Bát nháo, phản cảm ở sự kiện
Những năm trở lại đây, Tiktoker, YouTuber trở thành nghề mang tính cạnh tranh cao. Một số TikToker tiết lộ dễ dàng kiếm cả trăm triệu đồng mỗi tháng nhờ những nội dung đăng tải trên mạng xã hội.
TikToker nghiễm nhiên trở thành “người có sức ảnh hưởng” (KOL) và thường xuyên được mời tới các sự kiện giải trí, game show... Làn sóng TikToker đang lấn át các nghệ sĩ thực thụ bởi chiêu trò và sự ồn ào, nhốn nháo.
Phạm Thoại nổi lên từ những video bán hàng trực tuyến trên TikTok với phong cách đanh đá, chua ngoa. Mỗi lần xuất hiện ở thảm đỏ Phạm Thoại thường gây chú ý bởi trang phục làm lố.
Tại một cuộc thi nhan sắc Phạm Thoại diện trang phục màu đỏ đính kèm mô hình viên thuốc sau lưng. Lần khác TikToker này mặc đầm dài màu trắng kem, kèm với đó là một chiếc mũ trùm em bé. Không chỉ khoe trang phục khác người, TikToker này còn diễn tiểu phẩm hài ngay trên thảm đỏ sự kiện.
Tại thảm đỏ một lễ trao giải Vinh Gấu - TikToker có hơn 2 triệu người theo dõi - đã đội mũ bảo hiểm, mặc quần ngắn xuất hiện cùng danh xưng "nghệ sĩ". Khi tham gia buổi giới thiệu phim điện ảnh trước đó, TikToker này xuất hiện cùng chiếc đầu lân, áo quần lòe loẹt từ đầu tới chân.
Đầu năm 2023, ngay sau khi nghệ sĩ cải lương Vũ Linh qua đời, hàng trăm YouTuber, TikToker đổ xô tới nhà riêng, khu vực diễn ra tang lễ để tranh giành chỗ đứng, tất bật "sản xuất nội dung". Nhiều người túc trực sẵn ở khu mộ của ông hoàng cải lương để ghi lại khoảnh khắc các nghệ sĩ tới thăm viếng.
Tại sự kiện công chiếu phim Vô diện sát nhân vào tháng 8/2022, trong số dàn khách mời chiếm quá nửa là các hot TikToker, trong đó có cả những TikToker tai tiếng, không liên quan gì đến điện ảnh.
MC của sự kiện phải lên tiếng cho rằng nhà sản xuất, ban tổ chức chọn số lượng nhiều hơn chất lượng sẽ gây ra sự tổn thương cho các nghệ sĩ thâm niên trong nghề. Chưa kể, nhiều hot TikToker chỉ đến chụp ảnh ở thảm đỏ rồi bỏ về, để trống ghế trong rạp chính rất nhiều.
Phát ngôn sốc óc
Trần Thanh Tâm (sinh năm 2000) được biết đến sau clip thả thính đăng tải trên TikTok với câu nói "Trứng rán cần mỡ, bắp cần bơ. Yêu không cần cớ, cần cậu cơ". Cô cũng là hot TikToker tai tiếng với những phát ngôn gây sốc như: "Thà học ngu mà kiếm ra tiền còn hơn những người thi 25, 30 điểm nhưng mà không kiếm được đồng nào".
Trước những phản ứng gay gắt của cư dân mạng Trần Thanh Tâm đã lên tiếng nhận lỗi, mong muốn được tha thứ và đón nhận trong thời gian tới. Bất chấp tai tiếng, thị phi Trần Thanh Tâm vẫn đăng ký dự thi The Face Vietnam và lọt vào chung kết Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022.
Hot TikToker Lê Thụy từng nhận về nhiều luồng ý kiến trái chiều khi phát ngôn "động chạm" đến cộng đồng những người có giới tính đặc biệt LGBT. Cụ thể, khi một TikToker nói: "Có những câu nói mà tôi cảm giác rằng bây giờ đang trend (xu hướng) như "tôi tự hào khi tôi là LGBT", Lê Thụy liền cảm thán: "LGBT cũng chỉ là LGBT thôi, có gì đâu mà tự hào dữ vậy".
