> Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm hằng năm
Ông Lê Văn Cuông cho rằng nếu tỷ lệ tín nhiệm thấp thì nên xem xét miễn nhiệm ngay. Theo ông, nếu bỏ phiếu tất cả chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn thì sẽ là một việc làm không cần thiết, không khả thi vì phạm vi bỏ phiếu quá rộng.
Ngoài ra, qui định hiện nay chưa cụ thể, rất khó thực hiện do cần có đủ 20% ĐBQH đề nghị thì việc bỏ phiếu mới diễn ra.
Theo ông, cần qui định cụ thể như thế nào để thực hiện được việc bỏ phiếu tín nhiệm?
Trước hết, tôi cho rằng, cần thu hẹp đối tượng bỏ phiếu một cách thực chất hơn. Tức là thay vì bỏ phiếu đại trà các chức danh do QH bầu, phê chuẩn thì chỉ nên bỏ phiếu những đối tượng mà có liên quan trực tiếp những lĩnh vực quan trọng trong quản lý xã hội và đất nước, liên quan quốc kế dân sinh.
Ví dụ, đó phải là các thành viên của Chính phủ từ Thủ tướng, các Phó thủ tướng cho đến các bộ trưởng, trưởng ngành. Đối tượng thứ hai là Viện trưởng VKSND Tối cao và Chánh án TAND tối cao.
Theo tôi, các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm các ủy ban của QH thì chưa cần thiết phải bỏ phiếu tín nhiệm.
Cần phải thấy là chỉ những chức danh quan trọng mà công việc của họ liên quan và tác động trực tiếp nhất đến tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, qua công tác điều hành cụ thể nó thúc đẩy hay cản trở sự phát triển của nền kinh tế - xã hội nói chung mới nên lấy phiếu tín nhiệm.
Đây là những vị trí cần đo sự tín nhiệm cao hay thấp trong thực thi nhiệm vụ mà nhân dân đã giao phó. Ngoài ra, để việc bỏ phiếu hiệu quả, cần quy định về phương thức bỏ phiếu phù hợp.
Theo ông, việc bỏ phiếu nên tiến hành định kỳ hằng năm như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất
Chính QH và ĐBQH phải lắng nghe ý kiến và dư luận nhân dân để đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm bộ trưởng nào điều hành còn chưa tốt, chứ không cần phải chờ đợi ai thúc giục. Nếu thấy những chức danh mình bầu ra trong điều hành, thực thi nhiệm vụ có những vấn đề nổi lên, nhân dân bức xúc thì phải xem xét.
Theo tôi, có 3 cách bỏ phiếu: Thứ nhất, bỏ phiếu hằng năm. Việc này, nên tiến hành vào phiên họp QH cuối năm, sau phiên chất vấn thì tiến hành thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm.
Có thể nói, những vấn đề mà QH lựa chọn để đưa ra chất vấn thường là những vấn đề nóng, bức xúc trong quản lý điều hành của một ngành, một lĩnh vực nào đó.
Ở đây, nó liên quan trách nhiệm, quyền hạn, chức trách của vị bộ trưởng, trưởng ngành đó.Cho nên, sau khi chất vấn, ĐBQH có thêm cơ sở đánh giá, việc bỏ phiếu để đánh giá mức độ tín nhiệm với các chức danh này là cần thiết.
Thứ hai, thực hiện thẩm quyền của ĐB và các cơ quan của QH khi có nhiều ĐB đề nghị, hoặc UBTVQH và các cơ quan của QH xét thấy có thành viên nào có vấn đề nổi cộm, bức xúc trong điều hành mà đủ điều kiện quy định thì sẽ thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm theo qui định.
Tuy nhiên, quy định 20% ĐBQH đề nghị là không khả thi mà chỉ nên qui định một số lượng nhất định nào đó, có thể thấp hơn con số này.
Thứ ba, qua các phiên giải trình tại các ủy ban của QH hoặc qua trả lời chất vấn tại UBTVQH, nếu thấy thành viên nào có vấn đề trong quản lý, điều hành thì phải đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại phiên họp đó.
Nếu tín nhiệm thấp quá, UBTVQH hoặc các ủy ban của QH cần đề nghị đưa vị đó ra QH bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp gần nhất.
Bỏ phiếu tín nhiệm có ý nghĩa rất lớn. Nếu anh cứ chờ UBTVQH hoặc các ủy ban đề nghị mà không có một qui định cụ thể nào cho các ủy ban này thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng nể nang nhau, ngại va chạm và như vậy sẽ chẳng bao giờ có thể bỏ phiếu được một ai.
Không sợ phiếu thấp
Qua thảo luận, có ý kiến cho rằng, có những ngành lĩnh vực do khách quan mà vị trưởng ngành có thể bị phiếu thấp. Như vậy, việc bỏ phiếu có thể không phản ánh đúng đóng góp của người được bỏ phiếu?
Đây là bỏ phiếu để xem xét độ tín nhiệm, cho nên phiếu thấp hay cao cũng là chuyện rất bình thường. Nhưng cùng là tín nhiệm thấp, 49% sẽ khác 10%, 20% rất nhiều.
Theo tôi, nếu bỏ phiếu mà đạt dưới 30% thì không cần đợi đến hai lần liên tiếp mà có thể phải đề nghị xem xét miễn nhiệm ngay. Còn nếu chỉ đạt trên 30% thôi thì sau hai năm liên tiếp sẽ phải xem xét miễn nhiệm.
Đối với những trường hợp do khách quan, anh phải có giải trình, thẩm tra xem có đúng là do khách quan hay không. Nếu đúng như vậy, đó là trường hợp đặc biệt (bất khả kháng thiên tai, dịch bệnh…) thì cần phải xem xét cụ thể.
Nhưng nếu mà cứ đổ cho khách quan thì cuối cùng sẽ là hòa cả làng. Cứ phải mạnh dạn thực hiện, rồi từng bước điều chỉnh, quy định cho phù hợp. Chưa làm gì mà đã lo ngại này kia thì sẽ chẳng bao giờ làm được.
Đây là Nghị quyết của Đảng, phải mạnh dạn, quyết tâm làm chứ không có cách nào khác, không thể dừng được.
Như ông nói, không thể để quy định bỏ phiếu tín nhiệm bị ảnh huởng do nể nang, ngại đụng chạm?
Phải có những qui định cụ thể, minh bạch rõ ràng để thực thi. Thực tế, người được bỏ phiếu cũng nên coi việc bỏ phiếu tín nhiệm là bình thường. Bởi có ai bắt anh vào chức vụ đó để bị bỏ phiếu đâu. Anh đã nhận trọng trách thì anh phải làm tốt, làm đúng điều anh đã hứa với nhân dân.
Đối với QH thì đây cũng là một trọng trách nhân dân giao cho. Luật quy định cho anh quyền được bỏ phiếu thì anh phải phát huy cái quyền đó.
Người dân cũng đã ủy quyền cho anh rồi. Vấn đề là cần có những quy định thật cụ thể và phải quyết tâm làm.
Chính QH và ĐBQH phải lắng nghe ý kiến và dư luận nhân dân để đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm bộ trưởng nào mà điều hành còn chưa tốt, chứ không cần phải chờ đợi ai thúc giục.
Nếu thấy những chức danh mình bầu ra trong điều hành, thực thi nhiệm vụ có những vấn đề nổi lên, nhân dân bức xúc thì phải xem xét. Dư luận là một thước đo để ĐBQH và QH biết mà thực hiện chức trách của mình, không để tình hình rối lên.
Bỏ phiếu tín nhiệm một ai đó cũng là cách để đánh động các vị bộ trưởng, trưởng ngành khác. Và đó cũng là một cảnh tỉnh để chúng ta thận trọng hơn trong công tác cán bộ, chứ không thể làm một cách ào ào.
Cảm ơn ông.
Nguyễn Tuấn
Thực hiện