Thúc đẩy thanh niên tham gia các vấn đề phát triển, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

TPO - Để thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong các vấn đề phát triển và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhiều ý kiến cho rằng cần thay đổi trong việc đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực; hướng đến những mô hình đa dạng để thanh niên có những lựa chọn tối ưu của mình.  

Hội thảo "Thúc đẩy sự tham gia của thanh niên trong các vấn đề phát triển và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" diễn ra theo hình thức trực tuyến. 

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Lâm Đăng Hải

Tham luận tại Hội thảo, GS.TS Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng, một công dân toàn cầu thời đại 4.0 phải hội đủ các yếu tố như sức khỏe, bản lĩnh, kỹ năng, ngoại ngữ, công nghệ thông tin.

"Việc đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực nhằm đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần phải được thay đổi rất nhiều mới có thể đáp ứng được yêu cầu từ nền kinh tế số. Đây là nhiệm vụ quan trọng nếu muốn khắc phục tình trạng thất nghiệp hàng loạt", ông Nhung nói.

Hội thảo có nhiều chia sẻ, đề xuất những chính sách hỗ trợ, tạo môi trường cho thanh niên, sinh viên, nhất là phụ nữ và các nhóm yếu thế có các kỹ năng, điều kiện tham gia sâu rộng hơn trong quá trình ra quyết định các vấn đề xã hội, lãnh đạo phát triển; dấn thân nhiều hơn trong thị trường lao động kỷ nguyên 4.0. Ảnh: Lâm Đăng Hải

Để thanh niên Việt Nam đóng góp tích cực trong các hoạt động phát triển xã hội, PGS.TS Trần Xuân Bách cho rằng cần khơi gợi, phát huy sự nỗ lực bản thân và tinh thần cộng đồng, đồng bào. Theo PGS.TS Bách, tính đồng bào trong mỗi người dân, mỗi thanh niên cần phải được khơi gợi trong công tác truyền thông và giáo dục. Từ đó, mọi tình cảm đều có thể chia sẻ được đến những "địa chỉ" phù hợp nhất, bằng những hình thức phù hợp nhất, đáp ứng được đúng nhu cầu của phát triển.

PGS.TS. Bách cũng cho rằng, hoạt động xã hội không chỉ đơn thuần là hoạt động tình nguyện, mà còn có hoạt động mang tính khởi nghiệp. Do đó, cần hướng đến những mô hình đa dạng để thanh niên có những lựa chọn tối ưu của mình; tạo ra những kênh để gom góp tất cả những nguồn lực xã hội nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển.

 Bên cạnh đó, các diễn giả và đại biểu cũng có những đề xuất về cơ chế chính sách, như tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, các cơ chế chuyển giao công nghệ nhanh chóng, xây dựng các trường đại học nghiên cứu như cái nôi của quá trình phát kiến...

PGS.TS Trần Xuân Bách - Phó Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Tổng Thư ký Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, cho biết: Trang bị các kinh nghiệm, kỹ năng cho thanh niên, đặc biệt là tạo cơ chế chia sẻ thông tin, chuyển giao tri thức, phối hợp hành động là nhiệm vụ trọng tâm của Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu.

"Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển lớp thanh niên thế hệ mới nhạy bén, sẵn sàng làm chủ cơ hội, tự tin trước những thách thức mới, vững vàng trong lập thân, khởi nghiệp và kiến tạo xã hội", PGS.TS Trần Xuân Bách nói.

Hội thảo do Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu phối hợp Hội đồng Anh tại Việt Nam, Viện Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực, Viện Kinh tế và Công nghệ y tế tổ chức. Đây là hoạt động cuối cùng khép lại chuỗi sự kiện "Đối thoại thế hệ trẻ Việt Nam".

 Đánh dấu thành công của chuỗi sự kiện là sự ra mắt của nhóm đối tác nghiên cứu quốc tế về thanh niên và các vấn đề phát triển bền vững (EYES). Trong đó, GS.TSKH Trần Văn Nhung làm Chủ tịch; PGS.TS Trần Xuân Bách là điều phối viên, cùng với nhiều nhà khoa học uy tín như: GS.TS Đặng Hải Anh, GS.TS Nguyễn Khánh Diệu Hồng, GS.TS Lê Anh Vinh, PGS.TS Nguyễn Việt Khôi, TS Đặng Đình Long, TS Lê Duy Anh… và đại diện các mạng lưới thanh niên tiêu biểu của nhiều lĩnh vực phát triển.