Tín hiệu tích cực từ quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ

TPO - Mối quan hệ "cơm không lành, canh chẳng ngọt" kéo dài suốt hơn một năm qua giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ lại được "hâm nóng" trở lại khi các quan chức ngoại giao cấp cao của hai nước này đang nỗ lực tìm hướng giải quyết những bất đồng sâu sắc giữa bai bên.
Ảnh: AP

Diễn biến căng thẳng Đức-Thổ Nhĩ Kỳ

Trong hơn một năm qua, quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ luôn trong tình trạng sóng gió liên quan đến các vấn đề người Kurd, cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp, vụ bắt giữ nhà báo Đức và các nhà bảo vệ nhân quyền với cáo buộc tuyên truyền ủng hộ tổ chức khủng bố.

Trước khi xảy ra cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2016, quan hệ Đức-Thổ Nhĩ Kỳ đã lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Tháng 6/2016, Quốc hội Liên bang Đức đã thông qua một nghị quyết coi cuộc thảm sát của Đế chế Ottoman đối với 1,5 triệu người Armenia trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất là “diệt chủng”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trước đó đã cảnh báo rằng việc thông qua một nghị quyết như vậy sẽ gây thiệt hại cho quan hệ ngoại giao, kinh tế, chính trị và quân sự giữa hai nước. 

Bước sang năm 2017, xung đột giữa hai nước vẫn chưa cho thấy có dấu hiệu hạ nhiệt. Trước cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 4 vừa qua, nhà chức trách Đức đã áp đặt lệnh cấm các thành viên nội các Thổ Nhĩ Kỳ đặt chân tới một số thành phố của Đức.

Tháng 6/2017, Quốc hội Liên bang Đức đã bỏ phiếu quyết định di dời các đơn vị chiến đấu từ Căn cứ không quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Incirlik tới Căn cứ Không quân Muwaffaq Salti ở Jordan. Quyết định này được đưa ra sau khi Ankara từ chối cho phép các nghị sĩ Đức đến thăm binh lính của nước này đóng quân tại các căn cứ không quân Incirlik và Konya ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Biện minh cho lập trường của mình, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc Đức đang bao che “những kẻ khủng bố” đến từ đảng Công nhân người Kurd (PKK) và phong trào Hồi giáo Gülenist, mà Ankara cho là đóng một vai trò trung tâm trong cuộc đảo chính bất thành hồi năm ngoái. 

Đặc biệt, Tranh cãi Đức-Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bùng phát ngay ngắt bắt nguồn từ việc chính quyền Ankara bắt giữ một công dân Đức vào ngày 5/7 cùng với 5 nhà bảo vệ nhân quyền khác tại Istanbul, với nghi ngờ những người này thuộc một tổ chức khủng bố.

Sự việc đã khiến Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel phải rút ngắn thời gian kỳ nghỉ hè, quay trở về Berlin để tham vấn Chính phủ. Bộ Ngoại Giao Đức ngày 19/07/2017 đã triệu đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Berlin lên để phản đối việc bắt giữ. Ðức cảnh báo có thể dừng khoản hỗ trợ trị giá ba tỷ euro mà Liên minh châu Âu (EU) cam kết dành cho Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp tràn vào châu Âu.

Trong một diễn biến mới nhất ngày 20/7, ngay sau khi Đức tuyên bố sẽ phong tỏa lô vũ khí chuẩn bị chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đã đưa ra danh sách các cá nhân và tổ chức bị tình nghi ủng hộ khủng bố của Đức, trong đó có cả Tập đoàn sản xuất ô tô Daimler và Công ty hóa học BASF. Các công ty này bị cáo buộc ủng hộ Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người hiện đang sống lưu vong tại Mỹ và bị nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm ngoái.

Việc nhà ngoại giao hàng đầu của Đức Sigmar Gabriel ngày 20/7 công bố một loạt các biện pháp đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vụ bắt giữ một nhà hoạt động nhân quyền người Đức cũng được xem là dấu hiệu cho thấy Berlin sắp hết kiên nhẫn với Ankara.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nhấn mạnh: “Hiện tại tôi không thấy bất kỳ sự sẵn sàng nào từ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về việc sẽ đi chung con đường này với chúng tôi. Đó là lý do vì sao Đức buộc phải có hướng đi mới trong chính sách của chúng tôi về Thổ Nhĩ Kỳ”.

Cũng theo Ngoại trưởng Sigmar Gabriel, Đức sẽ xem xét lại các đảm bảo của nhà nước đối với đầu tư nước ngoài tại Thổ Nhĩ Kỳ và kêu gọi các doanh nhân không đổ tiền vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng việc Đức “dọa” Thổ Nhĩ Kỳ là sẽ hủy các cuộc đàm phán về liên minh thuế quan là không phù hợp với các tiêu chuẩn của các mối quan hệ quốc tế, không phù hợp với một quốc gia “nghiêm túc” như Đức. Vị quan chức này đồng thời nhấn mạnh, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ nên tập trung vào các mục tiêu dài hạn của cả hai bên.

Những tín hiệu lạc quan bước đầu

Trong một nỗ lực nhằm tìm hướng giải quyết những bất đồng kéo dài hơn một năm giữa hai nước, ngày 25/7, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu trong cuộc họp báo với Ủy viên phụ trách mở rộng EU Johannes Hahn, cho biết Ankara đang nỗ lực tìm hướng giải quyết những bất đồng với Berlin, đồng thời hy vọng mối quan hệ căng thẳng hiện nay giữa hai nước sẽ sớm được cải thiện trong một vài ngày tới. 

Trước đó, trong một nỗ lực mới nhất nhằm tìm cách giảm căng thẳng, người phát ngôn Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Tobias Plate thông báo nước này đã chính thức rút đề nghị nhờ Đức hỗ trợ trong việc điều tra gần 700 công ty Đức bị tình nghi hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Đức Thomas de Maiziere vào ngày 24/7, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu khẳng định không có công ty nào của Đức bị Thổ Nhĩ Kỳ điều tra vì nghi ngại hỗ trợ các nhóm khủng bố. Về phần mình, Bộ trưởng Soylu tái khẳng định môi trường đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài tại Thổ Nhĩ Kỳ được đảm bảo an toàn và chính sách này sẽ được duy trì trong tương lai.

Theo giới phân tích, động thái này của Đức và Thổ Nhĩ Kỳ có thể được coi là một dấu hiệu khả quan hiếm hoi trong quan hệ vốn đang trải qua sóng gió thời gian gần đây giữa hai nước. Đồng thời giúp loại bỏ một yếu tố đáng kể gây nên căng thẳng leo thang giữa hai đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này.

Căng thẳng ngoại giao Đức-Thổ Nhĩ Kỳ nếu không sớm được giải quyết ổn thỏa có thể đẩy mối quan hệ giữa quốc gia nằm giữa hai lục địa Á - Âu và EU đến bên bờ vực của sự sụp đổ. Những tín hiệu lạc quan bước đầu của hai nước là bước đi đầu tiên giúp tránh tạo thêm một điểm nóng bất ổn mới trong bối cảnh thế giới còn quá nhiều vấn đề cần chung tay giải quyết.