Tiếng kêu cứu từ di sản

TP - Hàng chục mỏ khai thác đá hiện hữu trong vùng đệm. Hàng chục quán đặc sản rừng án ngữ cửa ngõ vào di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình). Chính quyền biết, nhưng bó tay, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng biết nhưng không dám đụng đến.
Việc khai thác đá ở đây rất chuyên nghiệp, ngoài nổ mìn, các chủ mỏ còn đầu tư nhiều máy móc, thiết bị

Hơn 30 mỏ đá hoạt động ngày đêm bất chấp biển cấm. Bụi bao phủ khắp làng, người dân bị cấm đường vài giờ mỗi ngày vì họ nổ mìn phá đá.

Việc khai thác đá ở đây rất chuyên nghiệp, ngoài nổ mìn, các chủ mỏ còn đầu tư nhiều máy móc, thiết bị.
 

Đại công trường

Một nhân mối sống ở vùng Phong Nha - Kẻ Bàng khẳng định: “Đang có hơn ba chục mỏ khai thác đá ngày đêm hoành hành ngay vùng đệm, báo chí mà không vào cuộc thì di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng nguy mất”.

Tôi đinh ninh là nhân mối này nhầm lẫn, bởi vùng Phong Nha - Kẻ Bàng không lạ lẫm gì với tôi. Để tìm thấy một mỏ đá ở đây còn khó, nói gì đến ba chục mỏ. Với lại, ai mà to gan đến mức dám xâm hại di sản. Nhưng trước sự cương quyết của nhân mối, tôi đành miễn cưỡng làm một chuyến lên Phong Nha - Kẻ Bàng.

Nhân mối đón tôi ngay đường Hồ Chí Minh, đoạn đi qua xã Phúc Trạch. Anh ta bịt kín người bằng nhiều lớp áo quần và khẩu trang, lủng lẳng trên tay chiếc lồng chim. “Phải hóa trang kiểu này chứ không là nguy hiểm lắm, đụng đến miếng cơm manh áo của họ đấy. Vào mà ai có hỏi thì cứ nói anh em mình đi bẫy chim nhé”- nhân mối hướng dẫn cách thâm nhập các mỏ đá.

Khai thác đá ở đây diễn ra đã khá lâu, bằng chứng là nhiều ngọn núi đã bị cạo trọc đến tận ngọn. Ảnh: H.N.
 

Trên chiếc xe máy cà tàng của nhân mối, chúng tôi rẽ vào một con đường đất đỏ nằm ngay phía Nam trung tâm xã Phúc Trạch. Dù đã ngồi lên xe của nhân mối nhưng tôi vẫn không tin những điều anh ta nói là thật, bởi ngay đầu đường là những ngọn núi đá vôi sừng sững, nguyên sơ và được bao phủ một màu xanh mướt của cây rừng. Tôi thắc mắc, anh ta cười rồi nói: “Ông đúng là ngây thơ, khai thác đá ở đây, gần đường Hồ Chí Minh, quan khách qua lại nhìn thấy thì có mà chết à?”.

Đi qua hết dãy núi đá vôi nằm sát đường Hồ Chí Minh, tôi thực sự tá hỏa. Tiếng máy nghiền đá chạy rào rào, bụi bay mù mịt, một vùng núi đá vôi trắng xóa, nham nhở ngay trước mặt. Đi hết một vòng, chừng hơn cây số, tôi nhẩm đếm có hơn 30 mỏ đá nằm san sát nhau đang hoạt động ào ào, người xe tấp nập.

Nhân mối cho biết, nơi chúng tôi đi qua có các địa danh là Phoóc Mông, Hung Nến và Da lợn, thôn Hà Lốt, xã Phúc Trạch, thuộc vùng đệm của di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng. “Người ta ví vùng đệm như là phần da bao bọc vùng lõi của di sản. Họ khai thác đá ở đây là đang bóc da di sản đó”, nhân mối ví von.

Theo quan sát, các mỏ đá ở đây được chia ranh giới bằng cách mỗi chủ mỏ chiếm giữ một hòn núi đá vôi làm của riêng. Các mỏ đá đã được khai thác khá lâu, bằng chứng là hầu như ngọn núi nào cũng bị cạo trọc đến tận ngọn.

Người ta khai thác hết sức chuyên nghiệp, sau khi nổ mìn, đá được phân thành hai loại, dạng đá hộc, đá dăm và tất cả các công đoạn đều có sự hỗ trợ của máy móc. Nhân mối cho biết, sau lưng những mỏ đá này là sông Son và bên kia sông là khu hành chính của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng.

Theo ông Lương, biển chỉ để cấm cho có lệ, cấm những ai yếu bóng vía.
 

