Tiểu thư con vị đại thần triều Nguyễn và đám cưới trong hầm Đờ Cát

Đám cưới  của họ được tổ chức trong hầm  tướng Đờ Cát ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau này chú rể trở thành trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và qua đời vì chất độc da cam. Còn cô dâu trở thành  đại tá, bác sỹ sản phụ khoa đầu ngành, người đã sang Mỹ nói về những nỗi đau da cam...
Bà Toản và nhà văn Lady Borton trở lại hầm Đờ Cát

Đó là  đám cưới có một không hai mà cho đến bây giờ, 50 năm đã trôi qua, nhiều cựu chiến binh ở độ tuổi cổ lai hy, khi nhớ lại vẫn còn cái cảm giác run rẩy trước vẻ đẹp lãng mạn, đầy chất thơ của nó. Mối tình giữa một nữ cứu thương và vị Đại đoàn phó Đại đoàn 308 đã bừng nở tại lòng chảo Điện Biên, để rồi đám cưới được  tổ chức ngay trong hầm tướng đờ Cát, khi khói lửa bom đạn vẫn chưa kịp tan...

GS- BS Nguyễn Thị Ngọc Toản, dường như không quên bất cứ một chi tiết nào về ngày hôn lễ của mình, nhưng đó cũng chỉ là một khoảng khắc trong gia tài ký ức giàu có mà bà đã “hé lộ” cho tôi nghe buổi chiều hôm ấy...

Để đi đến đám cưới đặc biệt đó, nữ sinh Đồng Khánh Nguyễn Thị Ngọc Toản và thầy giáo Cao Văn Khánh đã trải qua bao gian nguy khi cả hai cùng “xếp bút nghiên lên đàng”. 

Nữ sinh Ngọc Toản lúc ấy là một tiểu thư khuê các, xinh đẹp có tiếng, con gái thượng thư Tôn Thất Đàn, một gia đình trâm anh thế phiệt. Ngọc Toản hồi đó chỉ biết tiếng thầy Khánh và thầy Hữu Ngọc vì cả hai thầy tuy dạy trường tư nhưng dạy giỏi nên vẫn được trường Quốc học và Đồng Khánh mời chấm thi.

Khi cách mạng bùng lên, cả thầy Khánh lẫn nữ sinh Ngọc Toản đều đi theo  tiếng gọi của tổ quốc. Thầy Khánh làm ở Ban chấp hành giải phóng quân, còn nữ sinh Ngọc Toản tham gia cứu thương.

Họ chưa một lần gặp mặt và có vẻ  “vô duyên” khi thầy Khánh lúc đó được điều vào khu 5 , còn cô tiểu thư con của  đại thần Tôn Thất Đàn, vì những hoạt động chống đối đã bị thực dân Pháp trục xuất khỏi Huế, năm 1949 đã theo anh rể là bác sỹ  Đặng Văn Ngữ lên Việt Bắc học trường Đại học Y khoa.

Cũng năm đó, Cao Văn Khánh được điều động ra Việt Bắc giữ chức Đại đoàn phó Đại đoàn 308. Một lần, Đại đoàn phó Cao Văn Khánh đến thăm trường Đại học Y và nói chuyện với các sinh viên. Không hề biết đó là thầy Khánh ngày nào ở Huế , nhưng trái tim Ngọc Toản đã rung động xôn xao trước  chàng trai xứ Huế hào hoa. Sau buổi nói chuyện, Đại đoàn phó Cao Văn Khánh đã đến bắt tay chào người con gái đồng hương rồi ra về...

Bà cười rạng ngời như thể trở về cái tuổi 20 trong cái ngày duyên kỳ ngộ đó: “Sau này tôi mới biết anh Vương Thừa Vũ- đại đoàn trưởng của anh Khánh, Lê Quang Đạo, Cục trưởng Cục quân huấn và GS Tôn Thất Tùng – thầy của chúng tôi  đã sắp đặt “kịch bản” đó để anh Khánh có cơ hội gặp tôi”.

