Tình câm

TP - Lần đầu tiên thấy anh, chị hầu như không nghĩ gì, bởi khi ấy anh vẫn là người lạ. Người ta giới thiệu anh là luật sư và những mỹ từ hay ho đi kèm, nhìn anh cười khẽ gật đầu chào những người có mặt, và nghiêng người nói chuyện với cô gái ngồi cạnh, chị cho rằng, anh không cùng tầng với mình. Khi ấy, chị chỉ cúi mặt nhấp ngụm nước suối.
Minh họa: P.Nhi.

Từ thời thiếu nữ, chị và đám bạn đã tự phân tầng cho đối tượng của mình. Con gái lấy chồng nên chọn những anh chàng ở tầng cao hơn. Khi còn sinh viên, nên hướng tới những anh chàng đã ra trường, có việc làm. Khi ra trường rồi lại nhìn những người có việc làm, có nhà, có xe và có chút tiếng tăm càng tốt. Như anh bây giờ, thành đạt, độc thân dù qua một lần lửa đỏ, có công danh, có sự nghiệp là anh chàng vượt chuẩn trong mắt các cô gái, và tất nhiên, cả trong mắt chị.

Chị cụp mắt cười buồn, tự nhủ mình giờ không thuộc tầng nào hết. Phụ nữ ly hôn, một nách hai con nhỏ, làm sao dám nghĩ ngợi gì nữa. Để đến được buổi họp mặt đồng hương này, cũng là sự cố gắng lớn, gần như vượt qua chính mình. Phụ nữ ly hôn thời này không thiếu, nhưng chị vẫn có mặc cảm không thể quên. Đàn bà, dù có xinh đẹp hay hiền lành tốt nết mấy, phải ly hôn thì không chứng nọ cũng có tật kia. Miệng đời và mắt thế gian luôn ác độc thế, xỉa ngoáy thế khi nhìn thấy người yếu thế hơn mình. Cái nhìn dành cho người đàn bà còn lắm cay nghiệt.

Anh đến cạnh chị “nhìn em rất quen. Hình như gặp ở đâu rồi”. Chị cười nhẹ thay câu trả lời, anh nhíu mày hỏi thêm “có phải là em anh An, nhà ở khu Dốc Cầu không?”. Chị lại lắc đầu, anh cười lớn hơn: “Thật đấy, trông em rất quen. Xem trí nhớ của anh tệ chưa kìa. Không nhớ ra được!”.

Chị nâng cao ly nước: “Mong là không phải anh nhìn thấy trong đám hồ sơ của anh”. Anh bật cười, khẽ chạm ly vào ly nước của chị: “Em đừng đùa ác thế, chết anh. Không khéo anh lại nghiện giở hồ sơ thì nguy!”.

Lần thứ hai. Chị gặp anh lúc anh đang giảng bài. Hình ảnh người thầy đứng trên bục giảng bao giờ cũng là hình ảnh đẹp, anh mặc quần Jean và áo vét nhưng tay áo được anh chun lên khá cao, anh giống một sinh viên hơn là một ông thầy. Không biết anh vừa nói gì mà đám sinh viên cười rộ lên, nhao nhao vui vẻ. Sau lần gặp trước, chị đã có số điện thoại của anh nhưng không dám gọi điện hay nhắn tin. Liệu anh biết chị là ai. Anh dừng bài giảng nhìn ra, mấy sinh viên ngồi gần cửa cũng thấy chị. Chị vội lùi lại sau cánh cửa rồi vội vàng đi như chạy. Thấy anh, chị quên mất mình đang đứng ngay cửa lớp. Lúc ngồi ở quán cà phê có giàn cát đằng, chị thấy điện thoại có tin nhắn, là anh. Anh hỏi chị đi đâu và khen cái váy chị mặc rất hợp, và bí ẩn.

Chị cười, nghe vui. Con gái hay đàn bà đều vui khi được khen, nhất là người khen có ánh mắt không tệ. Vui nữa là anh nhận ra chị. Hẳn chị phải có ấn tượng gì đó với anh. Chị nhắn tin lại cảm ơn, kể luôn chuyện mình vào trường tìm đứa cháu. Anh sốt sắng hỏi cháu tên gì, học lớp nào. Hóa ra cháu chị học lớp anh, anh hứa sẽ để mắt đến cháu hộ chị. Chị cười một mình suốt quãng đường về. Cớ ư, chỉ cần lòng muốn thì gì cũng là cớ, có lần đầu sẽ có lần sau.

Lần thứ ba, anh quần jean áo thun ngồi ở quán vỉa hè cùng với mấy người bạn. Anh không nhìn thấy chị, cũng không biết chị đã nhìn anh rất lâu. Anh có thật nhiều khuôn mặt, đạo mạo, vui vẻ và cả bình dân. Anh ngồi với đám bạn, cười sảng khoái không ý tứ. Chị thấy vui lây với tiếng cười của anh. Về nhà, chị nhắn cho anh: “Chiều nay thấy anh ngồi vỉa hè nha!”. Anh nhắn lại ngay: “Vậy à, sao em không vào?”. “Em vào làm gì chỗ các anh?”. “Có sao, bạn anh cũng là bạn em mà”.

