Lệnh cấm áp dụng nhiều năm dạy thêm vẫn tràn lan
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS - THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) đánh giá, nhiều năm nay Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT các địa phương đều đặt ra không ít quy định để quản lý việc dạy thêm học thêm. Tuy nhiên, năm nào phụ huynh cũng bức xúc về tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, đặc biệt ở bậc Tiểu học mặc dù đã cấm hoàn toàn nhưng vẫn có không ít giáo viên tìm mọi cách để phụ huynh phải “tự nguyện” cho con đi học thêm. “Tình trạng giáo viên không đủ trình độ nhưng vẫn bằng cách này, cách nọ ép học sinh học thêm là có thật.
Điều này diễn ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có cách ngăn chặn hiệu quả. Đây chính là nguyên nhân gây bức xúc cho xã hội và làm xấu hình ảnh nhà giáo. Tôi cho rằng, giáo dục dù là lĩnh vực đặc biệt nhưng cũng không thể nằm ngoài quy tắc xã hội. Thầy cô càng cần phải tuân thủ quy định pháp luật. Vì vậy, tôi ủng hộ việc quy định mức phạt hành chính như Bộ GD-ĐT nêu ra trong dự thảo Nghị định Xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục”, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS - THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) nói.
Được biết, riêng về vi phạm quy định về tổ chức dạy thêm, dự thảo Nghị định Bộ GD-ĐT quy định rõ phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người dạy thêm không đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định.
Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức dạy thêm không đúng địa điểm đã được cấp phép; tổ chức dạy thêm không đúng đối tượng, không đúng nội dung đã được cấp phép…
Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi giấy phép đã hết hạn. Mức phạt cao nhất là 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT đưa ra mức phạt riêng từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ép buộc học sinh học thêm. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào nội dung dạy thêm, dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa.
Làm thế nào tách bạch được tự nguyện và sự thỏa hiệp?
Bức xúc với dạy thêm tràn lan tuy nhiên cũng nhiều phụ huynh thông cảm với thầy cô khi quả thật nhu cầu học thêm là có thật. Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố các quy định về xử phạt với dạy thêm học thêm thì điều khiến người băn khoăn nhất là quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi dạy thêm cho học sinh Tiểu học hoặc học sinh đã học 2 buổi/ngày.
Nguyên nhân là ở cấp Tiểu học hiện nay học sinh đi học thêm rất nhiều, không chỉ học với giáo viên trong lớp mà với rất nhiều giáo viên khác bên ngoài nhà trường xuất phát từ nhiều nhu cầu khác nhau. Thực tế rất nhiều gia đình không có người trông giữ con nên mong muốn gửi con đến các lớp nhờ thầy cô quản lý, hỗ trợ giúp con ôn bài vào buổi chiều tối hay các ngày cuối tuần.
“Dù biết là Bộ GD-ĐT cấm dạy thêm với học sinh Tiểu học nhưng tôi vẫn phải năn nỉ cô giáo chủ nhiệm của con cho con học thêm ở địa điểm gần nhà vì hoàn cảnh gia đình không thể về sớm đón con, hướng dẫn con học tập. Gửi ở nhà cô vừa yên tâm con được hướng dẫn học bài đầy đủ, vừa được cô uốn nắn nếp ăn ở, sinh hoạt, tôi không thấy có điều gì ép buộc hay không phù hợp ở đây” - anh Nguyễn Văn Trí, phụ huynh trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Hà Nội) cho biết.
Có thể thấy, không ít các thầy cô không có trong biên chế, giáo viên nghỉ hưu tham gia dạy thêm học sinh Tiểu học trước nhu cầu tự nguyện gửi con của phụ huynh. Tuy nhiên, nếu chiếu theo quy định của Bộ GD-ĐT thì các giáo viên này vẫn nằm trong diện bị xử lý phạt tiền. “Cần phải khoanh vùng đối tượng dạy thêm học thêm trong trường hay ngoài trường; giáo viên dạy là học sinh của mình hay học sinh trường khác. Nếu quy định giáo viên cứ dạy thêm cho học sinh Tiểu học là bị phạt thì không phù hợp” - anh Nguyễn Văn Trí nhấn mạnh.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT chia sẻ, dạy thêm rất phức tạp, ranh giới giữa được phép và không được phép rất dễ lẫn lộn. Vấn đề dạy thêm, học thêm Bộ GD-ĐT không cấm hoàn toàn. Do đó, khi đưa ra quy định xử phạt về dạy thêm, Ban soạn thảo đã bàn nhiều và đặt ra nhiều vấn đề. Với những đề xuất nói trên, vấn đề dạy thêm sẽ được ban soạn thảo tiếp thu, điều chỉnh, cụ thể hóa cho rõ hơn trong dự thảo về đối tượng xử phạt đối với giáo viên dạy học sinh Tiểu học do chính mình giảng dạy hoặc xử phạt khi việc dạy thêm đối tượng này ở trong nhà trường.
Ranh giới giữa được và không được phép dạy thêm rất phức tạp
“Dạy thêm rất phức tạp, ranh giới giữa được phép và không được phép rất dễ lẫn lộn. Vấn đề dạy thêm, học thêm Bộ GD-ĐT không cấm hoàn toàn. Do đó, khi đưa ra quy định xử phạt về dạy thêm, Ban soạn thảo đã bàn nhiều và đặt ra nhiều vấn đề. Với những đề xuất nói trên, vấn đề dạy thêm sẽ được ban soạn thảo tiếp thu, điều chỉnh, cụ thể hóa cho rõ hơn trong dự thảo về đối tượng xử phạt đối với giáo viên dạy học sinh Tiểu học do chính mình giảng dạy hoặc xử phạt khi việc dạy thêm đối tượng này ở trong nhà trường”.
Ông Nguyễn Huy Bằng (Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục - Đào tạo)
Giáo viên ép học sinh học thêm là có thật
“Tình trạng giáo viên không đủ trình độ nhưng vẫn bằng cách này, cách nọ ép học sinh học thêm là có thật. Điều này diễn ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có cách ngăn chặn hiệu quả. Đây chính là nguyên nhân gây bức xúc cho xã hội và làm xấu hình ảnh nhà giáo. Tôi cho rằng, giáo dục dù là lĩnh vực đặc biệt nhưng cũng không thể nằm ngoài quy tắc xã hội. Thầy cô càng cần phải tuân thủ quy định pháp luật. Vì vậy, tôi ủng hộ việc quy định mức phạt hành chính như Bộ GD-ĐT nêu ra trong dự thảo Nghị định Xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục”.
Ông Nguyễn Quốc Bình (Hiệu trưởng trường THCS - THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội)