> Kết thúc phiên xét xử đầu tiên "cha đẻ" WikiLeaks
Trong khi đó, nhóm tin tặc Anonymous (Ẩn danh) liên tục tấn công các đơn vị từ chối cung cấp dịch vụ cho WikiLeaks.
Ngoại trưởng Rudd nói với hãng tin Reuters: “Ông Assange không phải chịu trách nhiệm đối với việc công bố trái phép 250.000 tài liệu từ mạng lưới thông tin ngoại giao của Mỹ. Người Mỹ phải chịu trách nhiệm về điều này”. Ông Rudd nói thêm: “Tôi nghĩ rằng, phải đặt câu hỏi về tính tương xứng của hệ thống an ninh Mỹ và mức độ truy cập của những người đã tiếp cận số tài liệu. Trách nhiệm chính thuộc về những cá nhân đầu tiên tiết lộ thông tin trái phép”.
Nhà Trắng đã yêu cầu các cơ quan chính phủ Mỹ tăng cường quản lý tài liệu mật sau khi WikiLeaks công bố một phần số tài liệu mà website này có được. Washington gọi việc tiết lộ thông tin của WikiLeaks là “vô trách nhiệm” và “một cuộc tấn công nhằm vào cộng đồng quốc tế”.
Assange bị một tòa án ở London (Anh) từ chối bảo lãnh sau khi bị cảnh sát bắt hôm 7-12. Người sáng lập WikiLeaks thề chống lại việc dẫn độ mình sang Thụy Điển. Ông đang bị tạm giam chờ ngày ra tòa hôm 14-12 để nghe phán quyết về việc dẫn độ.
Luật sư của ông là Mark Stephens nói rằng, cáo buộc chủ bút WikiLeaks cưỡng hiếp và quấy rối tình dục 2 phụ nữ Thụy Điển mang động cơ chính trị. Trong chuyến thăm Serbia hôm 8-12, Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt cho biết không có liên lạc với chính quyền Mỹ về khả năng dẫn độ ông Assange từ Thụy Điển sang Đức.
Mỹ đã bắt đầu điều tra hình sự, tuyên bố sẽ trừng phạt bất kỳ ai chịu trách nhiệm vụ rò rỉ thông tin mật.
Tấn công hàng loạt
Sau khi WikiLeaks bị nhiều công ty quản lý tên miền, lưu ký web, thanh toán online…từ chối cung cấp dịch vụ, phong tỏa tài khoản, nhóm tin tặc Anonymous liên tục tổ chức các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) vào website của những doanh nghiệp này, trong đó có hãng thanh toán trực tuyến PayPal của Mỹ và một ngân hàng Thụy Sĩ. Trước đó, website WikiLeaks cũng liên tục hứng chịu những đợt tấn công DDoS, khiến người dùng rất khó truy cập.
Hôm qua, WikiLeaks tiếp tục công bố một phần nội dung các bức điện tín ngoại giao của Mỹ, trong đó có chi tiết về quan hệ Anh - Libya trước vụ thả Ali al-Megrahi (thủ phạm vụ đánh bom Lockerbie). Đây là chủ đề nhạy cảm từng khiến quan hệ Anh - Mỹ căng thẳng.
Ngày 8-12, Anonymous công bố đã đánh sập website của MasterCard và website của văn phòng công tố Thụy Điển. Nhóm này tuyên bố trên mạng: “Để phản ứng việc bắt giữ Julian Assange, Anonymous đã đánh sập PostFinance.ch - ngân hàng đã đóng tài khoản của WikiLeaks - bằng một đợt tấn công DDoS. Sau đó, Anonymous tấn công DDoS vào http://www.aklagare.se - Văn phòng Công tố Thụy Điển và đánh sập site này trong vòng không đầy 10 giây”.
Mastercard chưa xác nhận vụ việc nhưng các chuyên gia bảo mật máy tính nói rằng, website của nhà phát hành thẻ bị tấn công DDoS và người dùng ở một số nước khó truy cập. Nhà phân tích Noa Bar Yosef công tác tại công ty bảo mật máy tính Imperva (Mỹ) nói: “Các vụ tấn công rất trọng tâm. Họ tuyển dụng những người cùng hệ thống. Họ kêu gọi những người ủng hộ tải về một đoạn mã, phần mềm độc hại, để rồi phát động tấn công cùng một lúc”.
Nhóm Anonymous đã tạo hơn 500 bản sao website WikiLeaks sau khi nhà cung cấp tên miền của Mỹ ngừng cung cấp dịch vụ cho công trình của Julian Assange.
Thái An (tổng hợp)