Hôm 10/4, tờ Le Monde của Pháp đưa tin, Ấn Độ có thể đã thay đổi quyết định mua toàn bộ 126 chiếc máy bay chiến đấu Rafale của Pháp như đã công bố trước đó, và đang thảo luận với Paris về khả năng chỉ mua 63 chiếc.
Tờ Le Monde dẫn lời một nguồn tin liên quan đến các cuộc đàm phán cho biết: "Các cuộc đàm phán về thỏa thuận mua máy bay của Pháp đã diễn ra cả đêm và tiếp tục được tiến hành vào buổi sáng hôm sau".
Thỏa thuận mua máy bay chiến đấu Rafale là một trong những chủ đề chính mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến sẽ tập trung thảo luận trong chuyến thăm 3 ngày đến Pháp, bắt đầu từ hôm 9/4.
Theo nhật báo Le Monde, giá thành của 63 chiếc máy bay chiến đấu Rafale ước tính chỉ còn khoảng 7,7 tỷ USD, tức giảm gần 2/3 so với con số 20 tỷ USD trong hợp đồng trước đó mua 126 chiếc.
Cùng ngày, một nguồn tin thuộc Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói với hãng thông tấn Sputnik rằng Ấn Độ và Pháp có khả năng sẽ ký kết một hợp đồng cuối cùng về việc mua các máy bay chiến đấu Rafale của Pháp trong ngày 10/4.
Năm 2012, Ấn Độ đã tiến hành đàm phán với nhà sản xuất máy bay Dassault Aviation của Pháp về việc cung cấp cho nước này 126 máy bay chiến đấu Rafale với tổng chi phí được đẩy lên tới hơn 20 tỷ USD.
Thỏa thuận này sau đó đã bị tạm dừng do chi phí tăng cao và do Dassault Aviation tuyên bố không sẵn sàng đảm bảo hiệu suất của các máy bay chiến đấu Rafale được sản xuất tại Ấn Độ theo giấy phép.
Theo kế hoạch trước đó, Ấn Độ sẽ nhập nguyên chiếc 18 máy bay chiến đấu Rafale do Dassault chế tạo, trong khi 108 chiếc còn lại sẽ do Công ty hàng không Hindustan (HAL) của Ấn Độ sản xuất theo công nghệ của Pháp.
Chính những vấn đề về giá và chi phí vận hành, bảo dưỡng của Rafale quá đắt đỏ đã khiến chính phủ Ấn Độ từ chối hợp đồng này. Ngay sau đó, các hãng máy bay lớn trên thế giới lập tức đưa ra một loạt lời mời gọi hấp dẫn tới New Delhi, đặc biệt trong đó có hãng Sukhoi của Nga.
Theo đó, Nga đã đề nghị cung cấp thêm nhiều mẫu máy bay Su-30 phiên bản đặc biệt dành cho Ấn Độ, tích hợp thêm nhiều công nghệ mà chỉ máy bay nội địa dành riêng cho không lực Liên bang Nga mới được sở hữu. Nga cũng nhấn mạnh Ấn Độ đã có nhiều trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng Su-30, vì thế chi phí cho những khoản vận hành này sẽ rất thấp.
Chưa dừng ở đó, Nga tiếp tục đưa ra nhiều lời mời gọi như mẫu chiến đấu cơ Su-35 phiên bản xuất khẩu - thứ mà Trung Quốc đang rất thèm khát nhưng chưa đạt được. Hoặc Moscow đề nghị New Delhi góp tiền cùng phát triển tiêm kích thế hệ năm PAK FA T-50. Sau khi hoàn thành, Ấn Độ sẽ là quốc gia đầu tiên sở hữu loại máy bay này trên thế giới.
Những động thái dồn dập này của Nga đã thực sự tạo sức ép tới Pháp, và kết quả về việc phải giảm giá thành xuất khẩu là điều hoàn toàn dễ hiểu. Thậm chí, hồi đầu tháng 4/2015, Paris đã cho rằng họ buộc phải trợ giá để giảm giá máy bay Rafale nếu muốn loại chiến đấu cơ này có thể xuất khẩu được.