Tín hiệu vui từ sản xuất công nghiệp

TP - Bộ Công Thương cho biết, sản xuất công nghiệp trong quý II/2022 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi với tốc độ giá trị tăng thêm ước đạt 9,87% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất tăng trưởng nhưng không được chủ quan

Cùng với sản xuất tăng mạnh, chỉ số tồn kho của nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có sự giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Điển hình như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, giảm 28%; Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 58,8%; Sản xuất xe có động cơ giảm 29,9%; Sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 27,8%...

Thiếu nhân sự chất lượng cao cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đang là thách thức với các doanh nghiệp hiện nay Ảnh: Nguyễn Bằng

Việc không ít doanh nghiệp ngành điện tử, dệt may, da giày cùng nhiều ngành sản xuất công nghiệp khác liên tục đón tin vui với các đơn hàng xuất khẩu kín lịch hết quý IV/2022 và cả sang năm 2023, theo Bộ Công Thương, đã góp phần không nhỏ trong việc kéo sản xuất trong nước tăng trưởng mạnh.

Tính chung, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và khối các ngành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 28,58 tỷ USD (tăng 14% so với cùng kỳ năm trước); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 27 tỷ USD (tăng 13%); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 21,3 tỷ USD (tăng 24,3%); hàng dệt và may mặc đạt 18,65 tỷ USD (tăng 21,6%); giày dép các loại đạt 11,9 tỷ USD (tăng 14,8%)…

Khảo sát về nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ cho thấy, tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao tại doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã diễn ra nhiều năm qua. Khi tuyển dụng, hầu hết doanh nghiệp điện tử tại Việt Nam đều phải đào tạo lại nhân sự. Với công nhân, doanh nghiệp phải mất 2-4 tuần đào tạo chuyên môn rồi mới đưa vào dây chuyền sản xuất. Với kỹ thuật viên cao cấp, doanh nghiệp phải đưa đi nước ngoài đào tạo hoặc đào tạo bổ sung trong suốt quá trình làm việc.

Theo Bộ Công Thương, thời gian tới, hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu được kỳ vọng tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và việc triển khai các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) của Việt Nam được thực thi một cách đầy đủ. Ngoài ra, làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp sẽ là động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu kéo theo tăng trưởng sản xuất trong nước.

Lo thiếu nhân sự lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ

Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, cần chú ý tình trạng thiếu việc làm, thiếu nhân sự chất lượng cao ở các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ vẫn đang diễn ra ở nhiều địa phương. Thống kê cho thấy, doanh nghiệp thiếu lao động nhiều phần lớn tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao. Để giải quyết, cần có kế hoạch đào tạo bài bản. Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động hơn trong việc đào tạo nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ trong bối cảnh các doanh nghiệp FDI vẫn đang ưu tiên lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư.

Theo các chuyên gia tuyển dụng nhân sự, sự đứt gãy nguồn cung do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã đem lại cơ hội “nghìn năm có một” cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam kết nối, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp khá nổi tiếng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hoạt động ở Bắc Ninh xác nhận, doanh nghiệp Việt đang có lợi thế chưa từng có trong bối cảnh nhiều quốc gia vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng. Dù số lượng đơn hàng tăng nhưng so với các ngành sản xuất khác, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sẽ là lĩnh vực gặp khó khăn hơn để đáp ứng yêu cầu về chất lượng cũng như quy mô từ các tập đoàn đa quốc gia.

“Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ không nhiều, công việc cũng đặc thù, đòi hỏi nhiều chuyên ngành đào tạo sâu… là những trở ngại cho các doanh nghiệp Việt trong giai đoạn hiện nay. Dù có cơ hội nhưng việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt cho ngành công nghiệp hỗ trợ cần có kế hoạch, chiến lược phát triển cụ thể từ trước đó chứ không thể ngày một ngày hai là có ngay. Không làm ngay từ lúc này, việc để tuột mất cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hoàn toàn có thể xảy ra”, vị này nhận định.

Theo khảo sát được công bố quý I/2022 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ qua đào tạo chiếm hơn 85%, song nguồn cung lại có sự chênh lệch nghiêm trọng so với nhu cầu. Cụ thể, trong tổng số hơn 43.000 lao động đi tìm việc, số người có trình độ nghề sơ cấp, trung cấp và cao đẳng chỉ chiếm hơn 38%.