Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
23/09/2022 09:26
Hướng tới cuộc sống xanh, thân thiện và bảo vệ môi trường
Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong - Nhà báo Phùng Công Sưởng cho rằng, trong những năm qua, thế giới cũng như Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức môi trường nghiêm trọng như biến đổi khí hậu, sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường đất nước không khí, rác thải nhựa đại dương…
Câu chuyện lớn đối với các nước phát triển và câu chuyện vừa đối với những quốc gia như chúng ta. Trong bối cảnh đó, Thúc đẩy tăng trưởng xanh, hướng tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là một chủ trương quan trọng trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030.
Để thúc đẩy tăng trưởng xanh, một trong những giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là tổ chức tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh, những hành động thiết thực đóng góp vào tăng trưởng xanh. Từ đó hình thành nên lối sống xanh, gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính Phủ ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó nêu rõ quan điểm: tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các bộ ngành địa phương các doanh nghiệp và tổ chức xã hội.
Chiến lược quốc gia cũng nêu rõ một trong 4 mục tiêu của tăng trưởng xanh là xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Cho đến nay, khung về thể chế pháp luật đã có. Trách nhiệm của cơ quan truyền thông, báo chí là tuyên truyền, vận động để thực hiện hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như văn bản pháp luật của các cơ quan ban ngành, hướng tới cuộc sống xanh, thân thiện và bảo vệ môi trường.
Để thúc đẩy tăng trưởng xanh, một trong những giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là tổ chức tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh, những hành động thiết thực đóng góp vào tăng trưởng xanh. Từ đó hình thành nên lối sống xanh, gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Trong những năm qua, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có nhiều chương trình sống xanh thiết thực. Bên cạnh đó, nhà trường góp phần hình thành tư duy sống xanh cho những “chủ nhân tương lai của đất nước”. Doanh nghiệp cũng là đơn vị cần áp dụng lối sống xanh để phát triển bền vững hơn. Nhận thức được vai trò của tuyên truyền trong nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, lối sống, đặc biệt là với giới trẻ, Báo Tiền Phong phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường chức tọa đàm: “Xanh hóa lối sống và thúc đẩy hành động vì tăng trưởng xanh trong giới trẻ Việt Nam”.
23/09/2022 09:33
23/09/2022 10:03
Giới trẻ dần dần hình thành lối sống xanh
Nhà báo Phùng Công Sưởng - Chủ tọa buổi tọa đàm đặt câu hỏi với đại diện Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường: “Hiện nay, sống xanh không chỉ đơn giản là một phong trào tự phát trong giới trẻ Việt Nam mà đã trở thành một đường lối, chủ trương trong phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường. Ông có thể cho biết cụ thể hơn những chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc định hình và thúc đẩy lối sống xanh, đặc biệt là với giới trẻ”?
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Đúng như ông Phùng Công Sưởng nói, thời gian gần đây chúng ta tự tin nhận thức của giới trẻ về “xanh hóa lối sống” và “tăng trưởng xanh” trong giới trẻ Việt Nam, được nâng lên rất cơ bản. Chúng ta nhận thấy rằng thế hệ trẻ hiện nay đã vượt chúng ta một bậc về nhận thức, đã hình thành nhân cách, lối sống xanh khi trưởng thành. Tôi lấy ví dụ, một bạn trẻ là học sinh đã viết thư ngỏ cho nhà trường không cho thả bóng bay trong ngày khai giảng nữa. Đây là hành động rất có ý nghĩa môi trường. Hay các bạn trẻ có thể không sử dụng các sản phẩm nilon, hoặc đơn giản hơn là nhiều bạn không sử dụng ống hút nhựa trong quán cà phê...