Cấm đường và biển cấm

Chúng tôi vào thôn Hà Lốt với hy vọng gặp lãnh đạo thôn để hỏi chuyện, nhưng cả bí thư chi bộ và trưởng thôn đều lên xã họp. Một người đàn ông chừng 50 tuổi ở sát nhà trưởng thôn khi biết lý do của chúng tôi về Hà Lốt, ông nói trong thất vọng: “Mấy chú gặp họ làm chi, không giải quyết được chi mô. Mấy ông ấy ngày nào mà chẳng đi qua, đi lại mấy mỏ đá đó, họ thừa biết, xã cũng biết nhưng tất cả đều làm ngơ”.

"Biển cấm là cấm cho có lệ, cấm những ai yếu bóng vía. Tui hỏi ông, nếu họ cấm thật thì bọn tui khai thác ra bán cho ai?” - Chủ mỏ đá Lương.

Người đàn ông này cho biết thêm, thôn Hà Lốt có gần 90 hộ dân nhưng chỉ có 3 gia đình tham gia khai thác đá, số còn lại là do người ngoài trung tâm xã vào. Người dân thôn Hà Lốt rất bức xúc trước nạn đá tặc hoành hành nhưng việc gửi đơn thư cũng như phản ánh qua các kỳ tiếp xúc cử tri đều không hiệu quả.

“Nói thật, bọn tui cũng không quan tâm lắm đến việc xâm hại hay không xâm hại di sản, mà cái quan trọng là họ (mỏ đá) làm ảnh hưởng ghê gớm đến cuộc sống của dân bọn tui. Các chú coi, đường sá về thôn thì nát bét, bụi bặm bao phủ khắp làng. Đặc biệt, chiều nào dân chúng tôi cũng bị cấm cửa cả giờ đồng hồ không đi lại được vì họ nổ mìn phá đá. Đã có mấy vụ chết người ở mỏ đá rồi đó. Mấy chú mà không ra sớm, chậm một tí nữa là phải đợi cả tiếng đồng hồ luôn đó”, người đàn ông này cảnh báo.

Chúng tôi quyết định thâm nhập hỏi chuyện một chủ mỏ đá bằng cách hóa trang thành một doanh nhân xây dựng tìm mua đá. Người chủ mỏ tên là Lương, chừng 45 tuổi, ở thôn Phúc Đồng, xã Phúc Trạch hồ hởi giới thiệu: “Ở đây, các ông mua bao nhiêu cũng có, giá cả phải chăng, còn chất lượng thì khỏi phải chê, đá của di sản mà”, ông Lương tỏ ra lém lỉnh khi chào hàng.

Theo ông Lương, mỗi mét khối đá hộc có giá từ 90 đến 100 ngàn đồng, còn đá dăm dùng để đổ bê tông thì 160 ngàn đồng. Ông Lương luôn miệng ca ngợi đá ở đây chất lượng ở vào hàng đỉnh nhất, bằng chứng là ông đang chuẩn bị nổ nìn để phá đá. “Không có công lực của cái thằng ni (mìn) thì có khới cả ngày cũng chỉ được vài cục đá lẻ thôi”, ông nói.

Tôi giả vờ thắc mắc: Trên đường vào có thấy tấm biển “nghiêm cấm khai thác và vận chuyển đá”, nếu vận chuyển nhiều thì có gặp trắc trở gì không? Ông Lương cười khẩy nói: “Ông tưởng ai cũng có thể vào đây khai thác đá được à. Biển cấm là cấm cho có lệ, cấm những ai yếu bóng vía. Tui hỏi ông, nếu họ cấm thật thì bọn tui khai thác ra bán cho ai, vận chuyển đi đâu? Ông yên tâm, nếu ai giữ xe ông lại tui chịu trách nhiệm”, ông ta quả quyết.

Chia tay ông Lương với một hợp đồng khủng bằng miệng, vừa ra khỏi mỏ đá, chúng tôi gặp một tốp học sinh bươn bả đạp xe trên đường nhầy nhụa đầy ổ gà, sống trâu. Một học sinh than: “Khổ lắm chú ơi, không đi nhanh là phải chờ đến tối khi mô họ nổ mìn xong mới đi được. Bị giam đói nhiều lần rồi nên kinh nghiệm cho thấy là phải vượt qua đoạn đường này thật nhanh thôi chú ạ”. Ngay cạnh đó, một phụ nữ dùng cây roi dài quất liên tiếp vào mông con bò mộng để xua nó đi nhanh hơn.

Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng (phần lớn thuộc huyện Bố Trạch) nằm trong vùng lõi của vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng có diện tích 85.754 ha, còn lại vùng đệm được xác định khoảng 195.400 ha.

Phong Nha- Kẻ Bàng có các bằng chứng ấn tượng về lịch sử Trái đất, là một trong những mẫu được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo năm 2003. Phong Nha-Kẻ Bàng đang hướng tới mục tiêu được UNESCO công nhận lần 2 là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí đa dạng sinh học.

Kỳ 2: Thịt khỉ rẻ hơn thịt lợn

Theo Báo giấy