Hai vợ chồng trong ngày cưới

Tình yêu đã chớm nở ngay sau lần gặp đầu tiên , như ngọn lửa vừa được nhen lên, theo ngày tháng mà nồng đượm. Bà hồi tưởng lại: “Hồi đó chúng tôi yêu nhau lặng lẽ, kín đáo lắm, chứ không mạnh bạo như lớp trẻ bây giờ. Cuối năm 1953, khi Bộ Tổng tư lệnh điều động Đại  đoàn 308 lên Tây Bắc chuẩn bị mở chiến dịch Điện Biên Phủ, trước khi hành quân anh Khánh lên gặp tôi ở Chiêm Hoá, Tuyên Quang.

Lúc chia tay, chúng tôi cùng hẹn đến ngày chiến thắng  sẽ làm hôn lễ tại gia đình. Sau đó, tôi cũng ra mặt trận phục vụ chiến đấu ở đội điều trị 2 Cục quân y, đặt sâu trong rừng Tuần Giáo. Chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, chứng kiến anh em thương binh về giải phẫu ngày càng nhiều, lòng tôi thắt lại. Trong nỗi lo chung, có nỗi lo riêng về anh Khánh, song biết làm sao!”

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, nữ cứu thương Ngọc Toản xách túi xách 5 giờ chiều đi bộ một mạch suốt đêm từ Tuần Giáo, gần sáng thì đến Mường Thanh tìm gặp người yêu. Đập vào mắt cô là cảnh đổ nát hoang tàn của tập đoàn cứ điểm.

Giữa khói lửa còn vương, hai người gặp nhau. Nghẹn ngào không nói nên lời, chỉ kịp thốt lên hai từ “Anh! Em” rồi tự nhiên lại trào nước mắt. Định nói với nhau bao điều, chưa kịp nói thì Đại đoàn phó Cao Văn Khánh đã được giao nhiệm vụ ở lại tiếp quản trận địa Mường Thanh, trao trả tù binh.

Lúc đó, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Trần Lương đã “đọc” được tâm sự của hai người: “Chúng tôi biết anh chị yêu nhau đã lâu  rồi, song vì chinh chiến liên miên, chưa có điều kiện tính chuyện trăm năm. Hiếm có dịp anh chị gặp nhau như thế này, hay là làm hôn lễ tại đây, chúng tôi sẽ đứng ra làm chủ hôn cho?”

“Được lời như cởi tấm lòng”, đám cưới của đôi trai tài gái sắc ấy đã diễn ra ngay trong hầm tướng Đờ Cát, giữa trận địa Mường Thanh, nơi mà  mới hôm qua còn là một biển lửa chết chóc. Đám cưới kỳ diệu đó dường như đã vượt ra khỏi trí tưởng tượng của những nhà tiểu thuyết.

Căn hầm dưới lòng đất của bại tướng Đờ Cát trở nên rực rỡ, bồng bềnh bởi  những chiếc dù chiến lợi phẩm đủ màu sắc. Bàn ghế được phủ dù hoa đủ cho 40 –50 khách mời. Phía trước căng một tấm dù đỏ, đính dòng chữ trắng cắt bằng giấy bản đồ rách địch bỏ lại: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ –22- 5-1954” .

Nhưng tiệc trà đãi khách sang như một đám cưới ở châu Âu: rượu Champagne, có cả mấy chai Napoléon từ  Paris, thuốc lá thơm, toàn những chiến lợi phẩm cao cấp Pháp thả dù cho Bộ Tham mưu của Đờ Cát bay lạc vào trận địa của ta.Từ hầm Đờ Cát bước ra, hai người không lên xe hoa mà lên xe tăng của Pháp bên cầu Mường Thanh theo “kịch bản” của phóng viên báo Quân đội nhân dân để chụp ảnh kỷ niệm...

Tấm ảnh đen trắng chụp cảnh hai vợ chồng ngồi trên tháp pháo xe tăng trong ngày cưới được treo trang trọng ở nhà bà, vết thời gian 51 năm đã làm cho úa nhoè đôi chỗ nhưng vẫn ngời lên gương mặt phơi phới của đôi uyên ương, giữa bầu trời Điện Biên lồng lộng, giữa chiến trường Điện Biên còn vương máu.

