>> Dạy bằng tiếng Anh ở trường chuyên: Thầy, trò cùng kêu khó
Tự tung, tự tác
Quyết định 58/QĐ-UBND “Quy định tạm thời một số điểm về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức dự bị, công chức và viên chức” có hiệu lực đầu năm 2007. Theo quyết định này, về nguyên tắc, hiệu trưởng của các trường học toàn quyền trong việc tuyển dụng, tiếp nhận, thuyên chuyển cán bộ, giáo viên dưới quyền, trên cơ sở nhu cầu thực tế và biên chế được giao.
Có được quyền trong tay, nhiều hiệu trưởng đã dùng lệnh bài này để tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, giáo viên một cách vô tội vạ. Trong đó, thành phố Đồng Hới được cho là địa phương có nhiều sai phạm nhất.
Theo ông Trần Viết Cay, Trưởng phòng Nội vụ thành phố Đồng Hới, sau hơn 4 năm thực hiện Quyết định 58 của UBND tỉnh Quảng Bình, hiện ngành giáo dục Đồng Hới thừa đến 50 giáo viên Văn và 30 giáo viên tiếng Anh.
Số giáo viên thừa này người thì “ngồi chơi xơi nước”, người thì được bố trí công việc không đúng chuyên môn để được hưởng lương. Xảy ra tình trạng nói trên là do hiệu trưởng các trường tự quyết mà phòng Nội vụ và UBND thành phố không thể can thiệp.
Để chấn chỉnh tình trạng nhận người vô tội vạ của các hiệu trưởng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, ngày 10-8-2009, UBND thành phố Đồng Hới ra Quyết định 2856/QĐ- UBND: “Quy chế điều động, tiếp nhận, tuyển dụng bổ nhiệm cán bộ, viên chức giáo dục”.
Theo đó, hồ sơ của cán bộ, viên chức trong ngành giáo dục phải được chuyển lên phòng Nội vụ theo dõi, kiểm tra và quản lí. Ngoài ra, quyết định này còn quy định, các đối tượng được tuyển mới, tiếp nhận về dạy ở các trường THCS trên địa bàn Đồng Hới phải có trình độ đại học trở lên. Quy định là vậy, song thực tế nhiều hiệu trưởng trên địa bàn vẫn phớt lờ để nhận người theo “mối quan hệ” của mình.
“Tôi biết có ông hiệu trưởng trong một năm nhận 5 giáo viên tiếng Anh về cho làm mấy việc lằng nhằng để được hưởng lương. Rồi như ông H. ở trường Tiểu học số 2 Đồng Sơn, trước lúc về hưu ông ký một lúc 3 quyết định nhận người” - ông Cay ví dụ.
Khó xử lí
Theo ông Cay, có rất nhiều tiêu cực, thậm chí có cả một thị trường ngầm (cò -PV) trong việc tuyển dụng, tiếp nhận, thuyên chuyển giáo viên về địa bàn thành phố Đồng Hới.
Mặc dù tình trạng nhận người sai quy định xảy ra tràn lan ở các trường trên địa bàn thành phố Đồng Hới nhưng cho đến nay chưa hề có một hiệu trưởng nào bị xử lý kỷ luật. Cũng theo ông Cay, để xử lý tình trạng nhận người tràn lan của các hiệu trưởng là rất khó.
Quyết định 58 của UBND tỉnh Quảng Bình giao quyền quá lớn cho các hiệu trưởng, còn Quyết định 2856 của UBND thành phố Đồng Hới thì có siết chặt hơn một chút nhưng cũng khó kiểm soát khi các hiệu trưởng làm sai. Vì theo quy định, sau khi ra quyết định nhận người xong xuôi, các trường mới nộp hồ sơ lên phòng Nội vụ để theo dõi, quản lý.
“Khi phát hiện ra sai phạm thì đã muộn, không còn cách gì sửa được nữa. Lúc đó UB thành phố không thể hủy quyết định sai trái của hiệu trưởng, vì nếu hủy thì giáo viên quay trở lại chỗ cũ không được nữa. Về mặt nào đó, chúng ta phải thông cảm cho các giáo viên vì nếu cương quyết thì họ thiệt đơn, thiệt kép vừa mất tiền, vừa mất việc” - ông Cay nói.
Để khắc phục tình trạng này, năm 2010, UBND thành phố Đồng Hới lại ra Quyết định 715/QĐ-UBND bổ sung một số điều của QĐ 2856. Trong đó quy định, trước khi ra quyết định nhận người, hiệu trưởng phải gửi hồ sơ lên phòng Nội vụ kiểm tra và phải được UB thành phố đồng ý thì các hiệu trưởng mới tiếp nhận.
Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều hiệu trưởng cố tình làm sai, bỏ qua công đoạn báo cáo trước, thậm chí là giấu hồ sơ, không chuyển lên phòng Nội vụ. “Những trường hợp sai phạm cũng đưa ra UB thành phố nhưng không kỉ luật mà chỉ làm nhẹ nhàng là cắt thi đua thôi, nên họ không sợ” - ông Cay nói.
Dư luận cho rằng, sở dĩ UBND thành phố Đồng Hới không dám xử lý kỷ luật các trường hợp sai phạm mà “cho qua” là do trong số những giáo viên được chuyển về thành phố có không ít con em của lãnh đạo. “đánh chuột, sợ vỡ bình”, đành “dĩ hòa vi quý” nên sai phạm vẫn tiếp diễn.