Vụ 9 người đi cùng chuyên cơ rồi trốn lại lại Hàn Quốc đã xảy ra từ cuối năm 2018. Trong thời gian từ ngày 4 – 7/12/2018, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu có chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc. Thành phần đoàn, ngoài Chủ tịch Quốc hội còn có 20 quan chức cấp cao.
Cũng vào dịp này, Bộ KH&ĐT, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và Phòng Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc cùng phối hợp, tổ chức Diễn đàn đầu tư và thương mại Việt - Hàn. Do chuyến thăm vào đúng dịp này, nên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được mời dự và phát biểu ý kiến tại diễn đàn.
Sau 10 tháng diễn ra sự kiện này, vào ngày 23/9 vừa qua, Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc đã thông tin, trong số 160 người đi theo đoàn đại biểu Quốc hội đã có 9 người không quay trở lại Việt Nam.
Trả lời Tiền Phong và nhiều cơ quan báo chí trong nước, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận vào thời điểm đó, có 9 người “đi cùng” chuyên cơ và đã trốn ở lại Hàn Quốc.
Tại sao vụ việc bỏ trốn đã diễn ra trong một thời gian dài như vậy lại không được cơ quan chức năng xử lý ngay tại thời điểm đó? Về việc này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Vào thời điểm đó, sau khi phát hiện trong đoàn “thiếu 9 người”, khi về Việt Nam, Văn phòng Quốc hội đã có công văn chỉ đạo các cơ quan liên quan tìm cách đưa những người đó về. Đến nay đã có 2 người trở về và 7 người vẫn còn “bỏ trốn”.
“Văn phòng Quốc hội đã có công văn gửi Bộ Công an, Bộ KH&ĐT và Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan liên quan của Việt Nam, Hàn Quốc phối hợp để trục xuất, đưa những người còn lại về”, ông Phúc nói, đồng thời khẳng định, tất cả những người “đi nhờ” này không thuộc thành phần đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam.
Cụ thể, những người này thuộc đoàn dự Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc. Họ chỉ “đi và về nhờ chuyên cơ”. Còn sang Hàn Quốc, họ ở khách sạn nào, ăn ở và sinh hoạt ra sao là do Bộ KH&ĐT lo, đoàn Đại biểu Quốc hội không biết.
“Sự việc này Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Bộ KH&ĐT phải rút kinh nghiệm trong quá trình thẩm định, lập danh sách người đi theo đoàn, nếu không lần sau mà cho đi nhờ như vậy sẽ rất ngại và mang tiếng. Đoàn cũng không biết những người đó là ai cả. Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ phát biểu theo lời mời, rồi còn phải đi các chương trình khác. Đoàn cho đi nhờ, nhưng họ lại lợi dụng lòng tốt rồi trốn”, ông Phúc cho hay.
Cùng trao đổi với PV một số cơ quan báo chí, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thấy rất đáng tiếc và đây là lần đầu tiên xảy ra sự việc thế này.
Ông cũng khẳng định đã thẩm định danh sách rất cẩn thận, thậm chí giữ lại hộ chiếu của các thành viên trong đoàn khi sang Hàn Quốc. Song những người bỏ trốn đã “lợi dụng và làm bậy”. Bộ trưởng Dũng cũng cho rằng, sau sự việc này sẽ “rút kinh nghiệm” để làm chặt chẽ hơn.
Cũng trong hôm nay, Bộ KH&ĐT đã phát đi thông tin chính thức về việc này. Nhấn mạnh đến việc phải “nghiêm túc rút kinh nghiệm”, Bộ cũng khẳng định, sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để truy tìm các đối tượng hiện đang bỏ trốn để triệu hồi về nước và xử lý theo quy định của pháp luật. “Trường hợp phát hiện nội bộ có sai phạm liên quan, Bộ sẽ không bao che mà nghiêm khắc xử lý cán bộ theo mức độ và quy định của pháp luật”, thông tin phát đi nêu rõ.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là, sự việc không phải chỉ mới diễn ra trong ngày một ngày hai, mà đã kéo dài hơn 10 tháng nay, vì sao trách nhiệm của “những người có liên quan” lại chưa được làm rõ? Vì sao sau chừng ấy thời gian mà chỉ đến khi truyền thông Hàn Quốc và báo chí trong nước phản ánh, Bộ KH&ĐT mới rút kinh nghiệm và làm rõ trách nhiệm?...
Cũng trong hôm nay, Tiền Phong đã liên lạc với những người có trách nhiệm bên Bộ KH&ĐT để lấy danh sách 9 người đã trốn lại Hàn Quốc, nhưng không nhận được thông tin.