóa – Thể thao Hội An, tiếp chuyện chúng tôi là những gương mặt trẻ. Anh Nguyễn Văn Quý (nghệ danh Dương Quý) “đãi khách” bằng những câu hát bài chòi ngọt ngào, hài hước lúc trầm lúc bổng. Nếu không gặp mặt, chắc chẳng ai tin giai điệu luyến láy ngân nga kia được hát bởi người đàn ông vừa tròn 40 tuổi. Mới dịp APEC vừa rồi, anh đại diện cho Hội An hát dân ca - bài chòi, tái hiện lại đô thị cổ để đón đoàn phu nhân lãnh đạo các nền kinh tế. Anh Quý bén duyên với bài chòi từ năm 2003, khi phố Hội chỉ còn vài nghệ nhân hô hát bài chòi. Khi ấy, vừa có lớp dạy hát bài chòi cho lớp trẻ như anh. “Bây giờ diễn viên bài chòi phố Hội đều trẻ hết, nhưng họ hô hát thành thục, điêu luyện và truyền cảm lắm”, anh Quý tự hào.
Nói đoạn, anh chỉ tay qua chị Trần Thị Thu Ly, Tổ phó Tổ sự kiện của Trung tâm. Năm 2000, khi ấy chị Ly vừa tuổi 16 trăng tròn, thấy xã Cẩm Thanh có lớp học bài chòi trong dịp hè, chị náo nức tham gia. “Ban đầu, khi nghe các thầy cô truyền dạy cách luyến láy từng câu chữ, từng làn điệu bài chòi thì mình thấy rất khó. Nhưng khi hát được rồi, mình cảm nhận nó rất hay, dễ đi vào lòng người nên “nghiện” lúc nào không biết”, chị Ly nhớ lại. Sau này, chị theo học trường ÐH Ngoại ngữ Ðà Nẵng, tốt nghiệp xong, tưởng sẽ tung cánh ở một lĩnh vực khác nhưng “duyên nợ” và niềm đam mê bài chòi đã kéo chị về làm việc tại Trung tâm này, trở thành diễn viên của Ðội bài chòi.
Nghệ nhân Nguyễn Ðán (60 tuổi), một trong những người đứng lớp truyền dạy bài chòi đầu tiên nói rằng: nếu không có những người trẻ yêu dân ca truyền thống như anh Quý, chị Ly thì khi những mái đầu bạc như ông nằm xuống, chắc chắn bài chòi Hội An khó lòng giữ được. Ông gật gù, hạt giống của hôm qua đã nảy mầm và giờ đang lớn lên, tiếp tục ươm những mầm xanh khác bằng cách truyền dạy. Rồi đến lượt thế hệ anh Quý, chị Ly truyền lại nghề cho các em nhỏ. Bằng các lớp dạy hát dân ca bài chòi tại các trường THCS trên địa bàn từ năm 2004.
“Mỗi năm chúng tôi tổ chức dạy bài chòi ở 2 trường THCS. Mỗi tuần sẽ dạy một buổi vào sáng hoặc chiều thứ Hai. Em nào muốn tham gia thì chủ động đăng ký chứ không ép buộc”, anh Quý nói. Hồi đầu, chỉ dự kiến mỗi lớp có khoảng 15 – 20 em nhưng số lượng học sinh đăng ký rất đông nên mỗi lớp bây giờ lên đến 40–60 em. Ngoài ra, các lớp học dân ca vào dịp hè cũng thu hút đông đảo các em học sinh tham gia. Nhiều em mới 5 – 6 tuổi cũng được bố mẹ dắt đến “bái sư”. Cuối khóa, học trò được xếp hạng, có điều tất cả đều được xếp xuất sắc hoặc giỏi để khuyến khích và khơi dậy niềm đam mê loại hình nghệ thuật dân gian này trong tất cả các học sinh.
Ðêm phố Hội, những câu dân ca bài chòi ngân vang bên dòng sông Hoài thơ mộng. Bên con đường Bạch Ðằng đông đúc, hai thầy giáo và mươi cô cậu học trò ngồi trên mảnh chiếu hoa. Thầy ngân nga từng câu hát dân ca, câu hò xứ Quảng hay điệu lý Trung bộ khiến học trò mê đắm. Du khách có Tây, có ta, thích thú ngồi xếp vòng trong vòng ngoài vỗ tay và ngân nga theo.
