Áp lực tấn công của giới hacker mạnh đến nỗi các quan chức thuộc Văn phòng Tổng thống Nga đã phải gọi tình trạng này là cuộc chiến ảo (Cyber War). Họ cũng đã phải soạn thảo một bản chỉ thị chi tiết về những biện pháp bảo vệ nhằm chống trả cuộc chiến đó của những kẻ ác ý.
Theo tiết lộ của những nguồn tin thân cận với Điện Kremli, việc tăng cường các biện pháp an ninh kỹ thuật được áp dụng sau một sự cố mới xẩy ra cách đây không lâu.
Trong thời gian Tổng thống Medvedev đi thăm Trung Quốc hồi tháng 9 năm nay, các nhân viên Cục Lễ tân Nga đã gửi thời gian biểu đi lại của ông tới những nhân vật có liên quan qua mạng mở. Sơ xuất này đã bị cơ quan an ninh Trung Quốc phát hiện.
Sau khi được phía Trung Quốc cảnh báo, các nhân viên Văn phòng Tổng thống Nga được lệnh chỉ được phép sử dụng mạng khép kín khi truyền đi các tài liệu có tính chất nội bộ.
Tuy nhiên, việc bộ phận kỹ thuật của Điện Kremli đề xuất các biện pháp tăng cường an ninh không chỉ bắt nguồn từ sự cố nói trên. Các biện pháp an ninh được tăng cường còn bởi vì các mạng nội bộ của Văn phòng Tổng thống Nga ngày càng hay bị hacker tấn công.
Tình hình gay cấn tới mức trong vài tuần gần đây, Văn phòng Tổng thống Nga đã phải liên tiếp tổ chức những cuộc tập huấn cho các nhân viên của mình về các biện pháp bảo vệ máy vi tính khỏi sự xâm nhập của virus, đặc biệt là virus Trojan.
Những cuộc tập huấn này do đích thân Trưởng Ban Thông tin và Tư liệu Điện Kremli chủ trì. Giờ đây, các nhân viên Văn phòng Tổng thống khi sử dụng máy vi tính để giao tiếp không được động đến những phần mềm chỉ dành cho mạng nội bộ.
Những cuộc tấn công của hacker vào các mạng nội bộ của Điện Kremli còn đặt ra một vấn đề quan trọng nữa. Ai cũng biết Tổng thống Medvedev rất coi trọng công nghệ thông tin hiện đại. Ông luôn luôn đòi hỏi các quan chức nhà nước phải sử dụng các mạng xã hội để thường xuyên giao tiếp với người dân bình thường.
Bản thân ông nêu gương bằng cách mở blog riêng trên mạng Twitter. Nhiều quan chức cao cấp của Điện Kremli đã noi theo gương ông. Nhưng khi đọc những trang blog này, có thể thấy khi dùng Twitter để trao đổi công việc với nhau, họ đã để lộ một số đặc điểm trong hoạt động của Điện Kremlin và sơ xuất này đã bị những kẻ có ác ý lợi dụng.
Chính vì thế mà cho tới nay các cơ quan an ninh Nga vẫn yêu cầu phải tuân theo những biện pháp bảo mật truyền thống.
Trong những năm gần đây, cuộc chiến ảo không còn là chuyện viễn tưởng nữa. Thỉnh thoảng, giới hacker lại tổ chức tấn công vào các cơ quan chính phủ và các cơ quan quân sự của các cường quốc hàng đầu trên thế giới.
Chẳng hạn, vào năm 2008, mạng máy tính của Lầu Năm Góc đã bị một phần mềm nhiễm virus độc hại tấn công. Một năm sau, vào năm 2009, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thừa nhận đã bị hacker đánh cắp kế hoạch triển khai quân đội Mỹ tại đây trong trường hợp xẩy ra xung đột giữa nước này với CHDCND Triều Tiên. Hơn thế nữa, các nhà phân tích Mỹ còn nghi ngờ Trung Quốc có ý định phát động cuộc chiến ảo.
Vũ Việt
Theo Nezavisimaja gazeta