Để hình thành nhận thức trong giới trẻ thì phải có cách tiếp cận mang cách tiếp cận toàn cầu. Trong đối tượng của sản xuất, đầu vào thì lối sống xanh, thân thiện với môi trường là giải pháp để phát triển kinh tế bền vững trên toàn cầu. Chúng ta đã có chiến lược tăng trưởng xanh. Gần đây chúng ta có nói đến có nền kinh tế tuần hoàn. Chúng ta có lộ trình rất rõ về chấm dứt túi nilon.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trong đó, đề ra hai nhiệm vụ chiến lược như: xanh hoá sản xuất; thực hiện một chiến lược công nghiệp hoá sạch thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; khuyến khích phát triển công nghệ xanh, nông nghiệp xanh. Xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; kết hợp lối sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại.
Chiến lược tăng trưởng xanh là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng các chính sách liên quan đến kinh tế xanh ở Việt Nam trong giai đoạn tới. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh đã trở thành đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách xuyên suốt của Nhà nước và là một nội dung căn bản của đường hướng phát triển ở Việt Nam hiện nay.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh, trong đó đề ra những chủ đề chính gồm: xây dựng thể chế và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; giảm cường độ phát thải khí nhà kính, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện xanh hóa sản xuất,...
Doanh nghiệp khi sản xuất thì theo đến cùng vòng đời sản phẩm của mình. Khi đó, nó sẽ tác động ngược trở lại với người trẻ, người dân. Tiến tới, việc phân loại rác thải tại nguồn là việc bắt buộc đối với người dân, doanh nghiệp, cộng đồng. Như vậy, Việt Nam sẽ tiệm cận một lối sống, nền kinh tế xã hội không có rác thải. Tiến tới xã hội chúng ta tiệm cận thế giới hiện đại, trào lưu toàn cầu và tiến tới một xã hội XANH- SẠCH- ĐẸP trong tương lai gần.
23/09/2022 10:09
Vai trò tăng trưởng xanh không phải bàn cãi
Bà Võ Xuân Quyên, Quản lý chương trình của Trung tâm sống và học tập vì cộng đồng và môi trường (Live&Learn Việt Nam) cho biết:
Tăng trưởng xanh phục vụ lợi ích kép, đảm bảo điều kiện kinh tế xã hội và điều kiện về phát triển đời sống. Nhìn về bức tranh toàn cầu, chúng tôi có thời gian làm việc với các tổ chức khác nhau để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Mấu chốt thứ nhất là vai trò phát triển kinh tế, làm sao để các bạn trẻ lựa chọn nghề nghiệp có thu nhập cho bản thân và còn có thể phát triển môi trường xanh. Suy cho cùng những hành vi đơn giản gần gũi như cách chọn xe, chọn loại thức ăn ra sao, nông sản địa phương hay nhập khẩu… rõ ràng vai trò tăng trưởng xanh không phải bàn cãi.
Về góc độ toàn cầu, hằng năm, trên bàn đàm phán của các nhà lãnh đạo toàn cầu đều có không gian cho các bạn trẻ chia sẻ kinh nghiệm. “Ngày hội nhặt rác thế giới - World Cleanup Day 2022” là một trong những phong trào mà trong 10 năm vừa qua đã thành công tiếp cận và đi sâu vào nhận thức của nhiều người.
Thế hệ GenZ ngày này quan tâm đến môi trường nhiều hơn thế hệ trước và hình thành nhận thức đi sâu vào tiềm thức của giới trẻ về việc sống trong một đô thị văn minh.
Thế hệ GenZ ngày này quan tâm đến môi trường nhiều hơn thế hệ trước và hình thành nhận thức đi sâu vào tiềm thức của giới trẻ về việc sống trong một đô thị văn minh. Ngoài lối sống các bạn còn sáng tạo, đưa chất xám vào mô hình nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học trong cuộc sống và Việt Nam đã bắt kịp. Một trong những trào liên quan tới tư duy khoa học như sản phẩm ống hút tre, vỏ hộp sữa tái chế được đi triển lãm tại Đức. Các bạn trẻ đã thực sự cân đo đong đếm được, không chỉ là nhận thức.
