Sống một mình vẫn quyết mua nhà Hà Nội
Tống Thu Thủy (SN 1990, quê Thanh Hóa) nảy ra ý tưởng mua nhà một cách rất tình cờ trong lần đi mua sắm cùng hai đồng nghiệp nữ.
Chia sẻ với PV Dân trí, cô cho biết, năm 2018, cô làm nhân viên của một công ty truyền thông. Dù luôn ao ước có một căn nhà Hà Nội nhưng cô luôn nghĩ, với đồng lương không quá cao, không biết khi nào cô mới có được một căn nhà mơ ước.
Một lần đi mua sắm cùng hai đồng nghiệp nữ, biết tiền thuê trọ một tháng của cô tốn tới 2,5 triệu đồng, một người gợi ý: "Hay em cứ liều mua nhà đi, đỡ phải ở thuê chật chội. Không đủ tiền thì vay ngân hàng. Hai triệu đồng tiền thuê nhà kia dành để trả lãi. Nhà chung cư có nhiều phân khúc, chịu khó tìm thì cũng được một căn "vừa miếng".
Sau hôm ấy, Thủy bắt đầu tìm hiểu về các dự án chung cư trên địa bàn Hà Nội. Tiêu chí đầu tiên mà cô đề ra là giá của căn hộ phù hợp với số tiền cô tiết kiệm được và thu nhập hiện tại.
"Tôi nhớ lúc đó mình có khoảng 350 triệu đồng nhưng tiền không "quy về một mối" mà cho vay rải rác mỗi người một ít. Thời điểm đó, thu nhập nhờ làm truyền thông và viết bài cộng tác với các đơn vị của tôi trung bình mỗi tháng khoảng 15-18 triệu đồng", Thu Thủy chia sẻ.
Những ngày đầu, Thu Thủy được người anh họ giới thiệu tới một dự án thuộc quận Hà Đông, khá xa nội thành.
Cô kể: "Giá một căn hộ ở đó khá phải chăng. Với số tiền khoảng 700 triệu đồng có thể mua được căn hộ rộng 69m2 có 2 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh và được ngân hàng hỗ trợ cho vay 20 năm với lãi suất khoảng 10%. Tuy nhiên, khi xem một số căn mẫu ở đây, tôi cảm thấy thiết kế không phù hợp với mong muốn nên đã không mua".
Thu Thủy sau đó chuyển sang tìm hiểu thêm một dự án ở đường Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Song vì nhận thấy đoạn đường này có mật độ giao thông đông đúc, nhiều xe to và hay xảy ra tai nạn giao thông nên Thủy đã loại dự án khỏi danh sách mà mình quan tâm.
"Thực sự tìm nhà phân khúc dưới 1 tỷ đồng thời điểm đó khá khó. Đa phần đều là những khu ở xa trung tâm, đi làm ở nội đô di chuyển sẽ rất mất thời gian. Các căn hộ thiết kế cũng không được đẹp, rất ít tiện ích xung quanh", Thu Thủy cho hay.
Bẵng đi một thời gian, Thủy được người chị họ gửi cho thông tin về dự án nhà ở xã hội thuộc phường Phú Lãm (quận Hà Đông). Dự án này theo giới thiệu có bể bơi bốn mùa, phòng tập gym, yoga, quán cà phê, trường mầm non xung quanh...
Thấy có hy vọng, Thu Thủy bắt tay vào tìm hiểu dự án và các vấn đề liên quan đến pháp lý. Cô cũng liên hệ với nhân viên của dự án để được tư vấn kỹ hơn. Khi tới xem căn hộ mẫu, Thủy còn cẩn thận nhờ người bạn làm kiến trúc sư đi cùng để đưa ra quyết định chính xác nhất.
Sau khi xem xét kỹ lưỡng, Thu Thủy lựa chọn căn hộ có diện tích thông thủy 56m2, gồm 2 phòng ngủ và 2 nhà vệ sinh. Thời điểm đó, căn hộ này có giá 798 triệu đồng chưa bao gồm phí bảo trì, "hoa hồng" cho môi giới.
Cô gái cho biết, cô quyết định mua nhà rất nhanh, khoảng một tuần là chốt căn hộ và bắt đầu đóng tiền cọc. Do căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội nên việc chuẩn bị giấy tờ, hồ sơ tốn khá nhiều thời gian.
