Cuối tháng 7-2011, Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) và một số cơ quan chức năng tỉnh Bình Định tịch thu một lô hàng, trong đó có 102 cá thể rùa biển được vận chuyển theo hướng nam - bắc trên địa phận thị trấn Tuy Phước. Những cá thể này có kích thước khá lớn (với chiều dài mai từ 0,38m cho tới 0,85m) và đều đã chết. Chúng được bảo quản đông lạnh tại Chi cục QLTT từ đó đến nay.
Tuy nhiên, việc xử lý số rùa biển ấy thế nào, đến nay, vẫn chưa rõ ràng. Nhiều cá nhân và tổ chức bảo tồn rùa biển ở VN muốn biết hướng xử lý chúng đều gặp khó khăn khi tiếp cận với địa phương. Nhiều ngày qua, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) liên tục liên hệ với các cơ quan chức năng Bình Định.
Tuy nhiên, “nhiều nơi tỏ ra thiếu thiện chí và từ chối trao đổi về vụ việc, đặc biệt là vấn đề xử lý đối với số tang vật trên với lý do đây là vụ việc nhạy cảm”, ông Trần Việt Hưng, Giám đốc Truyền thông ENV, nói.
Ông Lê Hữu Tuấn Anh ở Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản, Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn, cũng quan tâm đến vụ việc và “chưa biết địa phương sẽ xử lý thế nào”. PGS.TS Phạm Bình Quyền, Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, ngạc nhiên khi nghe bảo thông tin xử lý hơn 100 con rùa biển đã chết là “nhạy cảm”.
“Không rõ có gì uẩn khúc hay không đằng sau vụ việc nhưng có sự nhạy cảm nhỡn tiền là hơn 100 con rùa biển bị tịch thu khiến tôi nghĩ ngay đến đa dạng sinh học ở các vùng biển nước ta đang bị đe dọa”, PGS.TS Phạm Bình Quyền nói.
Ông Hoàng Văn Hà, điều phối viên Chương trình Bảo tồn Rùa Việt Nam, cho hay rùa biển là một trong những sinh vật chỉ thị điển hình về đa dạng sinh học ở biển Việt Nam, nơi có thể tìm thấy năm trong số bảy loài rùa biển của thế giới. “Chúng là biểu thị mức độ trong lành cho vùng biển”, ông Hà nói. “Tất cả các loài rùa biển ở VN đều đang bị đe dọa tuyệt chủng”.
Bán tăng thu ngân sách, hay…
Điều khiến các nhà bảo tồn lo ngại hơn cả là số rùa biển trên được đem bán đấu giá thay vì áp dụng các hình thức khác như tiêu hủy hay chuyển vào bảo tàng, chuyển cho các cơ quan khoa học nghiên cứu thuần túy.
Đến thời điểm này, số rùa biển ấy thuộc loài nào, không ai biết ngoài các quan chức. Theo ông Nguyễn Văn Hóa, Chi cục Trưởng Chi cục QLTT Tỉnh Bình Định, toàn bộ số rùa biển trên là đồi mồi. Mà đồi mồi lại thuộc “một trong năm loài rùa biển có nguy cơ tuyệt chủng rất cao của Việt Nam”, theo bà Nguyễn Vân Anh, Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học, Bộ Tài nguyên&Môi trường.
Đồi mồi nói riêng và các loài rùa biển của Việt Nam nói chung có giá trị kinh tế cao, có thể mang lại lợi nhuận lớn cho các đối tượng săn bắt, buôn bán. Chính vì vậy, khá nhiều quan điểm từ các cơ quan chức năng, từ chính những người làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, cho rằng những tang vật kiểu thế này nên được bán đấu giá để tăng ngân sách nhà nước hay để “bù chi phí của việc bắt giữ”.
Bán đấu giá như thế có phạm luật hay không? Theo ông Hoàng Văn Hà, cả năm loại rùa biển VN đều thuộc Phụ lục I của Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài Động vật Thực vật Hoang dã Nguy cấp (CITES), theo đó, chúng bị cấm nhập, xuất, hay tái xuất khẩu nhập nội từ biển. Nghị định 82/2006/NĐ-CP của Việt Nam cũng nêu quy định đó. Nhưng bán đấu giá chúng ở trong nước mà không xuất đi nước khác thì dường như chưa văn bản nào không cho phép.
“Cuộc chiến chống bán đấu giá hơn 100 con rùa biển, vì thế, là cuộc chiến về đạo lý nhiều hơn là pháp lý”, PGS.TS Phạm Bình Quyền nói. “Vấn đề nhạy cảm là ở chỗ các cơ quan quản lý có quyền xử lý theo pháp luật hiện hành và không theo đạo lý vì họ chỉ hoạt động tuân theo luật pháp”.
Dù thế, ông Lê Hữu Tuấn Anh cho rằng vẫn nên tiêu hủy: “Cá nhân tôi vẫn muốn thấy Bình Định tiến hành tiêu hủy hoặc xử lý theo hướng phi thương mại số tang vật này, để thể hiện sự kiên quyết, không khoan nhượng đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã”.