Hiện nay, các bạn trẻ đã và đang tham gia chiến dịch, phong trào bất kể ở trường học hay ở đâu. Đó là những xu hướng toàn cầu, đổi mới sáng tạo kỹ thuật, hình thành chuỗi sản xuất bền vững. Mỗi cá nhân đều là công dân toàn cầu, các bạn có sự chuyển đổi sáng suốt và xây dựng một đời sống bền vững.
23/09/2022 10:32
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai nhiều hoạt động thực chất bảo vệ môi trường, định hướng lối sống xanh
Nhằm thúc đẩy lối sống xanh trong giới trẻ, những năm qua, Trung ương Đoàn đã triển khai các hoạt động, chương trình, phong trào như thế nào?
Anh Vũ Minh Thảo, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng Ban Thanh niên Nông thôn Trung ương Đoàn, Đại diện Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh:
Hằng năm, Trung ương Đoàn ban hành hướng dẫn để định hướng các công tác trọng tâm liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, các cấp bộ đoàn có những điều chỉnh cho phù hợp thực tế. Trong những năm qua, các cấp bộ đoàn đã có những công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt về lối sống xanh.
Thông qua các phong trào, có rất nhiều mô hình, cách làm và cá nhân tiêu biểu trong cán bộ Đoàn. Chúng tôi đã triển khai nhiều chương trình, sáng kiến nổi bật liên quan đến bảo vệ môi trường, định hướng lối sống xanh. Liên quan đến Sáng kiến 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Đoàn đặt mục tiêu trồng 30 triệu cây xanh trong vòng 5 năm (2022-2027). Hiện tại chúng tôi đã trồng được 3 vạn cây xanh. Dự kiến, trong nhiệm kỳ tới, chúng tôi sẽ trồng được 100 triệu cây xanh trong vòng 5 năm. Như vậy, với khoảng 25 triệu đoàn viên, thanh niên, mỗi năm mỗi bạn phải trồng được 4 cây xanh.
Chúng tôi cũng mong muốn ứng dụng chuyển đổi số, thiết lập bảng điện tử cây xanh để theo dõi quá trình thực hiện mục tiêu. Thứ hai, liên quan đến chương trình phòng chống rác thải nhựa, mỗi cấp tỉnh, cấp huyện đều thực hiện các mô hình như: chung cư phải phân loại rác; khuyến khích người dân đi chợ hạn chế dùng túi bóng một lần, hạn chế rác thải nhựa; khuyến khích các tiểu thương ở chợ dùng lá, dây, trở lại lối sống của ngày xưa.
Thông qua các phong trào Đoàn, có rất nhiều mô hình, cách làm, cá nhân tiêu biểu với nhiều chương trình, sáng kiến nổi bật liên quan đến bảo vệ môi trường
Trung ương Đoàn cũng tính toán, chỉ đạo để thực hiện các phong trào ví dụ như thúc chương trình thách thức để thay đổi, nhằm kích thích giới trẻ thay đổi thói quen cũ và hình thành thói quen mới thân thiện với môi trường hơn. Bên cạnh đó, các chương trình tái chế như hành trình thứ 2 của lốp xe, hành trình thứ hai của chai nhựa… nhận được sự tham gia, hưởng ứng và lan tỏa của đoàn viên, thanh niên và giới trẻ.
Ngày 18/9 vừa qua đã diễn ra Ngày Chủ nhật Xanh lần thứ 4. Các cấp bộ Đoàn đồng loạt hưởng ứng các phong trào trồng cây xanh, trồng đường hoa, phát triển nông thôn mới. Chúng tôi rất mong những chương trình như thế tiếp tục được hưởng ứng và lan tỏa.
23/09/2022 10:45
Hướng đến lối sống xanh tạo nên chân dung học sinh Nguyễn Siêu
Một câu hỏi xin dành cho đại diện Trường Tiểu học -THCS-THPT Nguyễn Siêu: “Những năm qua, Nguyễn Siêu là một mô hình tiêu biểu cho phong trào sống xanh trong học sinh với nhiều hoạt động bảo vệ môi trường thiết thực, cô/thầy có thể chia sẻ những mô hình bảo vệ môi trường mà nhà trường đã triển khai những năm qua? Mục tiêu mà trường Nguyễn Siêu hướng tới trong công tác bảo vệ môi trường là gì”?.
Cô Nguyễn Thị Duyên, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học -THCS - THPT Nguyễn Siêu:
Đây là câu hỏi rất phù hợp vì đây là dịp nhìn lại chúng tôi đang làm gì và hiệu quả ra sao. Tôi xin chia sẻ những hoạt động để giáo dục học sinh trường Nguyễn Siêu về thực hiện lối sống xanh trong nhà trường. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của anh Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường khi nói, nếu như doanh nghiệp có trách nhiệm của mình thì với nhà trường đó là sản phẩm học sinh.
Việc giáo dục môi trường cho học sinh của trường Nguyễn Siêu đã được thực hiện lâu rồi. Trong hành trình 30 năm luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong mỗi năm học. Tôi có thể kể đầu tiên nói đến, chúng tôi tích hợp xây dựng bảo vệ môi trường tùy mỗi môn học, lồng ghép ở mỗi môn ở mức độ khác nhau.
Hằng năm có các ngày hoạt động trải nghiệm cho học sinh trong và ngoài trường như làm sao để phân loại được chất thải nhựa, dạy học sinh kĩ năng đi siêu thị không sử dụng nilon. Trường còn cung cấp xe buýt đưa học sinh đi học mỗi ngày với gần 100 xe. Trường Nguyễn Siêu đặc trưng là trường học bán trú. Chúng tôi có nhà bếp để phục vụ cho gần 3.000 học sinh và 500 nhân viên nhà trường và không sử dụng vật dụng nhựa hay đồ sử dụng nhựa một lần mà sử dụng khay ăn inox và túi giấy. 100% học sinh có bình uống nước riêng.
Trong nhà trường, giáo viên và học sinh hạn chế sử dụng vở học sinh, tránh in ấn, giảm một lượng lớn sử dụng giấy. Sử dụng đồng thời học đa phương tiện, khi các học sinh lên lớp trực tiếp thay vì phát phiếu bằng giấy thì giờ sử dụng thêm nền tảng số.
Ngoài ra, trường chúng tôi là trường đại diện cho chiến dịch “race to rezo”, chiến dịch giảm thải khí cacbon trong môi trường. Hà Nội có chương trình “Sữa học đường” dành cho học sinh tiểu học. Nếu 1.500 học sinh sử dụng hằng ngày, lượng rác thải tái chế sẽ rất nhiều. Nếu để nhà trường tái chế được là rất khó nên chúng tôi kết hợp với các đơn vị thu gom vỏ hộp sữa có thể tái chế nên ngay sau bữa trưa các em gấp gọn hộp sữa này và chuyển đi. Ngoài ra, trong nhà trường có chương trình đổi giấy lấy cây. Ngày 26/3, trường có ngày hội STEM hướng dẫn các con dử dụng hay kĩ năng tái chế rác thải có thể dùng được. Chúng tôi có 3 phòng STEM, có máy in 3D giúp học sinh in ngay sản phẩm của mình nhưng chúng tôi dùng một loại nhựa sinh học, loại nhựa thân thiện môi trường.
Nhà trường đang nỗ lực để nằm trong mạng lưới các trường đạt tiêu chuẩn Eco - schools. Để đạt được tiêu chuẩn này cần đạt 7 bước có lộ trình cụ thể, đa lĩnh vực với học sinh, có con số cụ thể về rác thải ra môi trường, lượng rác thải tái chế được là bao nhiêu.