Chia sẻ về phương án tài chính khi mua nhà Hà Nội, Thu Thủy cho hay, vì đã có trong tay 350 triệu đồng nên cô vay ngân hàng 500 triệu đồng, 120 triệu đồng còn lại cô vay anh em, bạn bè mỗi người một ít để không phải trả lãi. Ngoài tiền mua nhà, cô vay dư một ít để làm nội thất, mua các đồ gia dụng cần thiết.
"Tôi chọn gói vay 500 triệu đồng với lãi suất 8,9% thời điểm năm 2018. Gói vay trong vòng 20 năm, mỗi tháng trả một phần gốc và lãi khoảng, tổng 5,8 triệu đồng.
Ban đầu tôi cũng khá đắn đo vì sợ tương lai công việc không ổn định sẽ không đủ sức trả nợ. Tuy nhiên, vì nghĩ bản thân thuê nhà bao năm qua đã mất chi phí gần với mức trả lãi ngân hàng nên tôi quyết định "liều một phen", cô gái chia sẻ.
Để vay được ngân hàng, Thủy phải chứng minh tài chính, công việc. Theo "luật bất thành văn", cô cũng phải mua một gói bảo hiểm nhân thọ liên kết với ngân hàng. Gói bảo hiểm này 10 năm, mỗi năm, người vay phải đóng 10 triệu đồng.
"Vì là dự án nhà ở xã hội nên chúng tôi chỉ được phép vay vốn ở một ngân hàng đã được chủ đầu tư chỉ định sẵn, kèm theo đó là bảo hiểm nhân thọ. Bấy giờ người ta vẫn nói vui là "bia kèm lạc", Thu Thủy nhớ lại.
Khi bàn giao, căn hộ cô chọn đã có một số nội thất cơ bản như bồn cầu, lavabo, vòi tắm, trần thạch cao, quạt hút mùi, hệ thống đường điện chờ… Trước khi vào ở, cô đã thuê người làm nội thất cho căn nhà từ tủ bếp, sàn gỗ, kệ ti vi, sofa, bàn ăn, tủ quần áo, giường ngủ…
Tổng số tiền làm nội thất khoảng 100 triệu đồng. Đến ngày 1/7/2018, Thu Thủy chính thức được ở trong ngôi nhà mang tên chủ sở hữu là mình.
Cắt giảm các khoản tiền hoang phí, làm việc gấp đôi
Sở hữu một căn nhà Hà Nội ở tuổi 28 với Thu Thủy là cả một sự cố gắng và quyết tâm thay đổi. Thay đổi trước tiên vẫn là thói quen chi tiêu.
Thủy cho biết, trước khi mua nhà, cô sống khá thoải mái, thường xuyên mua sắm, gặp gỡ bạn bè ăn uống, mua trà sữa, đi xem phim, sử dụng các dịch vụ chăm sóc bản thân. Đặc biệt do tính chất công việc, cô có sở thích ngồi ở quán cà phê (1-2 lần mỗi ngày) để viết bài.
Sau khi mua nhà, cô cắt giảm mọi khoản tiền hoang phí, tập trung trả nợ. Cô ăn sáng đơn giản hơn với gói xôi, ngô, mì tôm thay vì bún, phở... Cô cũng không ngồi quán cà phê nhiều như trước đây nữa.
Thủy tự đề ra bảng chi tiêu "5 không" gồm: Không cà phê, trà sữa; không mua sắm quần áo mới; không đi spa, gội đầu, làm móng; không (hạn chế) tụ tập, đi xem phim; không đi du lịch.
Thủy kể chi tiết: "Như đã nói với thu nhập khoảng 18 triệu đồng/tháng, chưa kể thu nhập vãng lai có tháng được 20 triệu đồng, tôi dành 6 triệu đồng trả nợ mua nhà; 1 triệu đồng tiền điện nước, phí dịch vụ, mạng internet; 2 triệu đồng cho các nhu cầu thiết yếu như nước giặt, xà bông, kem đánh răng, điện thoại, xăng xe… 2 triệu đồng tiền ăn. Còn lại tôi gửi tiết kiệm online để khi nào được một khoản thì đem trả người thân, bạn bè".