TikToker Nờ Ô Nô khi làm từ thiện lại dùng những lời lẽ không đúng mực. Những câu nói sỗ sàng của thanh niên này khiến dư luận phẫn nộ thời gian dài như: “Bớt nghèo lại đi nha. Không ai giúp hoài đâu”, “Trời ơi phở rẻ vậy mà bà còn không có tiền mua ăn nữa hả”, “Nghèo mà còn chê đồ ăn nữa”, “Số khổ thì nó khổ vậy đó”...
Tháng 2/2023, TikToker Hoàng Hường livestream và có những lời nói xúc phạm đến người dân bán hàng, làm dịch vụ hoa cho du khách thuê chụp ảnh tại dốc Thẩm Mã (Hà Giang), gọi họ là "những kẻ ăn xin". Cô còn nói mèn mén là "cám lợn", "món ăn giải nghiệp" nhận về không ít ý kiến trái chiều và bị cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang xử lý.
Nội dung "bẩn", bất chấp chiêu trò để kiếm tiền
Bên cạnh những nhà sáng tạo nội dung nghiêm túc, nhiều người vì bất chấp lợi nhuận, tăng lượt theo dõi đã sử dụng nhiều chiêu trò. Nguồn thu hấp dẫn khiến một bộ phận TikToker nhận quảng cáo bất chấp và sử dụng những nội dung bẩn để kiếm tiền, tăng tương tác và mức độ phủ sóng của bản thân.
Giữa tháng 5/2022, video với nội dung "chê con trai đi xe số" gây xôn xao trên nền tảng TikTok tại Việt Nam, Phương Nhung (22 tuổi) bỗng trở thành tâm điểm chỉ trích vì sự xuất hiện mở đầu trong video gây tranh cãi đó.
Video mà TikToker Hoàng Minh đăng tải có hình ảnh Phương Nhung đeo khẩu trang trả lời phỏng vấn về người đi xe số với những câu nói miệt thị người khác. Tuy nhiên, Phương Nhung nói âm thanh gốc của cô đã bị cắt và chèn vào một giọng nói lạ khác gây hiểu lầm.
Một số TikToker có tiếng lại tranh cãi khi giới thiệu nhà hàng, món ăn trên mạng xã hội. Họ được gọi là "chiến thần review”, “thánh ăn đâu chê đó”...
Tài khoản TikTok có tên Lee Giang với hơn 1 triệu người theo dõi thường xuyên nhận ý kiến trái chiều khi thực hiện thử thách ăn ớt cay xé lưỡi, ăn ớt với tần suất khác người và ăn cay cấp độ ngày càng mạnh từ nhiều loại ớt cùng một lúc. Chủ tài khoản cũng thường xuyên livestream ăn cay dù nhận về bão dư luận từ cộng đồng mạng nhưng có tới vài ngàn người xem.
Lee Giang cũng đã mở cửa hàng trên ứng dụng này để kinh doanh. Một số đối tượng khác cũng lợi dụng lòng thương người, họ làm những clip “xin ủng hộ mua hàng” vì gia cảnh gặp chuyện khó khăn, người thân bệnh tật để hút khách mua hàng của mình bất chấp việc làm câu view, nhận nhiều phản ứng gay gắt từ người xem.
Những ngày qua TikToker tên Hứa Quốc Anh khiến dư luận phẫn nộ vì đăng clip sai lệch, xuyên tạc thông tin về di tích lịch sử, văn hóa. Video của TikToker này được quay tại đền Angkor Wat - di sản được coi là linh thiêng và mang tính biểu tượng của Campuchia. Nhân vật chính mặc bộ đồ màu hồng - không phải trang phục truyền thống của Campuchia - đi quanh ngôi đền.
Trong video quay tại Angkor Wat Hứa Quốc Anh lồng ghép hình ảnh quốc kỳ và vua Thái Lan cùng giai điệu Hello Thailand (Xin chào Thái Lan). Khi được một khán giả góp ý đền AngKor Wat là của Campuchia nên ghép nhạc nước này vào sẽ phù hợp hơn, Hứa Quốc Anh thẳng thừng đáp lại rằng mình không thích Campuchia.