Hiện nay, lên website trường chúng tôi, các bạn sẽ thấy trường Nguyễn Siêu đang xây dựng 8 giá trị cốt lõi thì có hai giá được nhấn mạnh là bảo vệ môi trường và tiết kiệm. Đây sẽ là các giá trị quan trọng để tạo nên chân dung, thương hiệu học sinh trường Nguyễn Siêu.
23/09/2022 10:57
Nhiều hoạt động thiết thực gắn với lối sống xanh
Nhà trường có thể chia sẻ kinh nghiệm để triển khai thành công các hoạt động bảo vệ môi trường?
Cô Nguyễn Thị Duyên, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS-THPT Nguyễn Siêu:
Việc giáo dục về “xanh hóa lối sống” cho học sinh tiểu học và phổ thông khác nhau. Đối tượng học sinh tiểu học thì phải cầm tay chỉ việc nhưng với học sinh THPT thì học sinh đã lớn, hướng đến kĩ năng chuyên sâu hơn là nghiên cứu khoa học. Năm ngoái có bạn học sinh trong ngày hội STEM của nhà trường, thì một học sinh hằng ngày đi học qua con sống gần trường là con sông Yên Hòa phát hiện mùi bốc lên nồng nặc. Học sinh có nghiên cứu và làm đề tài “Xử lý nước sông Yên Hòa bằng vật liệu hóa học”.
Dịp khai giảng, trường có thông điệp xanh đến phụ huynh là không tặng hoa tươi. Thay vì tặng hoa tươi, cha mẹ học sinh tặng cây xanh cho nhà trường.
Theo tôi thấy, học sinh ở các nước lớn thì hình thành được lối sống xanh trong nhà trường. Tuy nhiên, đó là ở phía môi trường. Còn ở gia đình, nếu như thầy cô làm gương mà về từng gia đình bố mẹ không làm gương thì giáo dục không mang lại hiệu quả như mong đợi.
Hằng năm, chúng tôi có ngày hội như hội thể thao, ngày hội ấm ám mùa xuân với sự tham gia của bố mẹ và học sinh. Ở đó, chúng tôi đều gửi thông điệp đến cha mẹ học sinh.
Năm nay, dịp khai giảng, trường có thông điệp xanh đến phụ huynh là bố mẹ không tặng hoa tươi. Thay vì tặng hoa tươi, cha mẹ học sinh tặng cây xanh cho nhà trường hay ủng hộ quỹ từ thiện của nhà trường. Ngoài ra, chúng tôi có tổ khoa học tự nhiên, hằng tháng có ngày dọn dẹp gia đình, ngày đó học sinh sẽ mang những rác thải dọn dẹp được ở nhà mà có thể tái chế được mang đến trường để đổi khẩu trang, vật dụng hữu ích đối với học sinh.
23/09/2022 11:02
Lồng ghép nhiều mô hình lối sống xanh trong kinh doanh
Theo ông/bà, để nâng cao nhận thức, thúc đẩy lối sống xanh trong nhân dân, đặc biệt là trong giới trẻ, các đoàn thể, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường nên có những giải pháp như thế nào?
Ông Nghiêm Tuấn Anh, Phó Ban Tuyên giáo, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam chia sẻ:
Hiện nay chúng tôi có mạng lưới rất rộng, len lỏi từng gia đình, từng người dân với 13.000 điểm phục vụ, hơn 50.000 cán bộ công nhân viên. Hệ sinh thái của chúng tôi xác định sứ mệnh phục vụ cộng đồng, đồng hành cùng Nhà nước, Chính phủ nâng cao cuộc sống tốt đẹp.
Chúng tôi có nhiều mô hình để xây dựng môi trường sống xanh. Đầu tiên là xây dựng nét văn hóa ngành bưu điện, thói quen khi sử dụng rác thải nhựa. Đồng thời nhận thức rất rõ vai trò của người trẻ với 20.000 trong độ tuổi thanh niên nên xây dựng văn phòng xanh tại nơi làm việc hay cùng tổ chức đoàn thanh niên, trồng rừng, phủ xanh… Mỗi một cán bộ công nhân viên là một đại sứ của môi trường.