Rồi anh “báo cáo” tình hình của thằng cháu, còn nói cháu kể anh nghe nhiều chuyện lắm. Chị cười buồn, thằng cháu là cháu của chồng cũ, gọi chị bằng thím. Từ bé nó đã quấn chị hơn mẹ, nó luôn muốn đến ở cùng chị, mãi khi vào đại học mới có cơ hội ở gần thím nhưng khi ấy, nó lại không thể. Hẳn thằng bé kể chuyện của chị với anh, người chịu nghe và tin thím nó là người tốt.

Chuyện có vui gì. Chị với anh nào khác gì nhau. Chị nấu cơm cho hai đứa con, nghĩ không biết anh thích ăn gì, món rau muống xào tỏi chiều nay chị làm anh có thích không. Anh hay đi công tác, với công việc và các mối quan hệ của anh, hẳn anh ăn uống chắc toàn tìm nơi sang trọng, làm gì ăn mấy món nhà nghèo như nhà chị. Chị nhìn quanh căn nhà chung cư chật hẹp, tường đầy những nét vẽ ngoằn ngoèo bẩn thỉu, tưởng tượng ngày nào đó anh đến, thấy góc nhà để cái kệ gỗ coi bộ không hợp, sách truyện hai đứa trẻ đọc xong quăng bừa bãi, những đồ dùng nghèo nàn và quê kệch… Chị vội đứng dậy dọn. Chị dọn dẹp sắp xếp cho căn nhà trở nên sạch sẽ bóng loáng. Để nếu anh có ghé thăm, cũng đỡ cám cảnh hơn.

Ý nghĩ ấy không sao dời khỏi chị. Sáng ra, chị định nhắn chúc anh ngày mới, tiện mời khi nào xuống nhà chơi cho biết. Ngập ngừng lại thôi. Cả ngày chị không rời cái điện thoại, những ngón tay bối rối, chị ngại mình làm phiền anh. Từ ngày anh nhắn tin cho chị, anh luôn trả lời tin nhắn của chị với vẻ nhiệt tình chị có thể cảm nhận được. Có những ngày, anh nhắn cho chị từ sáng sớm: “ Hôm qua em không chúc anh ngày mới, một ngày trôi qua thật mệt mỏi!”.

Chị không dám trả lời, không dám thú nhận là vừa mở mắt, chị đã tìm điện thoại kiểm tra, lúc rảnh rỗi ngồi đọc lại từng câu, tưởng tượng lúc soạn tin anh thế nào. Chị biết mình không còn trẻ, nhưng chị không thể ngăn mình thôi mơ mộng. Thậm chí, chị còn tìm cách hạ thấp anh, nhìn anh bằng ánh mắt người đời cay nghiệt rằng luật sư thì sao, anh cũng đâu giữ cho mình được gia đình trọn vẹn. Đàn ông bỏ vợ cũng như đàn bà bỏ chồng, không chứng nọ cũng tật kia, bề ngoài chỉ là lớp da hào nhoáng che đậy những nát rữa bên trong.  Biết đâu vợ anh cũng ngán ngẩm khi hết giờ làm về đến nhà anh cũng nằm khểnh xem tivi chờ cơm, con khóc con mếu chỉ ngóc đầu lên gọi vợ rồi thôi, anh cũng sẽ ném quần áo bừa bãi, áo quần thay ra, ví tiền điện thoại còn nguyên trong túi… và những tủn mủn đời thường khác nên mới ly hôn?

Chị tự nhủ đừng liên lạc nữa, chị cho số của anh vào danh sách đen. Chị tìm việc làm cho kín ngày dài, để khỏi nhớ, khỏi nghĩ. Đôi lần suýt không kìm được, lại nhủ sao mình khổ thế. Cứ cho là yêu đi, có sao. Không cần anh biết, chỉ mình chị biết và nuôi dưỡng tình yêu ấy là đủ. Chị không làm phiền ai, không cả phiền anh. Sao phải dằn vặt khổ sở thế? Ba ngày, chị đọc những tin nhắn bị chặn. “Em sao rồi, khỏe không, sao không trả lời anh thế?”. “Anh đang ở Hà Nội, mùa này Hà Nội lạnh lắm, vẫn nhớ Sài Gòn nắng ấm của mình hơn. Đôi lúc tự nhủ, có lẽ Sài gòn ấm áp vì có em, Sài Gòn rực rỡ vì nó nụ cười em tỏa sáng...”.

