Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải đổi mới từ cơ sở, từ thầy cô giáo

TP - Sáng 5/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đến dự Lễ khai giảng năm học mới tại trường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành nhiều thời gian thăm hỏi, chia sẻ với những khó khăn, nỗ lực của nhà trường và yêu cầu phải chấn hưng giáo dục…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự khai giảng năm học mới tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Như Ý.

Thầy cô như người cha, người mẹ thứ hai 

Theo cô giáo Phạm Thị Kim Nga, Hiệu trưởng trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, trường đã trải qua 34 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ thầy và trò trường Nguyễn Đình Chiểu đã không ngừng cố gắng vươn lên. 

Trong năm học vừa qua, khối tiểu học đã đạt 84,5% học sinh hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ; khối THCS với 99,2% đạt hạnh kiểm tốt, 89,1% học sinh đạt học lực khá và giỏi. Nhiều học sinh của trường đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp thành phố, cấp quận. Trường đã có 1 học sinh được tuyên dương học sinh khuyết tật tiêu biểu toàn quốc; 1 học sinh được cử thi quốc tế.

Phát biểu tại Lễ khai giảng, Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực vượt khó của thầy và trò nhà trường, đã viết nên truyền thống 34 năm đầy tự hào của trường Nguyễn Đình Chiểu. Trường Nguyễn Đình Chiểu là câu chuyện thành công đầy thuyết phục về quan điểm của Đảng và Nhà nước về giáo dục.

 Đó là tất cả mọi người dân, người bình thường hay khiếm thị hay rộng hơn người khuyết tật nói chung đều được tạo điều kiện để tiếp cận với giáo dục một cách bình đẳng. “Trường Nguyễn Đình Chiểu hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình mà đầu tiên là bằng trách nhiệm và tình yêu thương sâu sắc. Nhà trường đã xây dựng một môi trường hòa nhập thân thiện, sâu sắc và nhân văn để những người khiếm thị và những người bình thường học tập cùng nhau, vui chơi cùng nhau”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Môi trường sư phạm ấy, môi trường hội nhập cộng đồng ấy rất đáng được trân trọng, rất có ý nghĩa. Và điều đó càng có ý nghĩa hơn khi Việt Nam có trên 2 triệu người khiếm thị. Chính các cháu là lực lượng phát triển, là nguồn nhân lực góp phần xây dựng đất nước, là trí tuệ, khối óc và trái tim. 

“Tôi đặc biệt xúc động  khi đọc câu chuyện thầy Phạm Đình Thắng, người thầy mù luôn tận tụy với từng cá nhân các em học sinh khiếm thị. Dù thầy không có Kiều Nguyệt Nga ở bên cạnh nhưng thầy Phạm Đình Thắng chính là Lục Vân Tiên thời nay… Các thầy cô giảng dạy trực tiếp cũng như cán bộ công nhân viên ở đây đã thực sự như một người cha, người mẹ thứ 2 của các em học sinh thân yêu”, Thủ tướng nói.

Chấn hưng giáo dục từ đâu?

Trong phát biểu của mình, Thủ tướng cũng bày tỏ trăn trở, tâm huyết, dành nhiều thời gian để nói về yêu cầu phải chấn hưng giáo dục. “Thủ tướng khẳng định: Trong mục tiêu đổi mới giáo dục, phải đổi mới từ cơ sở, đổi mới từ thầy cô giáo là nhân tố quan trọng nhất. 

Từ phổ thông, các cháu không chỉ học kiến thức từ sách giáo khoa, các cháu còn học kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, hòa nhập được trải nghiệm, sáng tạo để phát huy mọi tiềm năng cá nhân.

Về đào tạo học sinh khuyết tật, Thủ tướng cho rằng, người bình thường học thành tài đã khó, người khuyết tật còn khó hơn. Chính vì vậy, người khiếm thị không bao giờ đầu hàng với số phận. Các em luôn ý thức bên cạnh mình là những người thầy, cô luôn tin tưởng, những người bạn luôn đồng hành. Nhà trường là ngôi nhà, gia đình, mái ấm thứ 2.