Ngày 6/7, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú.
Theo đó, Nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại khu vực ngoại thành là 8m2/sàn/người, đối với khu vực nội thành là 15m2/sàn/người.
Theo báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND thành phố, Hà Nội là đô thị đặc biệt với áp lực gia tăng dân số cơ học lớn, số người đăng ký cư trú tăng nhanh và biến động nhiều.
Đặc biệt, dân số thuộc khu vực nội đô lịch sử duy trì mật độ cao và đã vượt quá quy định. Trong khi đó, dân số của Hà Nội trong những năm qua tăng phần lớn là gia tăng cơ học từ người nhập cư.
Việc gia tăng dân số tại các quận nội thành, nhất là các quận thuộc khu vực nội đô mở rộng như Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân đang tạo ra nhiều sức ép như quá tải đối với hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, quản lý an ninh, trật tự công cộng, bảo đảm môi trường sống.
Việc quy mô dân số tăng nhanh, mật độ dân số phát triển nóng đã tạo ra những áp lực cho chính quyền các cấp thành phố trong công tác lãnh đạo, điều hành để đảm bảo các điều kiện về giáo dục, y tế, an sinh xã hội và các điều kiện khác của người dân.
Do đó, việc quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là một trong những tiêu chí tối thiểu để thành phố xác định trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo điều kiện sống cần thiết của người dân; phù hợp với yêu cầu quản lý về cư trú và tình hình, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Gần 9 tỷ đồng/năm hỗ trợ cán bộ tiếp công dân
Cũng tại kỳ họp, HĐND TP. Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố Hà Nội đối với công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn thành phố. Với nghị quyết này, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước có chính sách hỗ trợ cán bộ tiếp công dân.
Theo đó, đối tượng áp dụng của Nghị quyết là cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ; hoặc phân công làm nhiệm vụ thường xuyên tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân căn cứ vào vị trí việc làm cụ thể đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho từng đơn vị.
Mức hỗ trợ đối với đối tượng chưa được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thanh tra: Cấp thành phố là 120.000 đồng/người/ngày làm việc; cấp quận, huyện, thị xã là 100.000 đồng/người/ngày làm việc.
Mức hỗ trợ đối với đối tượng đang được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thanh tra: Cấp thành phố là 100.000 đồng/người/ngày làm việc; cấp quận, huyện, thị xã là 80.000 đồng/người/ngày làm việc.
Theo UBND TP. Hà Nội, tổng số lượng người dự kiến được hưởng chính sách hỗ trợ trên địa bàn thành phố là 302 người; tổng kinh phí dự kiến chi tối đa cho cả cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã là 8.775.360.000 đồng/năm.