Chị ngỡ mình mới hai mươi, không phải là người đàn bà bỏ chồng với hai con dại, ngày bắt đầu từ năm giờ sáng và kết thúc lúc mười một giờ đêm. Đau đáu chờ cuối tháng lĩnh lương, mỗi tối ngồi nghĩ mai ăn gì vừa rẻ vừa đủ chất. Chị cảm nhận được sự hốt hoảng của anh, cả sự hụt hẫng khi bỗng dưng chị mất tích mà không một lời giải thích.

“Em khó chịu một chút. Đã đỡ rồi!”. Chị nói dối, anh hỏi đã uống thuốc gì chưa, ăn được không, chú ý giữ sức khỏe. Chị nghe những ngón tay mình run rẩy, chồng cũ chị đấy, hồi ở chung nhà thấy chị ốm chỉ buông thõng: “Ốm mua thuốc mà uống!” rồi thôi, làm gì được một lời hỏi han. Chị thấy tim mình rung lên khi tin nhắn đến: “Cuối tháng có đám cưới con anh Bảo quê mình, em gặp rồi đó. Ngày đó mình gặp nhé?”.

Chị quyết định cắt bớt mái tóc dài, cô thợ suýt xoa khi thấy mái tóc mới của chị. Bảo trông chị trẻ ra mấy tuổi. Lần đầu tiên chị tìm đến nơi làm đẹp, chọn mua cái váy mới, màu trẻ trung hơn tất cả những cái chị đã có. Chị đứng trước gương lâu hơn, muộn phiền vì cái mụn vô duyên mọc trên cánh mũi. Và lần đầu tiên trong đời, chị tìm hiểu những phương pháp làm đẹp, giảm cân. Chị muốn xuất hiện trước anh một cách rạng rỡ nhất, muốn anh nhìn thấy chị xinh đẹp.

Buổi sáng trời mưa, chị lo cho đám cưới tối nay. Anh không có lịch công tác, và anh sẽ đến. Đến chiều, trời hửng nắng đẹp, trời chiều lòng người quá. Con gái nhìn chị, chép miệng: “Mấy đứa bạn con nói mẹ con mình là chị em!”. Chị cười, vuốt mái tóc mười sáu như lụa mềm của con. Rồi con sẽ hiểu khi nào hoa nở, khi nào người đàn bà đang u tối bỗng bừng sáng. Chị tưởng tượng anh sẽ mặc gì, có trịnh trọng không, chị thích thấy anh trong quần Jean áo thun, khi ấy anh thật trẻ trung. Chị ngắm nghía cái váy mới treo trên móc, chị thích áo dài, nhưng chị lại muốn mình tươi trẻ rạng rỡ. Chị thấy mình thật ngộ, ngày xưa chị cũng không có tâm trạng náo nức như bây giờ.

Chị ngồi gấp quần áo cho con, con gái lớn rồi mà vẫn đoảng, lúc nào cũng bảo bận học, về nhà ăn vội miếng cơm lại học, học đến rạc người. Thời gian gần đây, chị chăm con thông qua hình bóng anh, chị chợt thảng thốt, hai con chị đã thiếu thốn tình cha, sẽ ra sao nếu không có chị? Anh quan tâm chị, nhưng chưa khi nào anh hỏi về cuộc sống của chị, về con chị. Phải chăng chị đã tưởng tượng nên tất cả, phải chăng anh chỉ là thăm hỏi xã giao, chị lại “dịch” thành sự quan tâm sâu sắc?

Chiều chầm chậm buông, chị xách giỏ đi chợ, vui vẻ nhìn con cá búng mình trong chậu nước, trong đầu thoáng nghĩ đến anh, nếu có cơ hội, chị sẽ đãi anh món cá hấp, món sở trường của chị. Là nếu thôi, chắc gì đã là sự thật. Chị không ngăn mình tưởng tượng vẻ mặt anh lúc ăn, ăn xong, anh sẽ phụ chị dọn bàn, chị rửa bát thì anh sẽ úp vào khay rồi cùng nhau ra phòng khách xem tivi…

Viễn cảnh ấy thực đẹp, và là mơ ước của chị. Ai nói phụ nữ ly hôn không có quyền mơ ước và hạnh phúc? Cả buổi tối, chị mỉm cười, tuyệt nhiên không thấy điện thoại reo hay báo có tin nhắn.

Cái váy đắt tiền xinh đẹp vẫn nằm ngoan trong tủ.

Thế giới tinh thần của người đàn bà như một khu rừng nhiệt đới đa tầng. Trong đó, riêng tình cảm là cả một cánh rừng rậm rạp nhất. Truyện ngắn dưới đây của Nguyễn Thị Thanh Bình như một chuyến thám hiểm nhỏ nhưng lý thú đi vào cánh rừng ấy.

Nguyễn Thị Thanh Bình trưởng thành từ giải thưởng Tác phẩm tuổi xanh năm xưa của báo Tiền Phong. Nhà văn sống và làm việc tại TPHCM.

L.A.H