DN viễn thông, ngân hàng nằm top đầu
Ngày 3/8, Tổng cục Thuế tổ chức “Lễ công bố 1.000 DN nộp thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam năm 2017”. Theo Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam, thuế thu nhập (TN) DN là một sắc thuế quan trọng trong hệ thống chính sách pháp luật thuế. Ðây cũng là sắc thuế giúp đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN. Chỉ có những đơn vị làm ăn có lợi nhuận mới phải nộp thuế TNDN, lợi nhuận càng nhiều thì số thuế TNDN phải nộp càng lớn. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính - Tổng cục Thuế đã xây dựng và công khai bảng xếp hạng (BXH) 1.000 DN nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam.
“BXH này được sắp xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp tương ứng với số thuế TNDN đã nộp của 1.000 DN trong năm 2017”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Ðại Trí cho biết thêm.
Ông Nguyễn Ðại Trí trả lời bên lề buổi lễ.
Theo thống kê, tổng số thuế TNDN mà các DN trong bảng xếp hạng đóng góp vào NSNN đạt 110.027 tỷ đồng, chiếm 62,5% trên tổng số thuế TNDN của cả nước năm 2017, tăng 8,45% so với mức 101.457 tỷ đồng của năm 2016. Trong đó, Top 100 DN đứng đầu đóng góp khoảng 54% tổng số thuế TNDN toàn bảng.
Dựa trên BXH năm 2017, có 703 DN nằm trong BXH 1.000 DN nộp thuế TNDN lớn nhất của cả 2 năm 2016 và 2017. Có 297 DN được bổ sung mới trong BXH năm 2017.
Xét theo cơ cấu ngành nghề, ngành công nghiệp chế biến và chế tạo đang là ngành đứng đầu chiếm 36,7% tỷ trọng nộp trên toàn bảng. Tiếp theo là lĩnh vực Tài chính Ngân hàng và bảo hiểm với số nộp chiếm 14,8%. Lĩnh vực Thông tin truyền thông đứng thứ 3, chiếm 9,3% tổng số thuế TNDN nộp vào NSNN.
Xét theo địa bàn, Hà Nội và TPHCM là 2 thành phố tiếp tục dẫn đầu về số lượng và tỷ trọng đóng góp về số thuế TNDN của DN trong BXH năm 2017.
Trong đó, tỷ lệ nộp thuế của các DN tại Hà Nội và TPHCM lần lượt là 36,0% và 32,5%. Ðồng Nai và Bình Dương xếp vị trí tiếp theo ngay sau 2 thành phố lớn tập trung nhiều DN. DN tỉnh Ðồng Nai có đóng góp 5,8%, trong khi đó, DN tỉnh Bình Dương đóng góp hơn 4,4% trong BXH.
BXH của năm 2017 có sự xuất hiện của 117 DN nhà nước với tổng số thuế TNDN đóng góp chiếm 27,7% tổng số thuế mà 1.000 DN trong BXH đóng góp.
Khối DN ngoài quốc doanh (khối kinh tế tư nhân) có 458 DN, chiếm 45,8% số DN trong BXH và tỷ lệ đóng góp thuế TNDN chiếm khoảng 34,1%. Ðiều này cho thấy, các DN tư nhân ngày càng phát huy vai trò là thành phần kinh tế chủ chốt.
Khối DN FDI cũng được ghi nhận tích cực khi có tới 404 DN, chiếm 40,4% số DN với tỷ lệ đóng góp vào tổng số thuế TNDN của khối này lên tới 36,7% trong toàn BXH.
Hoạch định chính sách thuế, phân bổ nguồn tài chính hiệu quả
Ông Nguyễn Ðại Trí cho hay, những thông tin về BXH trên sẽ giúp Nhà nước có thêm công cụ thiết thực để đánh giá chính xác tình hình và hiệu quả hoạt động của các DN. Từ đó, giúp Nhà nước hoạch định chính xác các chủ trương chính sách về thuế, đồng thời giúp khai thác, phân bổ nguồn lực tài chính ngân sách một cách hiệu quả.
Theo ông Trí, mức nộp thuế TNDN trong năm 2017 của DN là tổng số tiền thuế TNDN mà DN thực hiện nộp vào NSNN trong năm này. Việc xác định mức nộp thuế TNDN lớn trong năm 2017 cũng có xem xét đến tình hình nợ thuế của DN. Như vậy, để lọt vào BXH thì tiêu chí đầu tiên là DN có số thuế TNDN nộp vào NSNN nhiều nhất và điều này, phụ thuộc chủ yếu vào kết quả sản xuất kinh doanh của DN. Khi DN tích cực đầu tư sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô, tăng doanh thu, tăng lợi nhuân thì sẽ có cơ hội lọt vào bảng này.
Ðáng chú ý, theo ông Trí, khối tư nhân có tỷ lệ DN xuất hiện trong BXH năm nay nhiều nhất, với 458 DN. Ðiều này cho thấy, các DN tư nhân ngày càng phát huy vai trò là thành phần kinh tế chủ chốt.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, việc xếp hạng 1.000 DN nộp thuế TNDN lớn nhất là sự kiện có ý nghĩa nhất bởi các đơn vị này đang đóng góp “tiền tươi thóc thật” cho ngân sách, đảm bảo các cân đối vĩ mô. Nếu nói đóng thuế là yêu nước thì theo ông Lộc, 1.000 DN trong BXH ngày hôm nay là những đơn vị yêu nước nhất.
“Việc này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh năm 2017 nước ta có trên 600 nghìn DN nhưng có đến quá nửa DN kinh doanh không có lãi, không phát sinh thuế TNDN và có đến 60.000 DN phải tạm ngừng kinh doanh, rời khỏi nền kinh tế. Chính vì vậy, những DN trụ vững được trong nền kinh tế, tạo việc làm đã tốt, nhưng những DN đóng góp cho sự tăng trưởng và kinh doanh có lãi, đóng góp nhiều cho ngân sách càng đáng trân trọng”, ông Lộc nhận định.