1. WikiLeaks gây chấn động thế giới
Tiếp sau những tài liệu mật về cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, WikiLeaks đã thực sự gây chấn động dư luận bằng việc công bố 250.000 thư tín bí mật do các nhân viên ngoại giao Mỹ gửi đi khắp nơi.
Đây được coi là vụ 11/9 tấn công vào nền ngoại giao thế giới. Còn Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng đây là “đòn tấn công vào cộng đồng quốc tế”.
2. Khủng hoảng nợ công ở châu Âu
Năm 2010 chứng kiến sự vỡ nợ và sụp đổ của hai nền kinh tế Hy Lạp và Ireland, vốn từng được coi là những hình mẫu tăng trưởng của châu Âu. Một số nền kinh tế khác như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý… đứng trước nguy cơ phá sản do nợ công ở mức báo động.
Lần đầu tiên, Ireland chấp nhận một khoảng vay hơn 100 tỷ USD như một phần của nỗ lực giải cứu tài chính được EU hậu thuẫn.
3. Giải cứu thợ mỏ Chile
Cuộc giải cứu 33 thợ mỏ Chile bị mắc kẹt dưới lòng đất 69 ngày đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Trở thành anh hùng sau cuộc giải thoát ngoạn mục (ngày 13-10), 33 thợ mỏ Chile cũng đồng thời đối mặt với những bí mật đời tư bị phanh phui và sự khai thác triệt để của giới truyền thông.
4. Sự cố dàn khoan tại vịnh Mexico
Vụ tràn dầu tại vịnh Mexico, ngoài bờ biển đông nam nước Mỹ được coi là một thảm họa quốc gia lớn nhất trong lịch sử.
Hơn 750.000 lít dầu thô rò rỉ mỗi ngày từ giàn khoan dầu Deepwater Horizon của Hãng dầu khí Anh BP trên vịnh Mexico đã lan ra xa gần 200km tới vùng cửa sông Mississippi, đe dọa hệ sinh thái ngập mặn Louisiana, dọc vịnh Mexico.
5. Động đất và dịch tả ở Haiti
Thủ đô Port-au-Prince của Haiti gần như bị san phẳng sau trận động đất 7,0 độ richter ngày 12-1. Đổ nát và chết chóc hiện diện mọi nơi. Liên Hợp Quốc gọi cuộc khủng hoảng ở Haiti là tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua.
Một Haiti đổ nát sau trận động đất khủng khiếp và cướp đi 230.000 sinh mạng hồi đầu năm chưa kịp gượng dậy lại vấp phải cơn bạo bệnh mới - dịch tả. Dịch tả đã lan đến toàn bộ 10 tỉnh của Haiti, trong đó có 6 tỉnh đang ở tình trạng đặc biệt nghiêm trọng.
6. Mỹ rút quân khỏi Iraq
Ngày 31 - 8, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố kết thúc sứ mệnh chiến đấu của Mỹ tại Iraq. Việc Mỹ rút lực lượng chiến đấu và để lại 50.000 quân ở quốc gia vùng Vịnh này được coi là cuộc rút quân lịch sử kể từ sau Đại chiến thế giới lần thứ II.
Giới phân tích chính trị cho rằng,động thái của chính quyền Tổng thống Obama là “nhất cử lưỡng tiện”, vừa thực hiện lời hứa chấm dứt cuộc chiến tại Iraq với cử tri, vừa tránh cho Washington “sa lầy” vào một trong những cuộc chiến “hao người tốn của” nhất lịch sử nước Mỹ.
7. Thế giới đối mặt với xu hướng khủng bố mới
Cả châu Âu chấn động vì làn sóng khủng bố bằng bom thư với quy mô chưa từng có hồi tháng 11, bắt đầu từ Hy Lạp. Cả Mỹ và châu Âu cũng báo động an ninh về vận tải bằng đường hàng không, sau khi phát hiện bom thư gửi tới Mỹ từ Yemen.
Mỹ tăng cường kiểm soát an ninh tại các sân bay bằng việc lắp thêm nhiều thiết bị mới, trong đó có máy soi toàn thân gây tranh cãi cũng như gây ra nhiều tình huống dở khóc dở cười.
Huy Vũ
Tổng hợp