Cần gói tín dụng đặc thù
Tại Hội thảo “Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp” do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, phối hợp với NHNN tổ chức cuối tuần qua, bà Trịnh Thị Mý - một nông dân xuất sắc ở Quế Võ (Bắc Ninh) cho biết, gia đình bà làm nghề chăn nuôi và đã tiếp cận nguồn vốn của Agribank cách đây gần 10 năm. Hiện cơ sở đã mở rộng đầu tư tới 20 tỷ đồng, tổng diện tích 7 ha và dư nợ ngân hàng tới 2,5 tỷ đồng.
Bà Mý cho biết, tới đây sẽ rộng quy mô chăn nuôi khép kín với 600 con lợn nái và 10.000 con lợn thịt, nhưng khó khăn về nguồn vốn. Bà kiến nghị, việc dùng trang trại thế chấp để vay vốn. “Nghị định 55 đã có cơ chế cho vay tín chấp nhưng chúng tôi chưa tiếp cận được nguồn vốn tín chấp. Chúng tôi đã phải sử dụng 6 bìa đỏ, diện tích 4.200m2 và có cả nhà kiên cố thế chấp mới vay được vốn”- bà Mý nói.
Trong khi đó, ông Lê Quang Thành, TGĐ Cty CP Thức ăn Chăn nuôi Thái Dương cho biết, công ty có 2 nhà máy thức ăn gia súc, có 8.000 con heo nái, có 7 trại giống, liên kết 20 trạm ở các tỉnh để sản xuất và cung cấp giống. Nuôi lợn hiện tại và tương lai vẫn vẫn có thể phát triển, đặc biệt là cung cấp cho thị trường rất lớn là Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo ông Thành, ngành chăn nuôi lợn hiện đang có nhiều điểm yếu, công nghệ thấp, năng suất thấp dẫn tới giá trị thấp… Để có 100 đồng doanh thu của chăn nuôi, người nuôi phải bỏ ra 220 đồng vốn, vì thế ngành chăn nuôi khó cạnh tranh với các nước. Do vậy, Nhà nước cần cần bố trí nguồn lực cho DN đầu tư vào công nghệ; xem xét giảm lãi suất vì hiện còn khá cao.
Ông Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Cty TNHH Ba Huân Hà Nội kiến nghị, cần ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp sạch, sản xuất sạch. Thực tế, nhiều người muốn sản xuất sạch nhưng phải dừng bước, hoặc nhắm mắt làm ngơ vì nguồn vốn đầu tư ngoài tầm với. Bởi, muốn làm bài bản, phải đi từ thiết bị, quy trình, nguồn nguyên liệu... và DN gồng gánh mọi yêu cầu.
Có thể lập “ngân hàng đất”
TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, qua nghiên cứu ở 23 tỉnh thành trên cả nước cho thấy, nông dân sản xuất nhỏ lẻ, trung bình có tới 2,7 hộ trên một mảnh ruộng, trung bình chưa tới 2.000 m2, còn ở miền Tây Nam bộ khoảng 7.000-8.000 m2.
“Mỗi khi mất mùa, nông dân phải ứng trước sổ đỏ đặt vào ngân hàng. Vấn đề ở đây phải có sự chia sẻ, đưa tư duy sản xuất công nghiệp vào nông nghiệp. Nếu chỉ đặt vấn đề yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất, tiêu chí, điều kiện cho vay thì thực ra không minh bạch, công bằng lắm”- ông Kiên nói.
“Các nhà nghiên cứu cần tính để hình thành ra ngân hàng đất. Hiện phần đông ở miền Bắc và miền Tây Nam bộ chỉ còn người già và trẻ con ở khu nông nghiệp. Nên chăng thành lập ngân hàng đất để ngân hàng đất cho các doanh nghiệp thuê lại để sản xuất lớn”- TS Kiên đề xuất.
Ông Kiên cũng lấy ví dụ ở huyện An Lão (Hải Phòng) một DN trồng ớt xuất khẩu, yêu cầu 30 ha trở lên. Sau khi đầu tư họ thuê luôn nông dân với ngày công 100.000 đồng/ngày, thời điểm thu hoạch là 150.000 đồng/ngày, tính ra thu nhập của nông dân 3,8 - 4,5 triệu đồng/tháng.
Như vậy đã đạt được “ly nông bất ly hương”. “Nếu không đưa tư duy sản xuất lớn, sản xuất công nghiệp và sản xuất công nghiệp thì sẽ không thể thành công được tái cơ cấu nông nghiệp”, ông Kiên nói.
Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng vụ Tín dụng (NHNN) cho biết: thời điểm 2010, lãi suất cho vay đến 20%/ năm, nhưng đến nay cho vay đối với “tam nông” ngắn hạn thì dưới 6,5%. Tuy nhiên để đáp ứng như kỳ vọng của DN là 3%/năm thì nguồn lực phải tính. “Nói nguồn vốn dài hơi thì tôi đồng ý, còn về lãi suất thấp, hiện chúng ta theo cơ chế thị trường, thì cũng phải đảm bảo theo cơ chế đó”- ông Đông nói.
Ông Đông cũng cho hay, đối với đất nông nghiệp, sẽ không được tính trong định giá tài sản. Còn tài sản xây trên đất nông nghiệp định giá gặp nhiều khó khăn. “Hiện một số hội nghị, diễn đàn, đề nghị đối với Chính phủ, Quốc hội xử lý vấn đề này, chúng tôi xin ghi nhận, tiếp thu”- ông Đông nói.
Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, tới đây, cơ cấu tín dụng sẽ chuyển đổi để phù hợp với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung. Cùng đó, nguồn tín dụng sẽ không ưu đãi tràn lan, mà tập trung những ngành hàng xuất khẩu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao tạo giá thành thấp, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm…..
Đến hết tháng 9/2016, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc đạt trên 925.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và tăng 13,43% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 18% dư nợ cho vay nền kinh tế.