Thủ tướng sốt ruột về năng suất lao động

TP - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2014, trước thông tin về năng suất lao động của người Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lưu ý phải “hiểu đúng vấn đề này, đưa ra đánh giá chính thức năng suất lao động của Việt Nam đang ở vị trí nào trong khu vực và trên thế giới, hướng phấn đấu cụ thể”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh tại phiên họp Chính phủ tháng 9/2014. Ảnh: Đoàn Bắc

Theo công bố của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương; thấp hơn Singapore 15 lần; thấp hơn Nhật Bản 11 lần; thấp hơn Hàn Quốc 10 lần; chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan.

“Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 61% mức lao động bình quân của các nước ASEAN, chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia. Có phải vậy không?”, Thủ tướng đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết năng suất lao động của một quốc gia được ILO tính theo công thức: “Lấy tổng thu nhập quốc nội chia cho số lao động làm việc”.

Theo đó Việt Nam là một trong ba nước có năng suất lao động thấp nhất ASEAN. Bộ trưởng Chuyền giải thích có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn cao; công nghiệp phần lớn làm gia công, ít công nghệ cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp còn thấp.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu kỹ, phân tích tổng thể vấn đề này.

Thủ tướng nhấn mạnh việc so sánh, phân tích năng suất lao động cần phải chỉ rõ được những yếu kém, hạn chế do nguyên nhân chủ quan, khách quan; chỉ rõ chúng ta hạn chế ở khâu nào, do đào tạo kỹ năng lao động hay do công nghệ lạc hậu hay do cách tính. Từ đó, hiểu đúng vấn đề này, đưa ra đánh giá chính thức năng suất lao động của Việt Nam đang ở vị trí nào trong khu vực và trên thế giới và có hướng phấn đấu cụ thể.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, cho rằng, muốn tăng năng suất lao động trước hết cần tái cơ cấu, tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng cao.

Tiếp đó, khuyến khích, tạo động lực để DN đầu tư cho KHCN thông qua chính sách ưu đãi cụ thể về thuế và tín dụng. Cuối cùng, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ nhân viên văn phòng đến lao động kỹ thuật, lao động phổ thông.

“Tổ chức quốc tế đánh giá 80% nhân viên văn phòng ở Việt Nam thiếu kỹ năng; tỷ lệ này ở lao động kỹ thuật, lao động phổ thông là 83% và 40%. Chúng tôi đang yêu cầu các cơ quan xem xét đánh giá trên có đúng không. Nhưng rõ ràng đây là một trong ba yếu tố liên quan đến năng suất lao động rất đáng báo động”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.

Nếu đạt tăng trưởng 6% là quá tốt

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết “Tăng trưởng theo mục tiêu 5,8% như phát biểu của các đồng chí là khả thi, song chúng ta không dừng lại ở đây, phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa, nếu đạt được 6% thì quá tốt… Đạt 6% ở đây cũng là đạt vững chắc trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định”, Thủ tướng nhấn mạnh.