Không thể dẹp bỏ thư viện
PGS. TS Bùi Hiền nguyên là Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội cho rằng, thực trạng thư viện ở nhiều trường, nhiều địa phương còn nghèo nàn, thậm chí nhiều nơi không có phòng đọc cho học sinh.
Vấn đề là thư viện thiếu thì làm thế nào tạo đủ, đáp ứng được các yêu cần về thư viện trong trường học. Chứ không phải vì thiếu sách, thiếu phòng học, phòng đọc của học sinh mà lại dẹp bỏ.
PGS Hiền khẳng định, thư viện không thể dẹp bỏ được vì thư viện là “ông thầy thứ 2” của học sinh. Đôi khi, với học sinh giỏi, thư viện là ông thầy chính chứ không phải ông thầy đứng giảng dạy trên lớp đâu.
“Vậy liệu văn hóa đọc trên mạng có xâm lấn văn hóa đọc của học sinh không. Có hay không việc thay thế hoàn toàn thói quen đọc sách?”.
PGS Hiền cho rằng, đọc sách và lên internet thu thập kiến thức là hai dạng của việc tìm kiếm thông tin. Thông tin ở sách là thông tin tương đối tĩnh, người ta có thể ghi chép, hệ thống, lật đi lật lại được. Việc này cần thiết vì việc đọc, việc nghiên cứu thì đâu phải là một lần là xong.
Cũng theo PGS Hiền, lấy thông tin trên mạng thì thông tin phong phú nhưng đôi khi lại quá phong phú và phức tạp dẫn đến học sinh không dễ gì nắm được cốt lõi của kiến thức.
“Không phải cứ gõ google là ra hết. Dù kiến thức phổ thông cho học sinh thì trên mạng có cả. Nếu học sinh, sinh viên không có bản lĩnh tốt dễ bị lao và hút theo thông tin không lành mạnh”- PGS Hiền nhấn mạnh.
PGS Bùi Hiền
Có nên xã hội hóa?
Xã hội hóa thư viện trường học cũng là vấn đề cần đưa ra khi có nhiều nơi chưa được đầu tư đúng mức.
Tuy nhiên, theo PGS Hiền, thư viện là cái tối thiểu của nhà trường phải trang bị cho giáo viên và học sinh.
“Tôi cho rằng, xây thư viện thì phải lấy ở quỹ của nhà nước. Cần nhất, nguồn kinh phí phải điều phối hợp lý, để ở đâu, trường nào cũng có thư viện. Chứ các tỉnh xa xôi hiện nay nhiều trường không có thư viện. Đây là vấn đề quản lý của nhà nước”- PGS Hiền nói.
Cũng theo PGS Hiền, để xã hội hóa vào thư viện thì cũng không phải dễ dàng, người tham gia vào đó thì người nào cũng có mục tiêu riêng của người ta, không khéo thì theo yêu cầu của người ta. Đâu phải cứ đưa tiền ra là xong.
“Tiền xã hội hóa là bổ sung thêm chứ không thể nào thay thế hoàn toàn từ kinh phí của nhà nước chi cho giáo dục được”- PGS Hiền nhấn mạnh.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, hiện nay tại hầu hết các trường Tiểu học ở Việt Nam tồn tại 2 kiểu thư viện:
– Thứ nhất, thư viện không được đầu tư cả cơ sở vật chất và sách phục vụ học sinh. Mặc dù được gọi là thư viện, nhưng thực sự là nhà kho của trường.
– Thứ hai, thư viện được đầu tư tốt về cơ sở vật chất, nhưng vẫn thiếu sách phục vụ học sinh. Sách trong thư viện này phần lớn là sách phục vụ giáo viên. Sách phục vụ học sinh được khóa trong tủ và học sinh tìm sách qua danh mục sách.
Nhiều thư viện của trường học có diện tích phòng học nhỏ, thư viện chỉ là tận dụng từ một phòng học. Thông thường ở trường giờ nghỉ giải lao giữa buổi ngắn, thời gian đi lại cũng không đủ thời gian đọc, do đó nhiều em đã chọn ngồi trong lớp nói chuyện với các bạn, hay ra sân chơi hơn là lên thư viện.
Học sinh chưa có thói quen tự đọc sách báo, đặc biệt sách báo giấy. Việc tạo thói quen đọc sách và hình thành văn hóa đọc cho học sinh là một yếu tốt quan trọng hàng đầu trong việc định hướng các em tới thư viện. Tuy nhiên, nhiều nơi do sự thờ ơ của nhà trường và các thầy cô nên chưa định hướng tốt.
Vốn tài liệu trong thư viện còn sơ sài, hình thức, tài liệu còn chưa đa dạng phong phú. Chủ yếu vẫn chỉ có sách giáo khoa và sách tham khao, ít những tài liệu giải trí.
Việc đầu tư kinh phí còn khiêm tốn, số lượng máy tính kết nối internet trong thư viện không nhiều, tài liệu bổ sung không thường xuyên, liên tục... cũng làm cho chất lượng của hoạt động thư viện rất kém.