Ba bức di ảnh trên bàn thờ – một mái đầu bạc trắng

Bà Toản bên di ảnh chồng và 2 con

Tôi chợt lặng đi một lúc khi nhìn thấy một bức ảnh khác, được đặt trên bàn thờ. ảnh chồng bà, trung tướng Cao Văn Khánh mất  ở tuổi 63, khi đang là Phó Tổng tham mưu trưởng. Trong kháng chiến chống Mỹ, trung tướng Cao Văn Khánh đã có mặt trên khắp chiến trường từ Đường 9, Khe Sanh, Trị Thiên, Tây Nguyên, Hạ Lào...

Những chiến trường ác liệt đến mức khi chiến thắng, ông trở về lành lặn, bà cứ tưởng như trong mơ. Lo cho sức khỏe của chồng sau khi đã dầm trong mưa bom bão đạn, “nếm” đủ thứ vũ khí của Mỹ nguỵ, bà đưa ông đến GS Tôn Thất Tùng khám. Vị  giáo sư nổi tiếng của ngành Y khẳng định ông hoàn toàn khoẻ mạnh. 

Nhưng một thời gian sau, trung tướng Cao Văn Khánh đột ngột bị ung thư gan kịch phát và qua đời. Lúc bấy giờ, cả giáo sư Tôn Thất Tùng lẫn bà mới ngờ ngợ nhận ra thủ phạm gây nên cái chết của tướng Khánh chính là chất độc da cam do Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam.

Tôi chợt nhớ trong một lần trò chuyện thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự kể rằng chuyến hành quân qua huyện A Lưới – Thừa Thiên Huế lần ấy có 5 người gồm cả  ông và trung tướng Cao Văn Khánh. Đi trên đường thấy hai bên cây trụi hết lá, và những hạt bụi mỏng như hơi nước rơi xuống.

Mấy chục năm sau, 4 người trong cuộc hành quân ấy đều chết vì ung thư gan, còn thiếu tướng Nguyễn Đôn Tự sinh  một người con gái bị di chứng chất độc da cam, đã hai mấy tuổi đầu nhưng suốt ngày chỉ xé giấy vứt khắp nhà...

“Chồng tôi “ăn đủ” chất độc da cam” -  có gì đó thật chua xót trong giọng nói của bà. Bà day dứt một nỗi mặc dù đã nhận diện chất độc da cam từ khi chưa mấy ai biết tác hại của loại hoá chất này, nhưng lúc ấy còn ngờ ngợ nên chưa thể “vạch mặt chỉ tên”.  Ấy là năm 1967, hơn 1000  nữ dân quân xung phong làm đường Trường Sơn bỗng dưng mất đi một số đặc điểm sinh lý của nữ giới.

Tướng Đinh Đức Thiện lúc ấy yêu cầu cử chuyên gia y tế vào xem xét hiện tượng bất thường này. Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Toản được cử vào. Sau khi xem xét các yếu tố như chị em hầu hết đều khai tăng tuổi để đi dân công, chiến trường ác liệt, lao động nặng nhọc, ăn uống kham khổ, bác sỹ Toản cho rằng những nguyên nhân đó dẫn tới hiện tượng trên chứ chưa thể kết luận gì về  hậu quả của chất độc da cam mà Mỹ đã rải như mưa xuống Trường Sơn.

Thế rồi, những năm đầu tiên của thập kỷ 80, khi chiến tranh vừa kết thúc, bác sỹ sản phụ khoa Nguyễn Thị Ngọc Toản, bắt đầu phải chứng kiến nhiều ca sinh ra quái thai. Tại bệnh viện quân y Ninh Bình, một số chị em dân công ngày nào, không sinh được con, thai bị chết lưu. 

