Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm chính thức Luxembourg, Hà Lan, Bỉ

TPO - Đúng 0h15 phút ngày 9/12, chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan, Vương quốc Bỉ. Nhân dịp này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU tại Brussels, Vương quốc Bỉ vào ngày 14/12.

Từ ngày 9 đến 15/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan, Vương quốc Bỉ.

Nhân dịp này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU tại Brussels, Vương quốc Bỉ vào ngày 14/12.

Chuyến đi diễn ra theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên chuyên cơ rời Hà Nội đi Luxembourg.

Tham gia Đoàn cấp cao Việt Nam có: Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Khánh Toàn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Văn Hồi...

Kể từ khi nhậm chức, đây là lần thứ hai Thủ tướng Phạm Minh Chính công du châu Âu, sau chuyến đi đầu tiên dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Anh, vào tháng 11/2021.

Năm 2022 cũng là thời điểm đánh dấu 45 năm ASEAN và Liên minh châu Âu (EU) chính thức thiết lập quan hệ đối thoại, cũng là năm thứ hai ASEAN và EU nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Đây là lần đầu tiên ASEAN và EU phối hợp tổ chức Hội nghị Cấp cao kỷ niệm quan hệ hai bên tại EU với sự tham gia của lãnh đạo Cấp cao các nước thành viên ASEAN và EU.

Sau 45 năm, quan hệ ASEAN- EU đã phát triển năng động, mở rộng bao trùm các lĩnh vực như chính trị - an ninh, kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội và hợp tác phát triển. Hiện, hai bên đang phối hợp triển khai Kế hoạch Hành động triển khai Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN- EU giai đoạn 2023- 2027.

Về kinh tế, EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của ASEAN. Theo số liệu của ASEAN, năm 2021, EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Mỹ) của ASEAN, với tổng giá trị thương mại hai chiều đạt 268,9 tỷ USD. EU cũng là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 2 (sau Mỹ) của ASEAN với tổng vốn đầu tư đạt 26,5 tỷ USD.

Theo số liệu của EU, năm 2021, ASEAN là đối tác thương mại ngoài châu Âu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Mỹ) của EU. Về hợp tác phát triển, EU là một trong những đối tác hợp tác phát triển hàng đầu của ASEAN, tập trung hỗ trợ ASEAN hội nhập khu vực, tăng cường kết nối ASEAN thông qua các chương trình hợp tác phát triển khác nhau trên cả ba trụ cột hợp tác.

Đặc biệt, trong giai đoạn ứng phó với đại dịch COVID-19, EU là một trong những đối tác đầu tiên, tích cực thúc đẩy hợp tác với ASEAN ứng phó đại dịch ngay từ khi COVID-19 bùng phát. EU cam kết triển khai gói “Team Europe” trị giá 800 triệu Euro để hỗ trợ ASEAN ứng phó COVID-19 và giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch; bổ sung thêm “Chương trình hỗ trợ Đông Nam Á sẵn sàng ứng phó đại dịch” trị giá 20 triệu Euro nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực y tế và điều phối ứng phó dịch bệnh tại khu vực.

Hai bên cũng đồng thời tổ chức các cuộc đối thoại giữa các chuyên gia y tế ASEAN-EU về ứng phó với đại dịch.

Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới 3 nước châu Âu vừa góp phần tăng cường, củng cố quan hệ giữa Việt Nam và các nước; khẳng định vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong quan tâm, ưu tiên của ba nước châu Âu với khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương; đồng thời, giúp Việt Nam mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực thế mạnh của mỗi nước, phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam như công nghệ dược phẩm, logistics với Luxembourg; kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo với Hà Lan; kinh tế biển, nông nghiệp sinh thái với Bỉ.

Cùng với đó, khuyến khích ba nước nói riêng và các nước EU nói chung đầu tư vào hạ tầng chiến lược của Việt Nam như chuyển đổi số, logistics, cảng biển, hỗ trợ chống biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh; vận động các nước tiếp tục có quan điểm mạnh mẽ ủng hộ lập trường của Việt Nam về Biển Đông