Mỹ:

Thua lỗ kéo dài, sáp nhập thất bại, Spirit Airlines xin phá sản

TPO - Ngày 18/11, Hãng hàng không giá rẻ Spirit Airlines vừa chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Đây là hãng hàng không lớn đầu tiên tại Mỹ nộp đơn phá sản kể từ năm 2011, sau khi phải đối mặt với chuỗi thua lỗ kéo dài, thương vụ sáp nhập thất bại và các khoản nợ sắp đáo hạn.

Thua lỗ, thất bại liên tiếp

Hãng hàng không Spirit Airlines không đạt được lợi nhuận kể từ 2019. Tương lai của hãng trở nên bất định hơn sau khi kế hoạch sáp nhập trị giá 3,8 tỷ USD với Hãng hàng không JetBlue Airways thất bại vào tháng 1 năm nay, do vướng các quy định chống độc quyền.

Hãng hàng không giá rẻ Spirit Airlines đã chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Spirit Airlines cho biết sẽ tiếp tục hoạt động trong thời gian tái cơ cấu nợ, đồng thời cam kết không làm gián đoạn dịch vụ. Hãng hàng không khẳng định “khách hàng vẫn có thể đặt vé, bay như bình thường và sử dụng vé, tín dụng, cũng như điểm thưởng mà không bị ảnh hưởng”.

Mô hình giá rẻ của hãng hàng không Spirit với mức khứ hồi trung bình chỉ 136 USD - thấp hơn 61% so với mức trung bình ngành, đây từng là nhân tố thúc đẩy cạnh tranh, buộc các hãng lớn phải triển khai dịch vụ ghế hạng phổ thông cơ bản. Tuy nhiên, những khó khăn tài chính đã khiến Spirit Airlines không thể duy trì chiến lược này.

Trong nửa đầu năm nay, hãng báo lỗ 360 triệu USD, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Giảm nợ, tăng tài chính

Theo Spirit, các cuộc đàm phán với chủ nợ đang tiến triển tích cực. Hãng kỳ vọng sẽ thoát khỏi quá trình phá sản vào đầu năm 2025 với mức nợ giảm và sự linh hoạt tài chính tăng, tạo điều kiện cho các khoản đầu tư mới nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng. Các chủ nợ đã đồng ý bơm thêm 300 triệu USD để duy trì hoạt động trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng hãng hàng không Spirit sẽ bị mua lại hoặc buộc phải thanh lý tài sản. Nhiều hãng hàng không lớn như American Airlines từng phải bán tài sản khi phá sản và sáp nhập với các hãng khác.

Hãng Hàng không Spirit Airlines hiện có gần 13.000 nhân viên toàn thời gian và bán thời gian, cùng 8.000 lao động hợp đồng và tạm thời. Bộ Tài chính Mỹ là chủ nợ lớn thứ hai của hãng, với khoản vay không bảo đảm trị giá 136 triệu USD từ chương trình hỗ trợ liên bang trong đại dịch COVID-19.

Trong hồ sơ gửi Ủy ban Chứng khoán Mỹ tuần trước, Spirit Airlines cho biết đang đàm phán tích cực với các chủ nợ để tái cơ cấu khoản nợ đến hạn vào năm 2025 và 2026. Hãng tiết lộ về 3,1 tỷ USD nợ dài hạn.

Do phá sản, Spirit Airlines dự kiến sẽ bị hủy niêm yết trên Sàn Giao dịch chứng khoán New York trong thời gian tới. Cổ phiếu của Spirit đã mất 93% giá trị trong năm nay.

Khó khăn chồng chất

Tất cả các hãng hàng không Mỹ đều chịu tổn thất lớn trong giai đoạn đầu đại dịch, dù nhận được hàng tỷ USD hỗ trợ từ chính phủ. Tuy nhiên, khi nhu cầu du lịch tăng trở lại vào năm 2022, các hãng lớn đã dần hồi phục, trong khi các hãng nhỏ như Spirit Airlines vẫn loay hoay thu hút khách hàng tìm kiếm giá rẻ.

Hãng đã phải bán 23 máy bay Airbus, hoãn nhận thêm máy bay mới và sa thải hàng trăm phi công. Theo kế hoạch, Spirit sẽ tiếp tục cắt giảm nhân sự vào tháng 1/2025.

Việc hãng hàng không Spirit nộp đơn phá sản có thể làm tăng giá vé trên toàn ngành. Nếu hãng thu hẹp quy mô, ngừng hoạt động, hoặc bị mua lại, áp lực cạnh tranh để giữ giá vé thấp sẽ giảm. Hơn nữa, một thương vụ mua lại mới có thể không gặp phải rào cản như trước, đặc biệt khi nguy cơ thanh lý hãng là lựa chọn thay thế.

Trong khi các hãng hàng không khác từng vượt qua phá sản và trở lại mạnh mẽ, tương lai của Spirit Airlines vẫn là câu hỏi lớn với cả ngành hàng không và khách hàng đang theo dõi sát sao diễn biến.

Theo Reuters, CNN