Có rất nhiều mô hình lồng ghép trong kinh doanh của chúng tôi. Túi nilon thường rất tiện dụng, nhưng khi khách hàng đến chúng tôi luôn khuyến cáo dùng carton để thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó là thí điểm sử dụng xe điện. Ngoài ra phối hợp với nhiều cơ quan, ban ngành để tổ chức cuộc thi viết thư quốc tế UPU.
Tôi nhận thấy những năm gần đầy có rất nhiều câu chuyện đáng được quan tâm, như bức thư gửi “Mệ Sương bán xôi” của Phan Hoàng Phương Nhi, lớp 7/2 trường THCS Duy Tân, Thừa Thiên Huế giành giải nhất quốc gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 49. Gần đây nhất, nam sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) viết thư gửi cho nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn. Bạn ấy mong muốn nghệ sĩ dùng âm nhạc để cảm hóa con người, khiến con người yêu thiên nhiên, môi trường, biến cảm xúc thành hành động cụ thể để bảo vệ trái đất, cuộc sống xanh. Từ những cuộc thi như vậy, chúng tôi nhận thấy Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã có những hành động lan tỏa nhất định. Trong cơ quan công sở chúng tôi rất ít khi thấy hình ảnh rác thải nhựa một lần.
Chúng tôi đảm bảo quy định chặt chẽ. Thứ nhất trong doanh nghiệp, việc đầu tiên là sự minh bạch trong thể chế, nội dung. Tiêu chí của chúng tôi là doanh nghiệp xanh, vì môi trường, có quy định chặt để để cán bộ công nhân viên tuân thủ. Thứ 2 là công tác truyền thông trong văn hóa doanh nghiệp, chúng tôi tặng bình giữ nhiệt, chai thủy tinh… cho cán bộ công nhân viên và khách hàng. Việc xây dựng phong trào lan tỏa trong các hoạt động để thay đổi tư duy từ nhận thức cho đến hành động với mong muốn những hành động cụ thể của người làm trong ngành bưu điện lan tỏa đến khách hàng, tới người dân để xây dựng một xã hội trong lành.
23/09/2022 11:09
Tăng cường giáo dục môi trường
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Giải pháp đầu tiên tăng cường giáo dục môi trường trong hệ thống giáo dục các cấp, cả chính khóa và ngoại khóa. Đưa chương trình giáo dục về môi trường, biến đổi khí hậu vào chính khóa rất quan trọng. Trang bị kiến thức cho giới trẻ từ trong nhà trường, từ đó hình thành tư duy trong suốt đường đời. Giáo dục về môi trường trong chương trình ngoại khóa cũng có vai trò quan trọng không kém. Nhiều cơ sở giải trí, du lịch lồng ghép các kiến thức bảo vệ môi trường như đa dạng sinh học, vòng đời, tác động của thiên nhiên… trong các hoạt động kinh doanh của họ.
Trước đây, chúng ta cho rằng bảo vệ môi trường chủ yếu dựa vào nhận thức, thỏa mãn được nhu cầu thiện nguyện. Hiện tại, điều đó phải trở thành công cụ để khởi nghiệp, phải trở thành hành trang vào đời cho giới trẻ. Chúng ta phải thể chế hóa các giải pháp bảo vệ môi trường vào trong luật, buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ, từ đó bảo vệ môi trường gắn liền với bài toán kinh tế.
Sản xuất tiêu dùng bền vững không đơn thuần chỉ để bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm thu gom, tái sử dụng rác thải thì khi đó họ sẽ tính chuyện đầu tư vào các doanh nghiệp tái chế hoặc có giải pháp nào đó thiết thực, sâu sắc hơn hướng tới bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Chúng ta phải nhân rộng hơn các mô hình sản xuất tiêu dùng bền vững.
