Tiếp bài “Khi người trẻ hung hãn”: Sự băng hoại của đạo đức truyền thống?

TP - Nhiều ý kiến tiếp tục kiến giải về sự lệch chuẩn trong ứng xử, xu hướng sử dụng bạo lực của nhiều người trẻ có khi chỉ vì lý do rất nhỏ nhặt.
Nữ sinh bị đánh nhập viện xuất phát từ mâu thuẫn “nhìn đểu”.

Giết người vì “nhìn đểu”

Đó là trường hợp của anh Lê Xuân Thảo (SN 1992, ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) làm công nhân ở Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ngày 25/4, Nguyễn Văn Trung (SN 1992, ở huyện Yên Phong) khi ngồi nghỉ tại quán nước trên đường đi làm về, cho rằng anh Thảo “nhìn đểu” mình nên xảy ra xô xát.

Thấy vậy, Tô Văn Nghiêm (SN 1992, ở huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) là bạn của Trung có mặt ở đó lao vào hỗ trợ Trung hỗn chiến với Thảo. Quá trình đánh nhau, Nghiêm rút dao gấp thủ sẵn trong người đâm anh Thảo tử vong. Sau đó, Trung và Nghiêm bỏ trốn lên Lạng Sơn với ý định vượt biên sang Trung Quốc thì bị bắt giữ. Tại cơ quan công an cả hai thừa nhận không hề có mâu thuẫn nào khác với nạn nhân ngoài chuyện Thảo “nhìn đểu” Trung.

Một trường hợp khác cũng do ánh mắt được cho là thiếu thiện cảm của một trong 2 bên, dẫn đến ẩu đả giữa 2 nữ sinh là Nguyễn Thị Thùy và Nguyễn Thị Trang (cùng SN 2002 và đều là học sinh học lớp 10A1, Trường THPT Vũ Ngọc Phan, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội). Cho rằng Trang “nhìn đểu” mình nên Thùy đã nhiều lần hẹn bạn ra chỗ vắng để “nói chuyện” nhưng không được.

Đến ngày 30/6, cả hai lại nhắn tin hẹn nhau ra  một khu đô thị  gần trường giải quyết mâu thuẫn. Gặp nhau, Trang đi cùng chị gái yêu cầu Thùy xin lỗi nhưng không được nên 2 nữ sinh lao vào đấm đá, giằng xé quần áo của nhau và bị người khác quay clip đăng tải lên mạng xã hội. Các đối tượng sau đó bị công an triệu tập để xác minh, làm rõ.

Nguyễn Văn Trung và Tô Văn Nghiêm- hai đối tượng trong vụ ẩu đả dẫn đến chết người  vì cho rằng nạn nhân đã “nhìn đểu” mình

Tương tự, ngày 20/3, Công an quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) triệu tập Trần Thị Thùy Liên (SN 2001) và một số nam nữ thanh niên khác để điều tra hành vi cố ý gây thương tích. Tại cơ quan công an, nhóm này khai nhận chiều 9/3, Thùy Liên và Nguyễn Thị Hà (SN 2001) cãi nhau một tại quán trà sữa lỗi cũng tại vì đối phương “nhìn đểu”.

Đến ngày 15/3, hai bên nhắn tin qua Facebook hẹn gặp nhau tại cổng trường THCS Đền Lừ để giải quyết, đồng thời chủ động gọi thêm bạn bè đến sẵn sàng đánh nhau nhưng bị mọi người can ngăn. Tuy nhiên, trên đường về Nguyễn Thị Phương- bạn của Hà bị 3 thanh niên trong nhóm Liên chặn lại dùng gậy 3 khúc đánh gãy xương tay và tổn thương ở vùng đầu, phải nhập viện cấp cứu.

Cán bộ cũng đánh nhau

Theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư Hà Nội), đối tượng sử dụng bạo lực hiện nay đã bao gồm cả những người có học vấn, địa vị xã hội cao. Luật sư Tú lấy ví dụ, năm 2016, Hiệu trưởng một trường tiểu học đã thẳng tay dùng dao chém một bảo vệ của doanh nghiệp đứt gân tay. Hoặc gần đây, ngày 22/6, Thành ủy TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã ra quyết định đình chỉ Giám đốc Lê Xuân Nhuận và Phó giám đốc Lê Văn Khoa của Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị Bảo Lộc vì đánh nhau.