Những điều mà giáo sư Tôn Thất Tùng lẫn cô học trò Ngọc Toản, từ thập kỷ 70 đã ngờ ngợ về tác hại ghê gớm của chất độc da cam thì nay không còn hồ nghi nữa mà trở thành sự thật phũ phàng thời hậu chiến. Trớ trêu thay, nó lại xẩy ra ngay trong gia đình  bác sỹ  Ngọc Toản...

Đôi mắt nhăn nheo rưng rưng của bà nhìn mãi tấm ảnh một người thanh niên ở trên bàn thờ. Con trai bà. Anh đã mất ở tuổi mới ngoài 30 vì một căn bệnh giống hệt bố: Ung thư gan.

Người con trai biết mẹ thường trực nỗi sợ, chất độc da cam sẽ “vận” vào mình nên mặc dù ung thư gan đã sắp vào giai đoạn cuối, nhưng vẫn cắn răn chịu đau bảo rằng: “Con bị đau dạ dày thôi”.

Anh ra đi chóng vánh  khi chất da cam “mượn” căn bệnh ung thư phá huỷ hoàn toàn lá gan. Chếch phía bên kia bàn thờ, là bức ảnh đen trắng của người con trai khác đã hy sinh trong chiến tranh...

Ba di ảnh trên bàn thờ tưởng như sẽ làm cho người phụ nữ ấy không thể gượng dậy, nỗi đau “hợp sức” với thời gian nhuộm tóc bà bạc trắng. Sau những chuyện buồn, bà đã đi một chuyến thật dài từ Bắc vào Nam, lên Tây Bắc thăm lại chiến trường Điện Biên, thăm nhà tù Sơn La, đến  Trường Sơn, ra Côn Đảo...Những địa danh một thời  máu lửa, một thời địa ngục trần ai đã làm bà ngộ ra một điều: vẫn còn nhiều người khổ hơn mình... 

Sang Mỹ nói về nỗi đau da cam

Nhẹ nhõm hơn để sống  tuổi xế chiều, bà thực sự  bước vào con đường đấu tranh cho nạn nhân chất độc da cam. Hiện nay, GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Toản đang là Uỷ viên thường vụ của Hội nạn nhân chất độc da cam – một tổ chức mà bà là một trong những người đầu tiên vận động để thành lập.

Với uy tín khoa học của mình, bà được mời sang Mỹ, Pháp và có rất nhiều buổi nói chuyện trên đất nước cách đây hơn 30 năm  đã rải xuống Việt Nam thứ chất độc khủng khiếp. Bà nói về nỗi đau của những người đàn ông, phụ nữ nhiễm độc hoá học, trở về sau cuộc chiến, phải đối mặt với bệnh tật đói nghèo và những đứa con  quái thai...

Bà nói về nỗi đau của chính mình, người đã mất chồng, mất con vì chất độc quái ác đó. Nỗi đau của một GS-BS chủ nhiệm đầu ngành sản phụ khoa, Phó chủ tịch Hội phụ sản Việt Nam, đã viết trên 20 đầu sách về sức khoẻ sinh sản, người  làm việc với mong muốn chăm bẵm, bảo vệ những đứa trẻ chào đời được khoẻ mạnh, nhưng lại phải chứng kiến quá nhiều hài nhi dị dạng, nhiều đứa trẻ bị tước mất quyền sống khi mới chào đời. 

Bà nói, chính Bác Hồ, trước khi mất 7 ngày đã viết thư lên án Tổng thống Mỹ Nixơn dùng chiến tranh hoá học huỷ diệt nòi giống và môi trường Việt Nam. Bạn thân của bà, nhà văn Mỹ Lady Borton, đã tìm được bức thư ấy, trong đó có những đoạn tự tay Bác Hồ chữa bằng mực đỏ. Những buổi nói chuyện của bà, luôn bao trùm không khí im lặng, nhiều người Mỹ đã khóc...

Bà cũng đã khóc, khi đến Bộ LĐ TBXH đề nghị công nhận những người lính nhiễm chất độc da cam là thương binh, một quan chức đã nói: “Thương binh thì phải có vết thương chứ!”. Nhưng tôi biết bà sẽ không bao giờ nản lòng trong cuộc chiến với chất độc da cam của mình.