Ngày 30/10, Trung Quốc tuyên bố sẽ không quan tâm đến bất kỳ kết luận nào của PCA (trụ sở tại The Hague, Hà Lan) liên quan các thực thể tranh chấp trên biển Đông trong vụ kiện mà Philippines là đương đơn, Xinhua đưa tin. Tuyên bố này được đưa ra sau khi PCA khẳng định hôm 29/10 rằng, họ có thẩm quyền xử lý vụ kiện. PCA cũng tuyên bố, quyết định của Trung Quốc về việc không tham gia tố tụng cũng không làm mất quyền tài phán của tòa và việc Philippines đơn phương đệ đơn kiện không phải sự lạm dụng quy trình giải quyết tranh chấp theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Phiên tòa mới sẽ diễn ra trong phòng kín tại The Hague, và quyết định cuối cùng có thể được đưa ra vào năm sau.
Philippines tuyên bố, UNCLOS mà cả Philippines và Trung Quốc đã phê chuẩn phải được sử dụng để giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với các đảo nhỏ và bãi đá ở biển Đông. Nhưng Trung Quốc đến nay vẫn từ chối tham gia quá trình tố tụng, cho rằng vụ việc liên quan chủ quyền và tòa trọng tài không có quyền phán quyết.
“Chúng tôi sẽ không tham gia và sẽ không chấp nhận phân xử”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân hôm qua nói với báo giới tại Bắc Kinh. “Phán quyết hay kết quả phân xử sẽ không ảnh hưởng đến quan điểm của Trung Quốc”, Reuters dẫn lời ông Lưu.
Trung Quốc là thành viên thường trực có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nên quan điểm này được cho là sẽ đẩy Bắc Kinh vào vị thế ngoại giao khó khăn nếu tòa án ra phán quyết Trung Quốc vi phạm một trong những quy chế của Liên Hợp Quốc.
Cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế
Tại hội thảo “Nguy cơ xung đột quân sự và sáng kiến hòa bình ở biển Đông” do Diễn đàn Toàn cầu Boston tổ chức mới đây, các quan chức, học giả, nhà báo quốc tế đều cho rằng, việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên biển Đông gây ra nhiều hậu quả; các bên liên quan cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Ông Tsutomu Himeno, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại thành phố Boston của Mỹ, nói rằng, nếu để việc thay đổi nguyên trạng trên biển Đông xảy ra thì sẽ rất nguy hiểm; Nhật Bản khuyến khích các bên liên quan đối thoại, sử dụng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS để xử lý các tranh chấp chủ quyền biển đảo. “Một vấn đề quan trọng khác là Nhật Bản nhận được từ Mỹ sự hỗ trợ tối đa về các vấn đề chủ quyền, nên các bạn có thể yên tâm vấn đề tranh chấp trên biển Đông luôn nhận được sự quan tâm từ nhiều bên, trong đó có Nhật Bản và Mỹ”, ông Himeno nói.
Bà Bonnie Glaser công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Mỹ), phát biểu: “Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang ở Mỹ, tôi có cơ hội trao đổi với các học giả của quân đội Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Họ nói rằng, Trung Quốc sẽ tính đường cơ sở 12 hải lý cho các thực thể tại Trường Sa. Điều này vi phạm UNCLOS và sẽ rất nguy hiểm nếu Trung Quốc đi theo hướng này”.
Theo bà Glaser, việc Trung Quốc chiếm đóng, tôn tạo, xây dựng đảo nhân tạo làm nổi lên ba vấn đề mà Mỹ quan tâm. Đó là thách thức luật quốc tế, đe dọa tự do hàng hải, tự do đi lại của hải quân Mỹ và thách thức Mỹ với vai trò người giữ hòa bình cho khu vực. Theo bà, các nước ASEAN nên đẩy mạnh việc tham vấn, soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC); Philippines nên sớm thực thi bản thỏa thuận nâng cao hợp tác quốc phòng với Mỹ…
Đưa vấn đề biển đông vào hội nghị APEC
Ông Richard Javad Heydarian, học giả Philippines, nói rằng, Philippines lo lắng trước việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo và cơ sở hạ tầng quân sự trên đó với tốc độ chóng mặt, cũng như trước tiến trình soạn thảo, ký kết COC diễn ra chậm chạp. Philippines cũng lo ngại rằng, việc thay đổi nguyên trạng các bãi đá và đảo tại Trường Sa sẽ ảnh hưởng quá trình thu thập chứng cứ phục vụ vụ kiện Trung Quốc.
Philippines sẽ đem vấn đề biển Đông vào lịch trình làm việc của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Manila vào tháng 11, ông Heydarian cho biết. “Philippines nhận thấy Việt Nam và Trung Quốc có đường dây nóng xử lý xung đột trên biển, Nhật Bản và Trung Quốc, Mỹ và Trung Quốc cũng có các cơ chế khác nhau để làm việc về vấn đề này, riêng Philippines và Trung Quốc không hề có một thỏa thuận, đối thoại rõ rệt nào. Điều đó làm tăng khả năng xung đột và va chạm trên khu vực biển Đông”, ông Heydarian nói.
GS Sean Henseler, Giám đốc điều hành Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, giải thích, các hoạt động tuần tra thực thi tự do hàng hải mà Mỹ và một số nước thực hiện là nhằm thách thức những tuyên bố quá đáng về hải phận, không phận mà không tuân theo quy định của UNCLOS, chứ không có nghĩa công nhận hay bác bỏ chủ quyền của bên nào. Theo GS Henseler, Mỹ sẵn sàng hành động theo luật pháp quốc tế, tăng trọng lượng tiếng nói trong các sự vụ quốc tế gây tranh cãi liên quan đến biển cũng như bảo đảm tính hợp pháp của các hành động bảo vệ tự do, an toàn hàng không, hàng hải của mình.
Trong khi đó, GS Thomas Patterson công tác tại Trường Harvard Kennedy (Mỹ) cho rằng, các quốc gia liên quan cần tăng cường đoàn kết trong công cuộc đấu tranh chống lại các hành động gây hấn, phi pháp của Trung Quốc tại biển Đông. Ông Brent Colburn, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề công cộng, đề xuất các giải pháp đối phó Trung Quốc, tập trung vào việc xây dựng, phát triển các mối quan hệ, chú trọng từng cấp độ và yếu tố lâu dài. Ngoài ra, các nước cần đưa ra chính sách tin tưởng lẫn nhau, ông Colburn nói.
Hội thảo quốc tế “Phương án giải quyết hòa bình tranh chấp ở biển Đông” diễn ra ngày 30/10 tại thành phố Busan của Hàn Quốc, với sự tham gia của 80 chuyên gia, học giả, Korea Times đưa tin. Phát biểu khai mạc, ông Kwon Moon-sang, Chủ tịch Hiệp hội Chính sách Hàng hải - Viện Khoa học Kỹ thuật Hải dương Hàn Quốc, khẳng định, các tuyên bố về chủ quyền biển đảo, quyền chủ quyền và quyền tài phán mà các nước trên thế giới đưa ra đều phải dựa trên luật pháp quốc tế, UNCLOS.