Luật sư Tú cho rằng tình trạng lạm dụng bạo lực hiện nay đang tràn lan, trong đó, có nguyên nhân do mạng xã hội khai thác thái quá về bạo lực. “ Việc khai thác những yếu tố rùng rợn, bạo lực của truyền thông dẫn đến lợi bất cập hại, những thứ bạo lực đó lại sản sinh ra bạo lực mới”, luật sư Tú nói.

Luật sư Tú cho biết, theo quy định của pháp luật thì hành vi xâm phạm tính mạng và sức khỏe của người khác thường được coi là hành vi có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, khung hình phạt  rất nặng và cao nhất là tử hình. Tuy vậy, ông Tú đặt câu hỏi: Tại sao pháp luật nghiêm minh như vậy nhưng không giải quyết được loại tội phạm này, phải chăng do người thực thi? Hoặc ngay trong giáo dục học đường, chúng ta đã được học về tình thương yêu gia đình, bạn bè nhưng tại sao hiệu quả không cao?

Chưa có giá trị mới thay thế?

Nhận định về xu hướng dùng  bạo lực để giải quyết mọi mâu thuẫn, va chạm, thậm chí có khi chỉ từ sự hiểu lầm nhỏ, nhất là đối với nhiều người trẻ hiện nay, ĐBQH, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, đó là dấu hiệu cho thấy sự biến mất của xã hội truyền thống.

“Người Việt vốn là dân tộc hòa hiếu. Tôi từng cùng các nhà khoa học Nhật Bản nghiên cứu về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam và phía Nhật Bản đưa ra kết luận dù hàng triệu người chết đói nhưng tuyệt nhiên không có chuyện đánh nhau, giành giật miếng ăn. Người Việt dù thế nào vẫn giữ được tính đồng bào, dân tộc của mình”.

Tuy nhiên, hiện nay tính hung bạo của một bộ phận người Việt đang tăng lên và thậm chí có cơ quan chức năng cũng dùng biện pháp này để điều chỉnh quan hệ xã hội. Ông Dương Trung Quốc kể lại, khi chứng kiến một dân phòng giằng giật gánh hàng rong và ông cố can ngăn thì vị dân phòng nói đại biểu Quốc hội cũng không là gì. Sau đó, ông  Quốc tìm hiểu thì biết vị dân phòng vốn có tiền án và phía cơ quan chức năng đã khai thác mặt trái, mặt hung bạo của người này để xử lý những người bán hàng rong.

“Xã hội truyền thống lấy hạt nhân là làng xã ổn định nên đảm bảo lợi ích của từng người tuy rằng nó bảo thủ, trì trệ. Nhưng hiện nay, những giá trị cũ đã bị xóa bỏ nhưng chúng ta chưa xây dựng được giá trị mới phù hợp để thay thế. Theo tôi đây là nguyên nhân chính dẫn đến lối hành xử lệch chuẩn và hung bạo”, nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Một nguyên nhân nữa được ĐBQH Dương Trung Quốc đưa ra là hệ thống luật pháp Việt Nam quá nhiều thay đổi mà chưa đảm bảo duy trì được mối quan hệ sòng phẳng, minh bạch giữa con người với nhau, dẫn đến tình trạng “thật thà là cha thua thiệt”. Một số người thích kiểu hành xử “luật rừng”, mạnh được yếu thua.

Theo ông Dương Trung Quốc, xã hội có thể đang thiếu tính gương mẫu của người lãnh đạo trong khi đáng ra người càng giữ địa vị cao càng phải chuẩn mực. Nhà sử học nêu ví dụ, vua Minh Mạng đời Nguyễn từng tước bỏ tất cả quyền lực với một hoàng tử vì “gây tai nạn giao thông” khi phi ngựa.

“Chuyện xưa là vậy, nay thì cán bộ cấp quận vi phạm đỗ xe gọi cấp dưới ra xử lý, cấp dưới ra cũng vi phạm vậy họ sẽ yêu cầu nhân dân chấp hành thế nào? Hoặc như chuyện vị trung tướng bị CSGT dừng xe, ông hơn người lính rất nhiều về tuổi tác, cấp bậc… thì đáng ra phải ứng xử phù hợp dù người lính có sai nhưng ngược lại, ông có những phát ngôn thô lỗ...”.

________

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 6 năm lại đây, cả nước ghi nhận hơn 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong - ngoài trường học, nhiều vụ đã phải xử lý hình sự. Đặc biệt, xu hướng học sinh đánh nhau có tính chất nghiêm trọng gia tăng. Nhiều vụ, các em dùng dao, kiếm, súng tự chế… để gây thương tích cho các bạn học chỉ vì những lý do nhỏ nhặt như ghen tuông, “nhìn đểu”, không cho chép bài.