Bên cạnh đó, về nhà trường, năm nào, chúng tôi cũng có đề xuất công nhận trường sinh thái cấp ASEAN.
23/09/2022 11:11
Xanh hóa lối sống
Thời gian tới, Trung ương Đoàn sẽ triển khai các chương trình, hoạt động gì để thúc đẩy lối sống xanh trong giới trẻ. Từ thực tiễn triển khai các chương trình trước đó, Trung ương Đoàn có những kinh nghiệm, giải pháp có thể chia sẻ?
Anh Vũ Minh Thảo, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng Ban Thanh niên Nông thôn Trung ương Đoàn, đại diện Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh:
Tôi chỉ nhấn mạnh, trong các chiến dịch của Trung ương Đoàn mà đối tượng là giới trẻ thì chúng tôi rất kiên trì với nội dung cũng như các nội hàm. Tuy nhiên, phương thức luôn luôn phải điều chỉnh, quan tâm đến tính hiệu ứng của mỗi phong trào, chiến dịch. Theo đó, chúng tôi luôn xây dựng trên tinh thần thiết thực, hiệu quả. Làm sao để tạo ra phong trào sâu rộng.
Khi triển khai các chương trình, hoạt động để thúc đẩy lối sống xanh trong giới trẻ, chúng tôi cho rằng cần có cách làm của Đoàn làm sao cho phù hợp, gắn với các đối tượng của Đoàn. Mà đối tượng của Đoàn thì rất phong phú, với mỗi đối tượng cần có các phương thức khác nhau để làm sao để các bạn cảm thấy tự nguyện tham gia vào các chương trình, hành động làm “xanh hóa lối xanh”. Và họ, những người trẻ tự nhận thấy sự tham gia của các bạn đảm bảo cho cuộc sống và tương lai của chính các bạn sau này.
23/09/2022 11:15
Kỳ vọng đưa bảo vệ môi trường, định hình lối sống xanh trở thành môn học chính
Cô Nguyễn Thị Duyên, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS-THPT Nguyễn Siêu chia sẻ về định hướng của nhà trường cho những năm tới trong công tác bảo vệ môi trường, định hình lối sống xanh: Chúng tôi có nhiều kỳ vọng vì trường triển khai nhiều dự án. Từ năm 2019, Bộ GD&ĐT triển khai mô hình trường học hạnh phúc, có tiêu chí môi trường thân thiện, không gian xanh… Chúng tôi tiếp tục theo đuổi dự án Eco School. Hiện nay, các bài dạy về lối sống xanh chỉ mang tính tích hợp và chưa có môn học nào về vấn đề này.
Vấn đề biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề không của riêng ai. Trường chúng tôi được tiếp cận cả hai chương trình giáo dục của Việt Nam, Cambridge và đã thấy được sự khác nhau.
Chương trình giáo dục Việt Nam về bảo vệ môi trường mang tính tích hợp, trong khi Cambridge có những chủ đề rõ ràng về biến đổi khí hậu, tầng ozon,… để học sinh tiếp cận.
Rất may mắn khi học sinh của chúng tôi có cơ hội được tiếp cận hai nền giáo dục. Tương lai chúng tôi kỳ vọng sẽ xây dựng môn học chính thống trong hệ thống giáo dục của Việt Nam.
23/09/2022 11:17
Đưa giáo dục môi trường thành môn học là sáng kiến khả thi
Bà Võ Xuân Quyên, quản lý chương trình của Trung tâm sống và học tập vì cộng đồng và môi trường (Live&Learn Việt Nam):
Về câu hỏi đưa giáo dục môi trường trở thành bắt buộc, tôi xin ví dụ cơ chế về giáo dục khai phóng ở Mỹ, châu Âu, giáo dục môi trường được đưa vào trong hệ thống giảng dạy nhưng không bắt buộc, phụ huynh và học sinh được quyền lựa chọn. Còn ở quốc gia có phong trào giáo dục thay thế, có những Home school, Eco school.
