Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức họp kiểm điểm, tự phê bình và phê bình

TPO - Từ ngày 28 - 30/12, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với tập thể và cá nhân năm 2022.

Phát biểu khai mạc hội nghị ngày 28/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã quán triệt mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ của hội nghị; trong đó nhấn mạnh phải bám sát Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Kết luận số 21 ngày 25/10/2021, Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII về "Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Việc kiểm điểm tập thể và từng cá nhân phải trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn, khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị

Ông Dũng nêu, đây là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa quan trọng nhằm làm rõ ưu điểm, nhất là những hạn chế, khuyết điểm của tập thể Ban Thường vụ Thành ủy và cá nhân các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, đề ra các giải pháp khắc phục bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, hiệu quả, qua đó tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tập thể Ban Thường vụ Thành ủy, từng Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị Thủ đô ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực, uy tín, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trước hết là năm 2023 - năm bản lề và kiểm điểm giữa nhiệm kỳ 2020-2025 - qua đó quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Năm 2022, thành phố Hà Nội đã hoàn thành 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây với 8,89%, an ninh - quốc phòng được giữ vững, an sinh xã hội được bảo đảm. Đời sống nhân dân tiếp tục được nâng cao với thu nhập bình quân đầu người đạt 142 triệu đồng/người/năm vượt mục tiêu đề ra; tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm mạnh.

Theo đánh giá, trong kết quả chung đó, Ban Thường vụ Thành ủy, từng Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, đặc biệt là Bí thư Thành ủy, các Phó Bí thư Thành ủy đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu trong thực hiện chức trách nhiệm vụ.

Cùng với đó, gắn với thực hiện chủ đề công tác năm "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển", Ban Thường vụ Thành ủy đã đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo theo hướng khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn; xác định rõ trọng tâm, trọng điểm; gắn bó mật thiết với nhân dân, bám sát cơ sở, tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ cương, kỷ luật; phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, thời hạn hoàn thành; cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.

Ban Thường vụ Thành ủy và cá nhân các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy đã phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu tham mưu sớm ban hành Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; trình thông qua chủ trương và thần tốc triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; tham mưu Thành ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề số 09 về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; tạo bước đột phá về cải cách hành chính thông qua phân cấp, ủy quyền...

Bên cạnh ưu điểm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy vẫn còn những hạn chế tồn tại. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận để chỉ rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục.