Vận động người dân không cho tiền người ăn xin:

Tình thương đặt đúng chỗ

TP - Theo quyết định của UBND TPHCM, từ 28/12, sẽ đưa những người ăn xin, người lang thang vào các cơ sở xã hội. TPHCM cũng đề nghị các tổ chức cá nhân hưởng ứng chủ trương “không cho tiền người xin ăn”. Khi phát hiện người lang thang, xin ăn, báo tin cho cơ quan chức năng còn nhận được chế độ hỗ trợ. 
Người đàn ông xin ăn ở Chợ Lớn

Nhộn nhạo “giả danh” ăn xin

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, các “đệ tử cái bang” hầu như xuất hiện trên mỗi góc phố, con đường ở nội ô và ngoại thành TPHCM. Sáng 23/12, tại giao lộ Cộng Hòa- Trường Chinh xuất hiện một nhóm ngồi xin tiền người đi đường.

Ngồi trên con lươn giữa bồn hoa là cụ già ngoài 70 tuổi, đội mũ, quần áo rách rưới, tay ngửa nón xin tiền, mặt cúi xuống buồn rười rượi. Chân trái của ông cụ sưng to, được băng bằng cuộn băng trắng ngả màu. Ngồi cạnh là một thanh niên, bị mất hai cánh tay, chiếc xô đựng tiền bố thí đặt phía trước. 

Cách không xa, tại giao lộ Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ có hai cụ già thường xuyên ngồi xin tiền. Cứ vào mỗi buổi tối, góc ngã tư Lý Thường Kiệt- Trường Chinh lại xuất hiện một phụ nữ bồng con, bên cạnh là một đứa trẻ khác nằm ngủ mê mệt. Thấy hoàn cảnh đáng thương, nhiều người dừng lại cho tiền. Chỉ trong một buổi, có người xin được 500-600 nghìn đồng nhưng không hiểu sao gần một năm nay, cảnh cũ, người cũ vẫn tái diễn.

“Việc vận động không cho tiền người ăn xin không thể là tác động ngược đến sự thương tâm, thương cảm của con người bởi tình thương cần đặt đúng chỗ, đúng đối tượng và tự nguyện. Hỗ trợ người ăn xin nhiều khi thể hiện sự thương cảm chứ chưa hẳn đã là tình cảm”. 

PGS - TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn

Anh Hải, nhân viên Bưu điện TPHCM cho rằng, với việc các “đệ tử cái bang” xuất hiện ngày càng nhiều, người dân thà bỏ tiền để hỗ trợ những bệnh nhân nghèo còn hơn là “cho nhầm” người đóng giả ăn xin. “Đà Nẵng đã làm rất thành công hơn mười năm trước, không lý gì TPHCM lại không làm”, anh Hải nói.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận cho rằng, việc tập trung người lang thang xin ăn vào trung tâm xã hội là để chăm sóc, nuôi dưỡng. UBND TPHCM đã giao Sở Lao động Thương binh và xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan. Các trường hợp là người khuyết tật bệnh thần kinh, tâm thần sẽ được đưa về Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần. Các đối tượng còn lại sẽ đưa về Trung tâm hỗ trợ xã hội để lập hồ sơ phân loại.

Chặn “chăn dắt” người ăn xin

Nêu quan điểm, ông Đặng Văn Khoa, ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ăn xin có ở nhiều nước, kể cả những nước phát triển. Việc chăm sóc, hỗ trợ những người lang thang, cơ nhỡ cần hướng đến mục tiêu nhân văn hơn hơn là chăm lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh để xã hội bớt đi những cảnh đời đau thương, những hoàn cảnh cơ nhỡ. Theo ông Khoa, Nhà nước cứ làm phần việc của nhà nước là đưa người ăn xin, lang thang vào các trung tâm bảo trợ, còn các nhà hảo tâm cho như thế nào thì hãy để cho họ tự quyết định. 

Ủy viên thường trực HĐND TPHCM Huỳnh Công Hùng khẳng định, đưa người lang thang ăn xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội thể hiện trách nhiệm và nghĩa tình của thành phố. “Mỗi người đều có gia đình, mái ấm nhưng vì lý do nào đó họ không sống được nên đành phải ra đi. 

Những người còn sức lao động thì sẽ tư vấn để họ có thể tự lo cuộc sống. Những cô bác lớn tuổi nếu không còn người thân mình sẽ chăm lo, ổn định cuộc sống tuổi già. Không lẽ hoạt động dịp lễ, tết mình làm lại không lo được cho cô bác. Phải làm sao để các cô bác thực sự có được một mái ấm đúng nghĩa” - ông Hùng nói.

PGS - TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng, nhiều năm qua, vấn đề người ăn xin ảnh hưởng rất nhiều đến TPHCM về mỹ quan, văn hóa đặc biệt là ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố. 

Chủ trương vận động người dân TPHCM hoặc người từ nơi khác đến không cho tiền trực tiếp người ăn xin là phù hợp. Đã qua rồi, thời chúng ta tự thoả mãn với những nhu cầu cơ bản của con người. Chúng ta cần thực hiện một cách bài bản vấn đề hỗ trợ, an sinh xã hội, đặc biệt là tương thân tương trợ. 

Theo ông Sơn, thời gian qua có hiện tượng chăn dắt người ăn xin làm giàu cá nhân, trục lợi, ăn xin giả thậm chí hướng đến những mục tiêu khác mà chúng ta thấy cần phải xem xét. Đây là bước đi mang tính thăm dò, có chiến lược và cũng khá cẩn trọng. 

Tuy nhiên, phải có những chương trình, hành động tiếp theo như sàng lọc đối tượng, có chế độ phù hợp, đảm bảo cho tương lai khá dài của họ chứ không phải là tạm thời. “Điều quan trọng là cần làm công tác giáo dục tư tưởng những cá nhân đã xem ăn xin là một nghề không có sự lựa chọn khác.

Song song đó, cần có giải pháp xử lý những vấn nạn như chăn dắt để đảm bảo mục tiêu nhân văn của chủ trương này”, ông Sơn nói.