Tiết lộ của nhà văn viết về nhà tình báo huyền thoại Mười Hương

TP - Nhà hoạt động tình báo nổi tiếng Mười Hương vừa qua đời. Những công việc rất bí ẩn của ông từng được nhà báo nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải giới thiệu trong cuốn sách: “Trần Quốc Hương – Người chỉ huy tình báo”. Những ngày vừa qua, nhiều tờ báo đã trích in lại các chương trong cuốn sách này.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và ông Mười Hương Ảnh: TTXVN

Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải về quá trình viết cuốn sách và những kỷ niệm với ông Mười Hương. 

P.V: Cuốn sách “Trần Quốc Hương - Người chỉ huy tình báo” là một trong số hiếm hoi tác phẩm viết về Mười Hương ngay lúc ông còn sống. Vậy xin nhà văn chia sẻ về việc tiếp cận và viết về Mười Hương diễn ra như thế nào?

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải: Khi tôi xin viết về ông, Trần Quốc Hương lúc đó đã yếu sau một cơn bệnh. Ông nói như có ý mong thông cảm chứ không phải ông khó khăn gì với tôi. Ông nói với tôi: “Tôi rất băn khoăn vì viết kiểu gì rồi cũng như hồi ký. Nói lại thì cái hay, cái được dễ nhớ mà cái dở, cái mất thì không nhớ”.

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải

Rồi ông Mười Hương nói như tâm sự: Tôi thích Phu xích (tác giả cuốn sách nổi tiếng “Viết dưới giá treo cổ”). Ông là nhà lãnh đạo viết tác phẩm lớn ngay trong ngục. Thậm chí tôi thích hơn cả  Giu cốp, dù tôi cũng mê Giu cốp lắm (Nguyên soái Liên Xô, tác giả hồi ký “Nhớ lại và suy nghĩ"). Nhưng hình như Giu cốp không nói đến sai lầm khuyết điểm. Tôi không tin chỉ đạo cuộc chiến tranh lớn đến thế lại không có sai lầm, thất bại nào. Có những anh đi đâu thắng đó, nhưng thực tế không thể không có trục trặc”.

Rồi ông bảo, thích bàn luận trao đổi, chứ “cán bộ như tôi đã nói hết kinh nghiệm chuyên môn cho ngành ghi lại rồi, không có gì để nói thêm nữa”.

P.V: Quá trình tìm hiểu tư liệu, viết cuốn sách, bà đánh giá như thế nào về nhà lãnh đạo tình báo Trần Quốc Hương, người đã xây dựng nên các nhân vật tình báo huyền thoại của Việt Nam?

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải: Đánh giá vai trò của ông Trần Quốc Hương trong xây dựng các nhân vật tình báo huyền thoại của Việt nam như Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn…có lẽ quá sức với vai trò của một nhà báo như tôi.

Tôi vốn không mạnh về cách viết phân tích lý tính, gay cấn giật gân đáng lẽ phải có trong nghề tình báo. Tôi thích thể hiện tính cách và tâm hồn đặc biệt của họ hơn. Tôi luôn nghĩ - các chi tiết đời sống của họ, tâm hồn và tính cách họ sẽ nói lên lý do của các thành công.

Khi tôi hỏi về vai trò chỉ huy của các nhà tình báo, ông bảo: “Chỉ huy là Trung ương Đảng,  là lực lượng cách mạng, tôi là người được giao lại các đầu mối. Cái chính của tôi là cái anh… chỉ trỏ, chỉ tay năm ngón thôi. Còn các anh ấy giỏi nên lập được nhiều chiến công lớn, vô cùng quan trọng cho cách mạng”.

Tôi đã cố tìm ra xem ông đã “chỉ trỏ” thế nào, đó chính là tầm nhìn của chỉ huy, vạch ra con đường đúng.

PV: Ông Mười Hương đã chỉ trỏ cho các nhà tình báo tài ba như thế nào?

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải: Trường hợp “điệp viên giữa sa mạc lửa” Lê Hữu Thúy - vào được lực lượng Hòa Hảo. Khi có vụ lộn xộn giữa các giáo phái, ông Mười Hương đã khuyên ông nên vào với Bình Xuyên và đã được thủ lĩnh Bảy Viễn tin dùng.