Lớp học này được tổ chức từ 2010 đến nay, bắt đầu từ 19h đến 20h30 hàng đêm, do các diễn viên Ðội bài chòi của Trung tâm đứng lớp. Anh Quý bộc bạch: “Qua các lớp học, chúng tôi tìm được nhiều chất giọng tiềm năng. Mỗi em có một màu sắc riêng nên sẽ định hướng phát triển cách hát bài chòi phù hợp từng em. Sự hào hứng tham gia của đông đảo các em học sinh là tín hiệu vui cho thấy lớp trẻ đã biết trân quý, yêu thích nghệ thuật bài chòi của cha ông”.
Cười nghiêng ngả với lời mới bài chòi
Ði một vòng quanh phố Hội lúc lên đèn, cách lớp học vài con phố, một gánh bài chòi rộn rã tiếng kèn, tiếng hát, tiếng hô, tiếng hiệu. Những câu hát thấm tình quê hương, đồng bào ngân lên: “Cha ông từng dạy rất nhiều/ Lá lành lá rách nhiễu điều giá gương/ Làm người phải biết yêu thương/ Giang sơn đất nước quê hương đồng bào…”. Rồi vừa ngưng nghỉ giao lưu với khán giả, các diễn viên quay lại, cất giọng: “Chiều chiều ra đứng bờ đê/ Anh đàn em hát mới hả hê trong lòng/Anh đây đáng phận làm chồng/ Còn em làm vợ má hồng em trao/ Hết cái hồi đôi guốc cao cao/ Giờ đây anh đã mua trao em đôi... giày”, khiến khách du lịch ôm bụng cười ngặt nghẽo. Lại nghe tiếp “…Qua cầu chân bước trên cầu/ Cầu tre lắt lẻo... ngã nhào xuống mương/ Nhào xuống mương em ướt anh thương/ Về nhà anh nhóm lửa trải giường cho em”.
Những câu hát biến thể từ dân ca, thơ lục bát được những nghệ nhân trẻ tuổi sáng tạo để tạo tiếng cười, lôi cuốn du khách. “Ðôi khi hát phải đưa tính thời sự vào bài chòi nữa, xã hội đang “nóng” chuyện gì thì mình “đá” qua vài câu để sinh động hơn, hay khi chào đón những đoàn khách từ các tỉnh thành khác tới, chúng tôi khéo léo đưa tên địa phương đó vào câu hát, để các đoàn thích thú hơn”, anh Quý kể.
Ông Ðán trầm ngâm, nói rằng để hát được bài chòi không chỉ cần chất giọng, mà còn cần cả cái đầu thật nhạy, am hiểu, biết hô đáp linh hoạt, hợp tình hợp lý. Chị Thu Ly đồng tình: “Bài chòi là loại hình dân ca mang đậm bản sắc dân tộc, thấm đẫm văn hóa Trung bộ và tình yêu quê hương đất nước. Từng câu hát, từng làn điệu... phải bật lên được sự đặc trưng đó. Không chỉ vậy, bài chòi ngày nay phục vụ du khách thường xuyên, còn đòi hỏi sự ngẫu hứng, sáng tạo để gây bất ngờ, thú vị cho khán giả”.
Trong trò chơi bài chòi ở phố cổ Hội An, những thẻ bài của bài chòi truyền thống cũng được phóng lên thẻ gỗ to để du khách dễ dàng quan sát và theo kịp cuộc chơi. Ðặc biệt, vì số lượng khách nước ngoài ngày một đông nên tại mỗi gánh bài chòi sẽ có một diễn viên phụ trách phiên dịch luật chơi, nội dung thẻ bài, nội dung câu hát và giao lưu với du khách. Từ sự kế thừa, sáng tạo, linh hoạt đó, đến nay, các thế hệ nghệ nhân đã mang bài chòi Hội An vươn ra khỏi phố cổ để giao lưu với nhiều tỉnh, thành trong nước và đặc biệt có tới 9 lần xuất ngoại, giao lưu với 7 quốc gia Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ðức, Ý, Hungary, Nhật Bản.
Theo ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm VH - TT Hội An, trên cơ sở nghệ thuật hô hát bài chòi truyền thống, Trung tâm rất linh hoạt và tích cực đầu tư vào kịch bản để đổi mới nội dung và thu hút du khách. “Ðưa bài chòi ra phố hay vào trường học đều với một mục đích duy nhất, đó là giúp nghệ thuật bài chòi có sức sống bền bỉ. Ðến nay, bài chòi đã thực sự là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa – tinh thần của người dân Hội An và là một sản phẩm du lịch đặc trưng của phố cổ”, ông Phùng nói.