Thừa và thiếu

TP - Khó thể quy định cụ thể cho nhà văn, nhà thơ phải viết thế nào, như thế nào là đúng – sai, có Chân Thiện Mỹ hay không...

> Hà cớ gì lại đi làm 'Luật nhà văn'

Đề xuất xây dựng một Luật Nhà văn, hay tên gọi chính xác là Luật phát triển văn học - từ sáng kiến của Hội Nhà văn mới - được một đại biểu Quốc hội đưa ra hai hôm nay khiến dư luận cũng như ngay giới văn chương … ngã ngửa vì bất ngờ. Hầu hết đều cho rằng ai đó nghĩ ra chuyện này hẳn là người thích đùa!

Một hội nghề nghiệp lại đòi có hẳn một Luật cho riêng mình. Trong khi đất nước có biết bao lĩnh vực “nước sôi lửa bỏng” đang rất cần có Luật để giám sát, điều chỉnh, thì lại tiến hành rất chậm, hoặc chưa có. Chưa kể văn chương là lĩnh vực hết sức đặc thù, nặng cảm tính.

Khó thể quy định cụ thể cho nhà văn, nhà thơ phải viết thế nào, như thế nào là đúng – sai, có Chân Thiện Mỹ hay không. Ngay như định nghĩa chung nhất về văn học, và các thể loại văn chương cũng có nhiều định nghĩa khác nhau.

Người ủng hộ việc xây dựng luật này thì cho rằng đến lúc phải “luật hóa” văn học. Bởi lâu nay có hiện tượng một số cá nhân hoặc tác phẩm văn học nghệ thuật không đúng với yêu cầu mục đích của văn học mà có ý kích động, thổi phồng sự việc với động cơ xấu…

Nếu chỉ để điều chỉnh hiện tượng trên, thì một tác phẩm văn học dù in giấy hay đăng tải trên mạng đã chịu sự điều chỉnh của rất nhiều luật: Luật xuất bản, Luật bản quyền, Nghị định quản lý sử dụng Internet, Quy định về xuất bản trên mạng, và cả Bộ luật dân sự, Luật hình sự …

Luật Xuất bản đã ghi rõ: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện dân sự, hoặc yêu cầu khởi tố hình sự khi xuất bản phẩm có nội dung sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bộ luật Dân sự cũng đã quy định rất rõ điều này. Đã từng có bloger bị khởi tố vì xúc phạm cá nhân, nhiều cuốn sách bị thu hồi, xử phạt hành chính … Vậy thì có thêm Luật nhà văn để làm gì ?

Xây dựng một dự luật cũng tốn kém như xây dựng một công trình lớn hàng tỷ đồng, thậm chí nhiều tỷ đồng. Nhưng thực tế, nhiều luật vừa ra đời đã không sử dụng được, phải sửa chữa, điều chỉnh. Việc này không khác gì một công trình lớn vừa xây xong đã hỏng, phải đập để sửa chữa.

Chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công phải bỏ tiền ra đền bù sai sót, thậm chí ra tòa nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng với việc xây dựng luật mà không dùng được, thì chưa thấy có ai, cơ quan tổ chức nào bị quy trách nhiệm.

Cái bệnh tỉnh thành nào cũng muốn có sân bay quốc tế, cảng biển, khu kinh tế rồi bỏ trống. Rồi ngành nào cũng phải có một ngày của mình, như mới đây là Ngày âm nhạc Việt Nam mà chỉ qua năm thứ 2, đã rất nhạt nhẽo. Nay đến lúc hội nghề nghiệp nào cũng đòi có luật của riêng mình. Dù biết xây một “ngôi nhà luật” như vậy rất tốn kém. Và thừa biết sẽ rất ít khi dùng đến, thậm chí gây trùng lắp, chồng chéo trong hệ thống luật.

Trong lúc kinh tế khó khăn, lạm phát gia tăng, Nhà nước chủ trương thắt lưng buộc bụng, cắt giảm đầu tư công, cần phải mạnh tay cắt bỏ việc chi tiền của, công sức cho những luật không hoặc chưa cần thiết kiểu này.

Theo Báo giấy