Với Vũ Ngọc Nhạ (người do chính ông Mười Hương tìm ra lúc đang ở Thị ủy Thái Bình -để gài vào Nam theo dòng người di cư), ông Mười Hương biết được quan hệ các giáo phái nên đã bàn bạc phải tận dụng  làm cầu nối giữa họ Ngô với cha Lê Hữu Từ…

Cuốn sách viết về nhà lãnh đạo tình báo Mười Hương của nhà văn Nguyễn Thị 
Ngọc Hải

Với Phạm Xuân Ẩn - nhà tình báo tài năng, “điệp viên hoàn hảo” thì điểm chính yếu thành công của chỉ huy Mười Hương là cách nhìn nhận đánh giá được sự xuất sắc của Phạm Xuân Ẩn. Ông nói: Tôi nghĩ Ẩn phải đi học báo chí tại Mỹ, về viết báo Mỹ hẳn hoi chứ không phải chỉ về làm báo lá cải Việt Nam kiểu “Tiếng chuông”.

Ông Mười Hương nói rằng: “Phạm Xuân Ẩn phải hiểu văn hóa Mỹ, con người Mỹ để có thể nghĩ và viết như người Mỹ. Cho nên suốt cuộc đời của Ẩn sau này, cách ứng xử của anh ấy tôi ưng lắm. Kết hợp văn minh hiểu biết với nhân văn, văn hóa Việt Nam mới ra được con người như Phạm Xuân Ẩn”.

PV: Qua gặp gỡ, phỏng vấn, viết sách, nhà văn nghĩ thế nào về tính cách, cá tính của ông Mười Hương? Điều gì giúp ông thành công như vậy?

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải: Những thành công của ông Mười Hương là do sự trui rèn của cuộc cách mạng, lòng yêu nước và một con người có phẩm chất đặc biệt của một gia đình nhân văn và chí khí.

Về truyền thống gia đình, ông có một người cha  đặc biệt - dù không tin ai đánh được “thằng Tây” nhưng cha ông lại sẵn sàng hành động, từng chèo thuyền  đưa cụ Phan Bội Châu đi gặp các lãnh tụ trong vùng.

Ông Mười Hương có một người mẹ tần tảo và thương con. Bà mẹ thuộc nhiều ca dao, tục ngữ.

PV: Lớp trẻ ngày nay có thể học hỏi được gì từ Mười Hương, một người thầy của những nhà tình báo bậc thầy?

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải: Thanh niên ngày nay học gì ở cuộc đời ông Mười Hương ư? Tìm hiểu về ông để hiểu có cả một “Thế hệ cộng sản vàng”  hy sinh như thế nào cho nước nhà độc lập. Mình có điều kiện tốt, phải cố gắng vươn lên giúp đất nước và sống cuộc sống có
ý nghĩa.

PV: Cuốn sách  “Trần Quốc Hương - Người chỉ huy tình báo” ra đời như thế nào? Ông Mười Hương có nhận xét gì không?

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải: Ngày ấy in cuốn sách cũng bình thường như các cuốn sách khác thôi, có điều là người đọc nhiều hơn, có hiệu ứng tốt.

Khi tôi đưa sách đến biếu, ông cũng trân trọng nhưng bình thản. Là bởi ông đã đọc nó từ trong bản thảo tôi đưa.

Tôi có một may mắn là, tất cả những nhân vật và nhà tình báo lớn mà tôi viết như Đại tướng Mai Chí Thọ, Phạm Xuân Ẩn, Trần Quốc Hương, Hoàng Đạo…họ đều đọc bản thảo viết tay của tôi, sách ra lúc họ còn sống. Một đặc điểm chung là họ đều là trí thức lớn nhưng luôn tôn trọng phong cách của người viết, chỉ sửa những lỗi viết sai thôi.

P.V: Xin cám ơn nhà báo nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải!

Ông Trần Quốc Hương (Mười Hương), nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương đã từ trần sáng ngày 11/6 tại TPHCM ở tuổi 96.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Trần Quốc Hương là cấp trên trực tiếp của những nhà tình báo huyền thoại như: Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa: IV, V, VI; Bí thư Trung ương Đảng khóa VI.

Ông đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.