Theo đó, Samsung Việt Nam đã gửi tới Báo Tiền Phong phản hồi liên quan đến bài báo "200 doanh nghiệp Việt không có cửa cung ứng chuỗi mới cho Samsung".
Công ty này khẳng định thông tin Samsung có kế hoạch đưa thêm 200 nhà cung ứng nước ngoài Việt Nam là không chính xác.
Theo Samsung Việt Nam, để có thể trở thành nhà cung ứng của công ty, tất cả các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam đều phải chủ động chứng minh năng lực và quyết tâm lớn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Samsung. Hoàn toàn không có việc Samsung mời họ tham gia, hoặc chủ động đưa các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam để cung ứng cho mình. Các doanh nghiệp này đến Việt Nam hoạt động kinh doanh hoàn toàn là do quyết định của họ.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số doanh nghiệp cung ứng cấp 1 (cung cấp trực tiếp cho Samsung) của Samsung tại Việt Nam là hơn 200 doanh nghiệp, trong đó có 29 doanh nghiệp Việt Nam. Số lượng các doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 này dự kiến sẽ tăng lên 50 doanh nghiệp vào năm 2020.
Theo Samsung Việt Nam, để hiện thực hóa mục tiêu đó, trong nhiều năm qua, công ty đã và đang không ngừng nỗ lực triển khai các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa, bao gồm việc tổ chức các Hội thảo công nghiệp hỗ trợ thường niên để kết nối các nhà cung ứng Việt Nam có tiềm năng; thực hiện Chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp với sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia giàu kinh nghiệm từ Hàn Quốc.
Mới đây nhất, để tăng sự lan tỏa và nâng cao hiệu quả của chương trình, Samsung đã hợp tác với Bộ Công Thương nhằm đào tạo 200 chuyên gia tư vấn người Việt Nam trong 2 năm (2018 và 2019).
Các chuyên gia này được kỳ vọng sẽ đào tạo lại và tư vấn cho các doanh nghiệp phụ trợ của Việt Nam để họ nâng cao năng lực và có nhiều cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp toàn cầu.
Dự kiến khóa học đầu tiên với 25 chuyên gia sẽ bế giảng vào đầu tháng 7 này.
Trước đó, tại họp báo chiều 3/7, trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã trao đổi những vấn đề chính tại diễn đàn với đồng chủ tịch VBF.
Chủ tịch VCCI cũng bày tỏ những quan ngại nhất định. Trước hết, tăng trưởng xuất khẩu giảm dần qua các tháng, đầu tư nước ngoài (vốn đăng ký mới và vốn đăng ký bổ sung) giảm. Theo ông Lộc, sau 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tính lan toả, liên kết, cũng như chất lượng vốn ngoại vào Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng.
Ông Lộc dẫn chứng, tại hội nghị xúc tiến đầu tư tại Thái Nguyên diễn ra cuối tuần trước, Samsung cho biết sắp tới sẽ có khoảng 200 doanh nghiệp nước ngoài cung ứng của tập đoàn vào Việt Nam.
Việc này, theo ông Lộc có thể giúp Thái Nguyên có thêm được dòng vốn ngoại, song xét ở khía cạnh phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước thì lại là nỗi buồn của doanh nghiệp nội. "Đây là nỗi buồn của nền kinh tế bởi tại sao không phải 200 doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị của Samsung mà lại lại doanh nghiệp ngoại? Câu hỏi này cứ dằn vặt tôi mãi", ông chia sẻ.
Thực tế, trước đây đã có một số doanh nghiệp trong nước vào được chuỗi cung ứng cho Samsung, nhưng chủ yếu chỉ đủ năng lực cung cấp bao bì, vỏ hộp, ốc vít...
Vì lẽ đó, một lần nữa VBF giữa kỳ 2018 lại chọn chủ đề này để thảo luận.