Tin mới nhất vụ máy bay Airbus A320 rơi tại Pháp

TP - Nhiều phi công Germanwings (Đức) ngày 25/3 từ chối bay sau khi máy bay của hãng hàng không giá rẻ này rơi ở Pháp khiến tất cả 150 người thiệt mạng. Đến đêm qua, vẫn chưa rõ có nạn nhân người Việt hay không.
Thắp nến tưởng nhớ 16 học sinh lớp 10 trước Trường trung học Joseph Koenig (Đức). Ảnh: Getty Images

Các phi công quyết định lãn công sau khi có thông tin chiếc Airbus A320 rơi xuống sườn núi Alps phải hạ cánh vì sự cố kỹ thuật chỉ 24 giờ trước đó. Theo một số báo cáo, máy bay này nhiều lần gặp sự cố kỹ thuật, như lỗi bánh xe một ngày trước khi nó bay từ thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) đến thành phố Dusseldorf (Đức). Những chiếc A320 khác của Germanwings đang được kiểm tra an toàn, khiến nhiều hành khách bị kẹt ở sân bay Heathrow, Stansted và Manchester (Anh) ngày 24/3, sau khi nhiều phi công của Germanwings từ chối làm việc vì lo sợ trục trặc, báo Anh The Telegraph đưa tin hôm qua.

Một phát ngôn viên của Lufthansa, công ty mẹ của Germanwings, thông báo, một chuyến bay từ Dusseldorf đến Barcelona của Germanwings đã bị hủy do phi công không muốn bay. Tuy nhiên, phát ngôn viên từ chối cho biết bao nhiêu phi công lãn công hôm qua, chỉ nói rằng, tất cả các chuyến bay của Lufthansa đều được thực hiện như kế hoạch. Telegraph dẫn lời Phát ngôn viên Joerg Handwerg của Công đoàn các phi công Vereinigung Cockpit nói rằng, quyết định của họ không phải do lo ngại an toàn. “Không phải do vấn đề an toàn. Các phi công có bạn bè và đồng nghiệp vừa thiệt mạng. Đó thực sự là gánh nặng cảm xúc nên tốt hơn họ không nên vào buồng lái”, ông Handwerg nói trên truyền hình. Các chuyên gia hàng không cũng trấn an các phi công Airbus A320 rằng, dòng máy bay này an toàn. 

Germanwings hôm qua thông báo có sự “gián đoạn bay trong mạng lưới bay của họ vì các phi công quá sốc sau khi biết tin về chiếc A320 gặp nạn hôm 24/3”. Đây là tai nạn chết người đầu tiên trong lịch sử Germanwings.

Chưa biết có nạn nhân người Việt hay không

Ngày 25/3, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói: “Chúng tôi xin gửi đến các chính phủ, nhân dân cũng như gia đình những người bị nạn trên chuyến bay lời cảm thông và chia buồn sâu sắc nhất. Chúng tôi tin tưởng rằng, những nỗ lực của các quốc gia liên quan sẽ giúp gia đình, người thân các nạn nhân sớm vượt qua nỗi đau to lớn này”.

Về thông tin có hay không hành khách người Việt Nam trên chuyến bay xấu số, ông Lê Hải Bình cho biết, ngay trong ngày 24/3, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, Tây Ban Nha, Pháp khẩn trương liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin có hay không hành khách người Việt Nam trên chuyến bay. “Cho đến nay, chúng tôi chưa nhận được thông tin về việc có hành khách là người Việt Nam trên chuyến bay”, ông Bình nói.

Hai ca sĩ opera nổi tiếng thiệt mạng

Trong khi đó, những câu chuyện về số phận hành khách trên chuyến bay xấu số tiếp tục được làm sáng tỏ. Trong số 150 người thiệt mạng có hai ca sĩ opera nổi tiếng người Đức, Maria Radner (34 tuổi) và Oleg Bryjak (54 tuổi). Nữ ca sĩ Radner xinh đẹp gặp nạn cùng chồng và con nhỏ. Nam ca sĩ Bryjak thiệt mạng khi vừa biểu diễn cùng Radner ở Barcelona và đang trên đường về nhà. Trong số nạn nhân còn có một phụ nữ Tây Ban Nha tên là Marina Bandres Lopez-Belio (37 tuổi) và con trai 7 tháng tuổi. Nhóm 16 học sinh cùng lớp và 2 giáo viên một trường học ở Đức đáng lẽ có thể thoát chết khi một nữ sinh 15 tuổi bỏ quên hộ chiếu, báo Đức Bild đưa tin. Nhưng gia đình chủ nhà đã đuổi theo đến tận sân bay đưa giấy tờ để giúp họ kịp lên chuyến bay. Họ đang trên đường trở về sau chuyến đi giao lưu dài 1 tuần ở Barcelona thì gặp nạn.

Chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố 3 ngày quốc tang, bắt đầu từ hôm qua, sau khi xác nhận có 47 công dân trên chuyến bay định mệnh. Anh Manuel Blasco, người Tây Ban Nha, kể rằng, buổi sáng tỉnh dậy, anh thấy trời khá lạnh, nên muốn đổi sang chuyến bay của Germanwings. Nhưng vợ anh thuyết phục anh không đổi chuyến mà đến sân bay rồi nghỉ ở đó. “Khi đến sân bay Barcelona, tôi vẫn hỏi quầy Lufthansa về việc đổi chuyến, nhưng họ nói rằng chiếc máy bay (gặp nạn sau đó) đã rất đầy, giờ phải trả nhiều tiền mới có chỗ. Vì thế, tôi quyết định không đổi nữa”, anh Blasco kể.

Trong khi đó, giới chức Pháp cho biết, chiến dịch cứu hộ có thể kéo dài vài ngày vì địa hình khu vực máy bay gặp tai nạn rất hiểm trở. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve nói rằng, thiết bị ghi giọng nói trong buồng lái mà đội cứu hộ đã tìm thấy bị hỏng, nhưng vẫn có thể cung cấp thông tin. Bộ trưởng GTVT Pháp Alain Vidalies cho biết, nếu giọng nói trong buồng lái vẫn khôi phục được thì quá trình điều tra sẽ diễn ra khá nhanh. Đội cứu hộ vẫn đang tìm hộp đen thứ hai, tức thiết bị ghi dữ liệu hành trình chuyến bay, BBC đưa tin.

Chiếc máy bay Boeing 737 của hàng không giá rẻ UTair (Nga) chở 78 hành khách và phi hành đoàn hôm qua phải hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Pulkovo ở St Petersburg. Hãng tin Nga RIA-Novosti dẫn nguồn cơ quan hàng không Nga nói rằng, động cơ máy bay gặp trục trặc.

Sáng qua, một máy bay giám sát với 3 sĩ quan của Hải quân Ấn Độ bị rơi xuống gần biển Goa ở phía nam nước này. Báo Ấn Độ Times of India đưa tin, chiếc Dornier gặp nạn khi đang thực hiện bài tập ở độ cao thấp, cách thành phố Karwar khoảng 10 dặm. Một sĩ quan đã được các ngư dân cứu và đưa vào viện, còn hai sĩ quan khác vẫn mất tích.

Việt Nam gửi điện chia buồn

Được tin về vụ tai nạn của Germanwings hôm 24/3 làm nhiều người Đức, Tây Ban Nha thiệt mạng, hôm qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi điện chia buồn tới Tổng thống Đức Joachim Gauck, Nhà Vua Tây Ban Nha Felipe VI. Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi điện chia buồn đến Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng gửi điện chia buồn tới Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank Walter-Steinmeier, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo.