Thủ tướng tâm đắc với nét mới trong quy hoạch TPHCM vừa công bố

TPO - Phân tích đến các hành lang, trục không gian, cấu trúc không gian của quy hoạch, Thủ tướng cho rằng việc sắp xếp khu vực 5 huyện ngoại thành, hệ sinh thái “làng trong phố, phố trong làng” là điều rất mới, thể hiện nét sinh thái khi xanh hóa đô thị (làng trong phố), rồi đô thị hóa nông thôn (phố trong làng).

Chiều 4/1, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch TPHCM.

Theo quy hoạch, các định hướng, ưu tiên phát triển của TPHCM, đến năm 2050, TPHCM trở thành đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc; người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TPHCM và vùng Đông Nam Bộ; cực tăng trưởng của cả nước.

Quang cảnh buổi lễ công bố quy hoạch TPHCM. Ảnh: VGP

Lãnh đạo Chính phủ trao quyết định phê duyệt quy hoạch cho lãnh đạo TPHCM. Ảnh: VGP

Quy hoạch xác định 2 hành lang, 3 tiểu vùng, 9 trục không gian chủ đạo và 1 trục không gian ven biển, cấu trúc không gian đa trung tâm.

2 hành lang gồm: Hành lang quốc gia đoạn đi qua TPHCM và hành lang vùng sông Đồng Nai - Sài Gòn - Thị Vải - Soài Rạp.

3 tiểu vùng gồm: Tiểu vùng khu vực đô thị trung tâm; tiểu vùng TP. Thủ Đức; tiểu vùng khu vực ngoại thành.

9 trục không gian chủ đạo gồm 4 trục Đông - Tây và 5 trục Bắc - Nam; 1 trục không gian ven biển phía Nam từ Tiền Giang qua Cần Giờ, TPHCM đến Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai.

Cùng với đó, TPHCM hình thành và phát triển cấu trúc không gian đa trung tâm, trong đó khu vực đô thị trung tâm (16 quận nội thành) giữ vai trò là hạt nhân, đầu não và động lực tăng trưởng của toàn thành phố; TP. Thủ Đức trực thuộc TPHCM, giữ vai trò là cực tăng trưởng mới; sắp xếp khu vực ngoại thành (5 huyện) trên cơ sở hình thành 5 đô thị vệ tinh đến năm 2030 và 4 đô thị vệ tinh tầm nhìn đến năm 2050, là những đô thị trực thuộc thành phố.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định việc công bố Quy hoạch TPHCM có ý nghĩa rất quan trọng, định hướng để các nhà đầu tư, đối tác có cơ sở nghiên cứu, thúc đẩy và mở rộng đầu tư.

Thủ tướng nêu rõ, Quy hoạch TPHCM đã thể hiện tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, với tư duy, cách tiếp cận, phương pháp luận phù hợp và quyết tâm lớn để giải quyết các vấn đề của TPHCM. Quy hoạch cũng thể hiện rõ quyết tâm, trăn trở, lo toan, trách nhiệm của thành phố.

Cùng với đó là kiên nhẫn, tìm tòi những thách thức, mâu thuẫn của thành phố để giải quyết. Mâu thuẫn, thách thức lớn hiện nay là thu hút nguồn lực; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển giai đoạn mới; tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, môi trường. Những vấn đề này cần tập trung tháo gỡ.

“Bản quy hoạch bám sát chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, bám sát tình hình và diễn biến thực tiễn của TPHCM, lấy thực tiễn làm thước đo, tôn trọng thực tiễn thành phố để tìm ra tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để có những giải pháp phát huy tốt nguồn lực; đồng thời kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”, Thủ tướng đánh giá.

Phân tích đến các hành lang, trục không gian, cấu trúc không gian của quy hoạch, Thủ tướng cho rằng việc sắp xếp khu vực 5 huyện ngoại thành, hệ sinh thái “làng trong phố, phố trong làng” là điều rất mới, thể hiện nét sinh thái khi xanh hóa đô thị (làng trong phố), rồi đô thị hóa nông thôn (phố trong làng). “Khái niệm của ta rất giản dị, dễ hiểu, doanh nghiệp, nhà đầu tư đều dễ hiểu. Điểm này rất hay, rất bản sắc”, Thủ tướng điểm lại kết quả khi cùng lãnh đạo TPHCM ngồi trên tàu đi khảo sát Cần Giờ trước đó.

Khai thác không gian vũ trụ, biển và không gian ngầm

Người đứng đầu Chính phủ cũng ghi nhận việc phát triển hệ sinh thái công nghiệp, nông nghiệp có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, trong quy hoạch này đã đề cập đến khai thác 3 không gian: không gian vũ trụ (kinh tế hàng không), không gian biển và không gian ngầm. Theo đó, Thủ tướng đề nghị TPHCM khai thác tốt 3 không gian này thì mới góp phần thúc đẩy, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đồng thời cũng sẽ có giải pháp khắc phục điểm nghẽn, mâu thuẫn và các thách thức của mình – một thành phố đông dân, đất hẹp.

“Do đó thành phố phải mở rộng không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm. Cụ thể, vừa qua TPHCM đã làm được tuyến đường sắt đô thị vừa ngầm, vừa trên cao được người dân đón nhận”, Thủ tướng nói.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu TPHCM cần chú trọng, tập trung thực hiện “1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 tiên phong”.

Cụ thể, “1 trọng tâm” là xây dựng cơ chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp cho phát triển, gồm nguồn lực Nhà nước, tư nhân, hợp tác công tư, đầu tư trực tiếp, gián tiếp và nguồn lực từ Trung tâm Tài chính quốc tế. “2 tăng cường” là tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người; tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua kết nối hệ thống giao thông, chuyển đổi số, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi, đa dạng hoá sản phẩm, chuỗi cung ứng, thị trường.

“3 tiên phong” gồm tiên phong phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược gồm cả hạ tầng cứng và mềm; tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị; tiên phong trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, đào tạo và giữ chân nhân tài.

Nêu nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành; không cứng nhắc mà phải linh hoạt để bổ sung điều chỉnh kịp thời, đặc biệt là cùng cả nước phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số những năm tới.