Tại Hà Nội, việc một cặp vợ chồng mua nhà đã khó nhưng với Thu Thủy, khi ấy, cô chỉ có một mình. Một số bạn bè cho rằng cô quá mạo hiểm. Thậm chí, mẹ của cô không ủng hộ Thủy mua nhà vì sợ con gái vất vả.
Bỏ ngoài tai những lời khuyên, cô vẫn tin vào quyết định của mình. Để trả nợ nhanh hơn, Thủy nhận viết bài cho một số công ty, đầu báo để có thêm thu nhập. Thời gian làm việc mỗi ngày tăng gấp đôi, gấp rưỡi so với trước đó.
Sau khoảng 10 tháng kể từ khi nhận nhà, cô vừa trả lãi được ngân hàng hàng tháng vừa tiết kiệm đủ 120 triệu đồng để trả cho anh em, bạn bè. Thời điểm này, Thủy bắt đầu nới lỏng việc tiết kiệm, mua sắm hay sử dụng các dịch vụ chăm sóc bản thân khi cần.
Chia sẻ thêm về lý do mua căn hộ chung cư, cô cho biết: "Tôi mua chung cư vì nhiều yếu tố. Thứ nhất là vì phù hợp với tài chính của tôi thời điểm đó. Do còn độc thân, tôi không có nhu cầu quá cao về một căn nhà quá rộng.
Ngoài ra, tôi thấy ở chung cư khá an toàn, an ninh thắt chặt, vệ sinh sạch sẽ, cộng đồng cư dân văn minh và mua bán gì cũng dễ dàng. Ngoài ra, việc các thành viên sống cùng một mặt bằng sẽ ấm cùng, gần gũi hơn so với nhà đất".
Năm 2020, Thu Thủy kết hôn. Thời điểm này, công việc của hai vợ chồng cô bị ảnh hưởng khá nhiều do COVID-19, nguồn thu nhập bị sụt giảm.
Thu Thủy vô cùng lo lắng và sợ mình không đủ sức trả lãi ngân hàng. Năm 2021, sau khi sinh con được khoảng 3 tháng, công ty truyền thông của cô giải thể, Thủy chính thức thất nghiệp.
Không còn nguồn thu, gia đình cô phải chi tiêu bằng tiền tiết kiệm của hai vợ chồng sau cưới. Khoảng thời gian này, họ vẫn trả lãi ngân hàng đều đặn. Cũng may sau đó, dịch bệnh được kiểm soát, cả hai tìm được công việc phù hợp nên đã vượt được qua giai đoạn khó khăn.
Đến hiện tại, Thu Thủy còn nợ ngân hàng khoảng 410 triệu đồng. Hiện tại lãi suất ngân hàng đã tăng lên 12%, mỗi tháng cô phải trả khoảng 6,4 triệu đồng. "Tôi sợ sang năm lãi suất có thể tăng lên 15%. Nếu lãi suất ngân hàng tiếp tục tăng, tôi sẽ phải đối diện với khó khăn lớn về tài chính", Thu Thủy lo lắng.
Chia sẻ về kinh nghiệm mua nhà Hà Nội, cô gái quê Thanh Hóa cho rằng, mỗi cá nhân khi mua nhà nên tìm hiểu kỹ về dự án và các vấn đề liên quan đến pháp lý, chủ đầu tư để giảm thiểu thấp nhất rủi ro. Mua nhà vừa với túi tiền và khả năng chi trả của bản thân.
"Hiện tại tôi đã có công việc mới, thu nhập tuy thấp hơn trước nhưng cũng đủ để trả lãi ngân hàng và chi tiêu cơ bản gia đình. Còn lương của chồng, tôi để tiết kiệm. Sau 2 năm kết hôn, tôi đã có thể trả hết nợ ngân hàng. Tuy nhiên, do một số yếu tố khách quan nên tôi quyết định chưa vội trả", Thu Thủy cho hay.
Link gốc: https://dantri.com.vn/doi-song/tiet-kiem-tu-coc-tra-sua-co-gai-mua-duoc-nha-ha-noi-khi-con-doc-than-20221130122547812.htm