Ông Nguyễn Ngọc Phương cho biết:
Để phòng chống tham nhũng có hiệu quả, chắc chắn phải kể đến vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. Về vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu, Trung ương đã có nghị quyết về vấn đề này. Qua đó, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Trong nhiều dự án luật cũng đã quy định rõ về trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.
Chính vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm và tinh thần tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu các cấp. Người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng rèn luyện, tự soi, tự sửa thường xuyên. Nhưng đồng thời cũng phải tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn. Làm sao để mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm. Quyền lực phải được “nhốt” trong “lồng” cơ chế để họ không dám và không thể tham nhũng.
Thực tế cho thấy, nếu người đứng đầu gương mẫu, không có biểu hiện về tiêu cực, tham nhũng, chắc chắn cả hệ thống ở đó sẽ không có “đất” cho tham nhũng nảy sinh. Chính vì vậy, tham nhũng có hay không trước tiên xuất phát từ người đứng đầu cũng như biểu hiện của người đứng đầu. Vì thế, muốn đẩy lùi tham nhũng, người đứng đầu phải tiên phong, gương mẫu thực hiện.
Cá nhân ông kì vọng gì vào công cuộc phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới?
Tôi tin chắc chắn rằng, công cuộc phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, đặc biệt trong nhiệm kỳ tới sẽ quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn và sẽ có hiệu quả hơn. Phòng chống tham nhũng sẽ tiếp tục “không có vùng cấm”, “nói đi đôi với làm” như thời gian qua đã thực hiện. Đây cũng chính là mong muốn, kỳ vọng của đông đảo đảng viên và nhân dân.
Cũng cần phải lưu ý điều mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần: Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng. Nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, và kiên quyết làm.
Cảm ơn ông!
Kiểm soát tài sản của người có chức, có quyền
Theo một cán bộ thuộc Thanh tra Chính phủ, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức, có quyền là một giải pháp quan trọng nhằm phòng ngừa tham nhũng, phục vụ công tác cán bộ, cũng như kịp thời phát hiện tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản. Vì thế, vừa qua Chính phủ ban hành quy định về cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức.
Nghị định đã quy định, hằng năm cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải bảo đảm số cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành xác minh tối thiểu là 20%. Riêng với các đơn vị thuộc các bộ Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Tài chính thì chỉ tiêu thấp hơn, nhưng tối thiểu 10%. Trong số các cơ quan, đơn vị được chọn ra này, sẽ tiến hành lựa chọn ngẫu nhiên tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm ở tổ chức đó. Văn Kiên
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho biết, trong giai đoạn 2013 - 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.