Hơi cắc cớ trong dịp lễ này, đó là giới ăn xin, hành khất sẽ chẳng xơ múi gì được. Bởi các nghệ sĩ quan niệm, Tổ của nghề sân khấu vốn cũng là… ăn xin, nên ai nấy kiêng kỵ không cho tiền ăn mày, sợ phạm húy! Và trong giới cũng từ lâu răm rắp quan niệm: Ai tốt, giỏi, siêng năng thì được “Tổ độ”, còn hư hỏng, làm biếng thì bị “Tổ trác”, nặng nữa thì bị Tổ phạt, Tổ hành, Tổ thu luôn mất nghề...
Bách nghệ đều có Tổ, kể cả giới cờ bạc, làng chơi… Thời nay nghe nói còn có cả tổ của nghề…khoan cắt bê tông. Thế mà có một nghề hầu như chưa thấy ai nhắc đến Tổ, đó là nghề làm quan!
PGS-TS Nguyễn Thừa Hỷ trong một nghiên cứu về nghề làm quan thời phong kiến, dẫn ra rằng năm 1688, có lái buôn người Anh tên là Dampier đến Thăng Long-Kẻ Chợ, sưu tầm lập danh sách một loạt những nghề truyền thống. Nhưng sai sót lớn nhất của ông này, là đã bỏ sót một nghề đặc biệt phổ biến ở chốn kinh thành, đó là nghề làm quan! Vừa xôn xao vụ “cả họ tham gia bộ máy lãnh đạo huyện”. Nay lại thấy một chàng 30 tuổi ở miền Trung được bổ làm giám đốc Sở - trẻ nhất nước. Lên vù vù, cứ dăm ba tháng lại được thăng một cấp. Nếu ai đó ngạc nhiên thì xin bổ sung: Bố chàng ấy là quan đầu tỉnh. Chợt nhớ mới đây, có vị nữ đại biểu Quốc hội phải thốt lên đầy nghi hoặc, rằng “làm quan đâu phải là nghề gia truyền”?!
Học giả Phạm Quỳnh, trong tiểu luận “Trường phái lãnh đạo” viết từ hàng trăm năm trước, tỏ ra tiếc nuối về một lớp trí thức ưu tú - là những “bố y chi sĩ” (nhà nho áo vải) một thời xa xưa. Lớp người này bằng ảnh hưởng của mình sẽ “kiểm duyệt” giới cầm quyền khiến họ không dám “lạm quyền, lạm nhũng”. Nay, lớp trí thức ấy đang ở đâu?
Tổ nghề quan chính là Dân. Tất nhiên chỉ với những vị quan đức độ, thanh liêm chính trực, đem tài sức giúp dân, giúp nước. Còn những quan tham, quan nhũng nhiễu, đục khoét, cơ hội, thì e rằng rủ nhau cúng kiếng vào rằm tháng Bảy, chắc hợp.