Ngay tại Hà Nội cũng có mô hình này. Những nhóm trường như vậy cũng bắt kịp xu hướng, đưa giáo dục môi trường vào môn học gần như chắc chắn nằm trong chương trình giảng dạy, kết hợp ngoại khóa như dã ngoại...
Bắt buộc hay không bắt buộc tùy thuộc vào nền tảng xã hội tại thời điểm ấy, chứ không thể bắt buộc theo cơ chế chưa đủ điều kiện về mặt vật lực. Theo tôi, đó là sáng kiến mang tính khả thi, có tính xây dựng.
23/09/2022 11:19
Lan tỏa toàn xã hội về xanh hóa lối sống, tăng trưởng xanh trong tương lai
Nếu chúng ta mở rộng ra thêm số lượng và tối ưu hóa chất lượng về “lối sống xanh, tăng trưởng xanh thì chúng ta cần có cơ chế, giải pháp như thế nào?
Ông Nghiêm Tuấn Anh, Phó Ban tuyên giáo, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam:
Nếu nói mở rộng của mô hình của Bưu điện Việt Nam thì đây là khát vọng của chúng tôi. Nếu chúng ta đều có hành động phản xạ tự nhiên, các hành động của chúng ta đều vì môi trường, chúng tôi kì vọng khi nhân viên chúng tôi tiếp xúc với người dân thì những hành động, việc làm của nhân viên trong Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sẽ được sự hưởng ứng của toàn xã hội.
Chúng ta có thể chế rồi, có sự chung tay của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội. Ý thức về cuộc sống xanh, về trồng cây xanh, về lối sống xanh đang được mọi người hưởng ứng rất lớn. Nhiều rừng ngập mặn được phục hồi là hành động thiết thực của toàn xã hội. Tôi nhận thấy ý thức bảo vệ môi trường đã có nhưng việc truyền thông cần sâu rộng, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Trước người dân chỉ có ý thức để rác đúng nơi quy định mà hiện nay đã có ý thích phân loại rác thải.
Tôi tin rằng với quan điểm, chủ trương, đường lối chung của Đảng, chính sách tăng trưởng xanh đã được ban hành cùng với việc vào cuộc của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Thông tin & Truyền thông hay như việc tổ chức của cuộc tọa đàm hôm nay của Báo Tiền Phong sẽ mang lại hiệu quả cũng như sự lan tỏa đến toàn xã hội về xanh hóa lối sống, tăng trưởng xanh trong tương lai.
Trong bối cảnh thế giới cũng như Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu, lối sống xanh, thân thiện với môi trường trở thành một xu thế được nhân rộng và hưởng ứng rộng rãi trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Đây cũng là xu thế được Đảng, Nhà nước, Chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm và thúc đẩy nhằm bảo vệ môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Thời gian qua, nhiều mô hình, lối sống gần gũi với thiên nhiên, hạn chế phát thải đã hình thành trong cộng đồng, nhất là giới trẻ. Để lan tỏa và nhân rộng những mô hình, lối sống gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ môi trường, Báo Tiền Phong phối hợp với Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường tổ chức Tọa đàm Xanh hóa lối sống và thúc đẩy hành động vì tăng trưởng xanh trong giới trẻ Việt Nam.
Tọa đàm diễn ra từ 9-11h thứ Sáu, ngày 23/9/2022, được tường thuật trực tuyến trên Báo Tiền Phong điện tử (tienphong.vn).
- Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường.
- Anh Vũ Minh Thảo, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng Ban Thanh niên Nông thôn, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
- Bà Võ Xuân Quyên, Quản lý chương trình của Trung tâm Sống và Học tập vì cộng đồng và môi trường (Live&Learn Việt Nam).
- Cô Nguyễn Thị Duyên, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS-THPT Nguyễn Siêu.
- Ông Nghiêm Tuấn Anh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.